Gia nhập EU không còn là "con bài mặc cả" với Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày càng có nhiều nước lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay đàn áp sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đang có dấu hiệu rạn nứt nghiêm trọng khi Thủ tướng Áo Christian Kern ngày 4/8 cho biết, sẽ thảo luận với lãnh đạo các nước châu Âu về việc dừng tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ sau những báo cáo quan ngại về tình trạng dân chủ và kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Áo Kern cho biết quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã đến lúc "nhấn nút reset" trở về trạng thái ban đầu trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai chiến dịch trấn áp quy mô lớn sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7.
Ông Kern cho rằng, các tiêu chuẩn dân chủ thực tế tại Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể đáp ứng thủ tục gia nhập EU. Vấn đề quan trọng khác là nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của châu Âu.
Vì vậy, Thủ tướng Áo cho biết ông muốn mở một cuộc tranh luận về vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu vào ngày 16/9 tới.
Khi được hỏi liệu cuộc họp ở Vienna có đề xuất phương pháp ngăn chặn tiến trình đàm phán hay không, ông Kern cho biết, Áo sẽ đề nghị EU về một "giải pháp thay thế mới" giúp nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ gần gũi hơn với các tiêu chuẩn châu Âu.
Phản ứng trước tuyên bố của Thủ tướng Áo, Bộ trưởng phụ trách quan hệ với EU của Thổ Nhĩ Kỳ, Omer Celik cho biết, những tuyên bố của ông Kern là rất đáng lo ngại: “Họ đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ rất nhiều mà không nghĩ đến bản thân. Thành thật mà nói, tuyên bố của ông ấy tương tự như của các bên cánh hữu ở châu Âu chỉ làm cho vấn đề thêm rắc rối.”
Sau cuộc đảo chính thất bại hồi tháng 7, giới quan sát cho rằng, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang ở "ngã ba đường" và rằng việc gia nhập Liên minh châu Âu không còn là "con bài mặc cả" như trước.
Hiện Liên minh châu Âu đang lên tiếng bày tỏ quan ngại với chiến dịch "thanh trừng" của chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan sau cuộc đảo chính.
Trước đó, hồi cuối tháng 7/2016, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khi trả lời phỏng vấn truyền hình của Pháp cũng đã tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc kết nạp quốc gia này vào Liên minh châu Âu sẽ bị ngừng lại nếu như chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ quyết định áp dụng hình phạt tử hình đối với các thành viên tham gia cuộc đảo chính quân sự bất thành ngày 15/7 vừa qua.
“Tôi cho rằng, với thực trạng hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể trở thành thành viên EU trong thời gian tới thậm chí cả trong thời gian dài. Chúng tôi đang quan sát các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng lại các án tử hình thì chúng tôi sẽ ngừng việc đàm phán với họ vì một nước duy trì án tử hình không thể có một chỗ đứng trong EU”.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng chỉ trích và đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận với EU về việc ngăn dòng người di cư đổ vào châu Âu nếu liên minh này không miễn thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, trách nhiệm thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ bởi nước này vẫn chưa hoàn thành các điều kiện ràng buộc, nên Liên minh châu Âu không thể quyết định về vấn đề tự do hóa thị thực vào thời điểm này./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm Tin (Tổng hợp)