Gặp lại Kim Phúc trong bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam
(Dân trí) - Đó là bức ảnh mà nhiều người tin rằng đã góp phần kết thúc cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam: một bé gái 9 tuổi trần truồng với gương mặt đau đớn, đang chạy trên đường sau khi bị bỏng khắp người bởi bom napalm.
Cô bé ngày nào giờ đã trở thành một phụ nữ 46 tuổi. Phan Thị Kim Phúc, thường được mọi người gọi với cái tên trìu mến là Kim Phúc, đã chia sẻ câu chuyện của mình và gửi đi một thông điệp hi vọng tại cuộc hội thảo gần đây của các nạn nhân bỏng và các chuyên gia điều trị bỏng tại thành phố New York, Mỹ.
“65% cơ thể tôi đã bị bỏng”, Kim Phúc nhớ lại trong cuộc phỏng vấn với tạp chí HealthDay. Kim Phúc bị bỏng độ 3 khiến toàn bộ vùng da ở lưng, tay trái bị cháy xém nhưng may mắn là gương mặt không bị ảnh hưởng. Những vết bỏng đã để lại dấu tích vĩnh viễn trên người Kim Phúc và những cơn đau vẫn trở đi trở lại khi trái gió trở trời.
“Tôi từng nghĩ mình sẽ chết mất. Tôi bị bỏng quá nặng nên phải phẫu thuật ghép da, chủ yếu là lấy da từ vùng chân. Tôi phải điều trị trong viện bỏng suốt 14 tháng và trải qua 17 cuộc phẫu thuật”.
Kim Phúc giờ đây là một nhà diễn thuyết, nhà hoạt động vì hòa bình, Đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc và người bảo vệ quyền trẻ em. Bà mẹ 2 con cũng là nguồn khích lệ đối với những nạn nhân bỏng sống sót trên toàn thế giới. Kim Phúc hiện đang định cư tại Toronto, Canada. Cô đã chuyển tới đây sống cùng chồng từ những năm 1990.
“Tôi nghe thấy có tiếng bom từ máy bay rải xuống. Sau đó tôi nhìn thấy lửa cháy khắp nơi quanh tôi. Tôi hoảng sợ. Toàn bộ quần áo của tôi đã bị cháy hết. Tôi thấy mình bị bỏng, còn mọi người thì hét lên “Nóng quá, nóng quá”.
Hai người họ hàng của Kim Phúc đã chết vì bị bỏng quá nặng trong trận bom napalm, còn Kim Phúc được phóng viên Nick Ut, tác giả của bức ảnh nổi tiếng, giúp đỡ. Cô bé nhanh chóng được đưa vào viện để điều trị.
Những ngày sau đó, Kim Phúc đã nỗ lực vượt qua nỗi đau và tiếp tục sống. Tuy nhiên, Kim Phúc cho hay vết thương năm nào vẫn dai dẳng bám theo cô. “Giờ đây tôi vẫn bị đau vì các dây thần kinh đã bị tổn thương do bị bỏng. Vì thế, một chỗ đau kéo theo tất cả những chỗ khác”.
Ăn uống có lợi cho sức khỏe, tập luyện và sống lạc quan đã giúp Kim Phúc quên đi cơn đau mỗi khi chúng xuất hiện.
Bức ảnh về Kim Phúc của phóng viên Nick Út đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Pulitzer danh giá. Tấm ảnh đã giúp đã phô bày những tội ác khủng khiếp về cuộc chiến tranh Việt Nam do Mỹ phát động.
An Bình
Theo AP