1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Gần 280 người chết trong vụ sập nhà tại Bangladesh

(Dân trí) – Tính đến sáng nay, số người thiệt mạng trong vụ sập nhà tại thủ đô Bangladesh đã lên tới 275 người. Chủ của tòa nhà hiện vẫn đang bỏ trốn trong khi một số nạn nhân may mắn đã được cứu thoát từ đống đổ nát.

Rất nhiều nạn nhân còn mắc kẹt dưới đống đổ nát
Rất nhiều nạn nhân còn mắc kẹt dưới đống đổ nát

Theo tờ New York Times, trong ngày hôm qua, các lực lượng cứu hộ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn trong nỗ lực giải cứu những nạn nhân còn sống sót bên dưới “núi” bê tông của tòa nhà bị sập. Cùng lúc đó, những câu hỏi quanh việc vì sao tòa nhà không bị đóng cửa sau khi nhiều công nhân đã thông báo cho cảnh sát và chính quyền địa phương về những vết nứt trên tường trước khi thảm họa xảy ra.

Hãng tin AP dẫn lời thiếu tướng Mohammed Siddiqul Alam Shikder, chỉ huy chiến dịch cứu hộ cho biết số người được xác định thiệt mạng bên dưới đống đổ nát của tòa nhà Ranza Plaza hiện đã lên tới 275 người. Đến lúc này chủ tòa nhà vẫn đang bỏ trốn và là người bị cảnh sát quy trách nhiệm chính trong việc đảm bảo với chủ các công ty thuê tòa nhà rằng, tòa nhà vẫn an toàn, khiến các công ty đưa 3.000 nhân viên trở lại làm việc.

Trong ngày hôm qua, hàng nghìn người nhà các nạn nhân vẫn tụ tập xung quanh hiện trường để chờ đợi thông tin về thân nhân. Theo BBC, tất cả họ đã ồ lên sung sướng khi thiếu ông Shikder cho hay 40 người còn sống đã được định vị bên dưới đống đổ nát, bị mắc két trong cùng một căn phòng.

Tuy nhiên sau đó con số này sau đó được đính chính chỉ còn lại 24 người. Quân đội Bangladesh thì cho biết 12 người đã được đưa ra ngoài. Một nhân viên cứu hộ cho biết nhóm nạn nhân này được tìm thấy sau khi lực lượng chức năng nghe thấy tiếng la hét của họ trong đống đổ nát. Những người còn sống khác đã được cung cấp nước đóng chai và đồ ăn xuống trong lúc chờ được giải thoát.

Mohammad Altab, một người mắc kẹt trong đống đổ nát nhưng vẫn nói chuyện được với phóng viên hãng tin AP nói rằng ông đã có 2 con, và “tôi muốn sống. Ở dưới này đau đớn lắm”.

Một người khác bị kẹt sâu hơn dưới những lớp bê tông thì cầu xin được giải cứu. “Thật khó mà sống nổi ở đây. Thà chết đi còn hơn cứ phải chịu đau đớn kéo dài”, nạn nhân này cầu khẩn.

Các bệnh viện địa phương tại đây đã bị quá tải trầm trọng khi có tới hơn 1000 người bị thương cần được điều trị.

Câu hỏi trách nhiệm của các nhà nhập khẩu phương Tây

Trong lúc chiến dịch giải cứu vẫn được tiếp tục, áp lực từ dư luận đối với các công ty phương Tây nhập khẩu hàng dệt may từ Bangladesh, những người từng cam kết hành động sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng khiến hàng chục người chết tại một xưởng may ở đây hồi tháng 11 năm ngoái, ngày một tăng.

PVH, tập đoàn của Đức sở hữu các thương hiệu thời trang Calvin Klein và Tommy Hilfiger, cùng Tchibo từng hậu thuẫn một kế hoạch trong đó các nhà bán lẻ phương Tây tài trợ cho công tác phòng cháy và nâng cấp hạ tầng nhà xưởng tại Bangladesh, mặc dù họ vẫn chờ các công ty khác cùng tham gia.

Walmart, tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Mỹ từ chối tham gia chương trình này nhưng hồi tháng Giêng đã tuyên bố sẽ yêu cầu các xưởng sản xuất tuân thủ quy định về an toàn lao động. Đồng thời Walmart cũng khẳng định sẽ cắt hợp đồng với các nhà thầu sử dụng các nhà sản xuất chưa được kiểm định hoặc mất an toàn.

2 tuần trước thảm họa, họ cũng cam kết chi 1,8 triệu USD để thành lập một cơ sở đào tạo về y tế và an toàn tại Bangladesh, nhằm đào tạo cho khoảng 2000 lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất về an toàn phòng cháy.

Trong quá trình tìm kiếm nạn nhân tại Ranza Plaza, nhiều nhãn mác được tìm thấy trong đống đổ nát cho thấy sản phẩm ở đây được gia công cho nhiều công ty lớn tại Mỹ và châu Âu như: Children’s Place, Benetton, Cato Fashions, Mango.

“Ngay cả trong tình huống có mối nguy hiểm lớn, khi họ nhìn thấy những vết nứt trên tường, lãnh đạo các công ty vẫn nghĩ rằng việc tạm ngừng hoạt động là quá nguy hiểm bởi áp lực phải giao hàng đúng hạn cho các nhà bán lẻ Mỹ và châu Âu”, Dara O’Rourke, một chuyên gia về giám sát nơi làm việc tại đại học California nhận định.

Ông O’Rourke cũng khẳng định rằng mức giá các công ty phương Tây trả cho các xưởng gia công ở Bangladesh là “quá thấp đến mức họ chính là nguyên nhân gốc rễ vì sao các xưởng đó phớt lờ mối lo ngại về an toàn phòng cháy và an toàn xây dựng”.

Đến nay, nhiều công ty may mặc phương Tây đã ra thông báo thừa nhân việc đã sử dụng các xưởng máy bên trong tòa nhà bị sập và bày tỏ sự chia buồn. Primark, một nhà bán lẻ lớn của Anh, xác nhận xưởng may ở tầng hai của tòa nhà là nhà cung cấp của mình, và cho biết họ “cảm thấy sốc và vô cùng đau buồn vì sự cố kinh hoàng này”.

Tương tự, Loblaw, một nhà bán lẻ tại Canada với thương hiệu Joe Fresh cũng cho biết có mua hàng của công ty may trong tòa nhà bị sập và khẳng định “sẽ làm việc với nhà cung cấp để tìm hiểu chúng tôi có thể hỗ trợ họ bằng cách nào trong tình hình hiện nay”.

Bangladesh là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc và ngành dệt may nước này dựa chủ yếu vào nguồn nhân công giá rẻ với mức lương tối thiểu chỉ 37 USD/tháng. Xuất khẩu hàng may mặc là động lực chính của kinh tế nước này, khiến áp lực đối với việc duy trì mức lương thấp và lượng nhân công lớn càng cao.

Thanh Tùng
Tổng hợp