1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

G7 phản đối Trung Quốc quân sự hóa trái phép trên Biển Đông

(Dân trí) - Ngoại trưởng của các nước thành viên G7 đã đồng loạt phản đối các hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như động thái cứng rắn của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông.

G7 phản đối Trung Quốc quân sự hóa trái phép trên Biển Đông - 1

Ngoại trưởng các nước G7 họp tại Pháp ngày 5/4. (Ảnh: Reuters)

Theo báo Kyodo (Nhật Bản), trong tuyên bố chung sau hội nghị kéo dài 2 ngày tại Dinard, Pháp, Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 6/4 đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình hiện nay tại Biển Đông và biển Hoa Đông. G7 phản đối mọi hành động đơn phương của Trung Quốc làm xói mòn ổn định khu vực và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế.

Ngoại trưởng các nước G7 đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì hành động quân sự hóa trái phép tiền đồn tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Ngoài ra, G7 cũng phản đối nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm suy yếu sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư.

“Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc tham gia có trách nhiệm vào hệ thống quốc tế tự do và rộng mở dựa trên luật lệ”, tuyên bố chung của G7 nêu rõ.

Một số thành viên của G7 đã đề cập tới tham vọng toàn cầu ngày càng mở rộng của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước G7 không đề cập tới sáng kiến này, dường như để đảm bảo sự đoàn kết trong nội bộ nhóm.

Việc các nước G7 nhắc tới Sáng kiến Vành đai và Con đường trong các cuộc thảo luận, song không đưa vào tuyên bố chung là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ trong quan điểm giữa các nước lớn về dự án tỷ đô của Trung Quốc. Một số nước cho rằng đây là cơ hội để phát triển, trong khi một số nước khác lo sợ bị cuốn vào vòng xoáy của Trung Quốc và gánh những khoản nợ khổng lồ.

Các nước G7 gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy và Canada. Hai tuần trước, Italy trở thành nước đầu tiên của G7 ký quyết định tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bất chấp cảnh báo từ Mỹ và một loạt quốc gia châu Âu. Giới chỉ trích cho rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình, một siêu dự án nhằm phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng tại các châu lục, được thiết kế để lôi kéo các nước tiến sâu hơn vào quỹ đạo kinh tế của Bắc Kinh.

Liên minh châu Âu (EU) vẫn nghi ngờ tính minh bạch và ý đồ của Trung Quốc phía sau Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy vậy, sau Italy, nhiều nước thành viên EU, trong đó có Bồ Đào Nha và Hy Lạp, vẫn đăng ký gia nhập sáng kiến của Trung Quốc. Luxembourg là nước mới nhất tham gia vào sáng kiến này.

Gia tăng quan ngại với Trung Quốc

G7 phản đối Trung Quốc quân sự hóa trái phép trên Biển Đông - 2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Paris ngày 25/3. (Ảnh: AP)

Tại hội nghị ở Pháp, các thành viên G7 cũng bày tỏ quan ngại chung về một số vấn đề của Trung Quốc gồm: chiến lược công nghiệp, hành vi đầu tư, khả năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ yếu kém, rào cản đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, bằng sáng chế công nghệ, các quy định về hành chính. Những vấn đề này khiến Trung Quốc khó bảo đảm một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp nước ngoài tại nước này.

Tuyên bố chung của G7 đã cho thấy sự đồng thuận giữa các nước thành viên trong việc kêu gọi Trung Quốc giải quyết vấn đề đánh cắp sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường nội địa. Đây cũng là hai vấn đề chính trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài suốt nhiều tháng.

Ngoài ra, tuyên bố chung cũng chỉ trích việc Trung Quốc thiết lập hàng loạt trại tập trung tại Tân Cương, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò tích cực hơn trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Chia sẻ với các phóng viên sau hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết mức độ quan tâm của nhóm đối với Trung Quốc “đã cao hơn rất nhiều” kể từ sau cuộc họp của các ngoại trưởng G7 ở Toronto, Canada hồi năm 2018. Theo ông Kono, các nước châu Âu đã đẩy mạnh các cuộc tranh luận về việc làm thế nào để ứng phó với Trung Quốc, đặc biệt sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới khu vực này hồi tháng trước.

Các vấn đề quốc tế "nóng"

Ngoại trưởng G7 thảo luận hàng loạt vấn đề “nóng” tại Pháp

Trong số các vấn đề quốc tế “nóng” hiện nay, các Ngoại trưởng G7 yêu cầu Venezuela khẩn trương tiến hành “cuộc bầu cử mới, tự do, minh bạch và đáng tin cậy”. Tuyên bố của G7  đã đề cập tới “sự bất hợp pháp” của tiến trình bầu cử dẫn tới chiến thắng của đương kim Tổng thống Nicolas Maduro hồi năm 2018.

Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu vẫn đang ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido, người tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela.

Ngoại trưởng Nhật Bản và những người đồng cấp châu Âu không đồng tình với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan, người thay mặt Ngoại trưởng Mike Pompeo dự hội nghị tại Pháp, về việc chính quyền Mỹ hồi tháng trước công nhận cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel.

Liên quan tới vấn đề Triều Tiên, tuyên bố chung của ngoại trưởng các nước G7 bày tỏ “sự đáng tiếc” rằng Triều Tiên “chưa có những động thái cụ thể và có thể kiểm chứng đối với việc phi hạt nhân hóa”.

“Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên tránh bất kỳ hành động khiêu khích nào và tiếp tục đối thoại với Mỹ về phi hạt nhân hóa”, tuyên bố chung nhấn mạnh.

Cuộc họp của các ngoại trưởng G7 tuần trước được tổ chức để đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra từ ngày 24-26/8 tới tại Biarritz, Pháp.

Thành Đạt

Theo SCMP, Kyodo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm