1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Eurozone tăng quỹ phòng khủng hoảng lên 800 tỷ USD

(Dân trí) – Eurozone đã đạt được thỏa thuận bước ngoặt nâng quy mô "tường lửa" chống khủng hoảng nợ lên 800 tỷ euro (hơn 1.000 tỷ USD) giữa lúc cuộc khủng hoảng nợ tại Tây Ban Nha đặt ra yêu cầu cần các biện pháp ngăn chặn quyết liệt hơn.

Eurozone tăng quỹ phòng khủng hoảng lên 800 tỷ USD  - 1
Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone thảo luận tại hội nghị. 

Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt được thỏa thuận trên tại hội nghị chủ chốt ở Copenhagen của Đan Mạch ngày 30/3.

“Chúng tôi đã quyết định nâng ‘tường lửa’ của khu vực Eurozone lên tổng cộng 800 tỷ euro", Bộ trưởng Tài chính Áo Maria Fekter thông báo.

Cũng theo bà Fekter, trong 800 tỷ euro nói trên có 500 tỷ từ Quỹ cứu trợ cố định ESM thuộc Cơ chế Bình ổn châu Âu, 200 tỷ euro thuộc các khoản vay đã cam kết100 tỷ euro là các khoản vay song phương, vay ngân quỹ của Liên minh châu Âu (EU).

Eurozone hiện có 2 quỹ cứu trợ là Quỹ cứu trợ cố định ESM và Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu EFSF. Cả hai quỹ này sẽ được triển khai song song từ nay tới giữa năm 2013. Trong đó, ESM có hiệu lực từ tháng Bảy tới.

Tây Ban Nha khủng hoảng, Hy Lạp kiệt quệ

Thỏa thuận trên đạt được trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ tại Tây Ban Nha và Hy Lạp đang đặt ra yêu cầu cần có các biện pháp ngăn chặn quyết liệt hơn.

Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos cho biết nước này có thể phải cần tới gói cứu trợ thứ ba.

“Chúng tôi có thể sẽ phải cầu viện lần thứ ba, nếu như việc thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế không thể giúp ổn định kinh tế kiệt quệ của Hy Lạp, cũng như không thể khôi phục được lòng tin trên các thị trường”, ông Papademos cho biết.

Đây là lần đầu tiên ông Papademos công khai đối mặt với người dân trước rủi ro, vốn đã được giới chức Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Đức tranh cãi lâu nay. Các giới chức này hoài nghi về khả năng thành công của các chương trình khắc khổ đang được áp dụng tại Hy Lạp, vì không nhận được sự đồng thuận của người dân.

Tháng trước, Hy Lạp đã được IMF và EU đảm bảo cung cấp gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro, sau khi đạt được thỏa thuận để các chủ nhợ tư nhân tham gia quá trình tái cơ cấu nợ lớn nhất trong lịch sử.

Vũ Anh
Theo AFP, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm