Gặp chú chó tham gia biểu tình đầy "máu lửa" ở Hi Lạp
(Dân trí) - Bất kỳ khi nào diễn ra biểu tình, Sausage đều có mặt, luôn luôn đứng về phía những người biểu tình và đôi khi làm giảm căng thẳng đối đầu giữa hai "chiến tuyến".
Sausage là con chó lạc, “đóng đô” ở quảng trường Syntagma tại trung tâm Athens, Hi Lạp. Chú sẽ không bận tâm khi phải chia sẻ “nhà” của mình với những người biểu tình, miễn là chú được tham gia.
Bất kỳ khi nào diễn ra biểu tình, Sausage đều có mặt, luôn luôn đứng về phía những người biểu tình và đôi khi làm giảm căng thẳng đối đầu giữa hai "chiến tuyến".
Mới đây, khi giới công chức Hi Lạp tiến hành biểu tình chống lại việc cắt giảm của chính phủ, như thường lệ Sausage chiếm vị trí ở hàng đầu, cùng hô vang khẩu hiệu “woof”, đối đầu với hàng rào cảnh sát được trang bị dùi cui, khiên chắn.
Một số người gọi chú là Kanellos (chỉ màu lông vàng nâu của chú). Trong khi đó người dân Athens, đã quen biết chú từ năm 2006 với tên gọi chú chó số 1842, thích cái tên Loukanikos hay Sausage (xúc xích) hơn.
“Loukanikos hay Kanellos là hai trong rất nhiều tên của chú”, Anna Makri, người đứng đầu Dịch vụ chó lạc của thành phố Athens cho hay. “Không có Sausage nào khác”.
Là người đứng đầu của cơ quan chó lạc, nên Makri từng một lần bị kiện vì Sausage đã tấn công người. Tuy nhiên vụ việc hiện đang được treo lại. “Nó là một con chó đáng yêu, nhưng khá nóng nảy”, bà cho biết.
Chó lạc ở Athens không như chó lạc ở các thành phố lớn khác. Nhiều con, trong đó có Sausage, được đeo vòng cổ và số.
Thay vì thu gom chúng lại, giới chức thành phố Athens trả tiền để nuôi khoảng hơn 2.000 con. Chúng được thiến, tiêm vắc xin, được nhận diện bằng chíp vi mạch rồi được thả trở về đường phố, với cổ đeo số điện thoại nếu chúng gây rắc rối.
Bạn có thể thấy chúng nằm dài sưởi nắng cạnh một bức tượng, hay tụ tập theo nhóm 2, hoặc 3 con bên ngoài một quán café.
“Ở hầu hết các nước châu Âu, họ sẽ cho chúng chết một cách nhẹ nhàng. Nhưng văn hóa Hi Lạp không cho phép điều này. Luật của chúng tôi cũng cho phép chúng tái định cư”, bà Makri nói. “Mọi người ở đây chăm sóc cho chúng, yêu quý chúng. Chúng giống như chó của mọi nhà”.
Cũng có lúc người Hi Lạp đã nghĩ đến viễn cảnh cuộc khủng hoảng tài chính, cuộc khủng hoảng làm lan rộng các cuộc biểu tình, đưa Sausage trở nên nổi tiếng, sẽ buộc thành phố ngừng chương trình bảo vệ chó lạc. Chương trình này đã được khởi động 1 năm trước Olympics 2004.
Theo phó thị trưởng Angelos Antonopoulos, trên thực tế trong những tháng gần đây chương trình đã bị gián đoạn trong thời gian tái cơ cấu. Song nó đã được nối lại. Bản thân phó thị trưởng là một bác sỹ thú y, nên Sausage là khách hàng nổi tiếng nhất của ông. “Thành phố đặc biệt chăm sóc cho nó, bởi nó vô cũng đáng yêu. Và nó cũng là một biểu tượng, biểu tượng của tự do”, ông nói.
Phan Anh
Theo Reuters