1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

EU tăng viện trợ cho Ukraine thêm 1,4 tỷ USD

(Dân trí) - Liên minh châu Âu EU ngày hôm qua (21/3) đã công bố tăng viện trợ cho Ukraine thêm 1,4 tỷ USD ngay sau khi nước này ký thỏa thuận liên minh. Trong khi đó, thủ tướng Nga Medvedev cảnh báo Ukraine có thể sụp đổ trong tay của "những kẻ cực đoan".

Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk (trái) trong lễ ký thỏa thuận liên minh với EU
Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk (trái) trong lễ ký thỏa thuận liên minh với EU

Thông tin trên được hãng thông tấn UNIAN của Ukraine đăng tải, dẫn lời thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk. Quyết định tăng tiền viện trợ được thực hiện chỉ vài giờ sau khi Ukraine ký các thỏa thuận liên minh then chốt với EU.

“EU đã quyết định tặng trợ cấp tài chính cho Ukraine từ 610 triệu euro (842 triệu USD) lên 1,61 tỷ euro (2,2 tỷ USD)”, ông Yatsenyuk nói. “Hơn 2 tỷ USD sẽ được chuyển vào tài khoản của chính phủ Ukraine nhằm ổn định tình hình kinh tế tại Ukraine. Hạn chót cho việc chuyển tiền là cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5”.

Trước đó ông Yatsenyuk đã tới Brussels hôm thứ Sáu để ký các điều khoản chính trị trong thỏa thuận gia nhập EU. Các điều khoản này bao gồm việc cải cách nền dân chủ, cải cách tư pháp và các khía cạnh xã hội dân sự khác.

Tuy nhiên thỏa thuận đầy đủ còn bao gồm cả việc hợp tác về kinh tế, trong đó có việc hình thành khu vực thương mại tự do giữa Ukraine và EU.

Ông Yatsenyuk khẳng định các nội dung này, vốn bị chính phủ cũ của Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych từ chối hồi cuối năm ngoái, sẽ chỉ được ký kết sau khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, vào ngày 25/5 tới.

Ông Yanukovych từng từ chối ký thỏa thuận hợp tác kinh tế với EU với lý do nó sẽ khiến kim ngạch thương mại với Nga và các quốc gia Liên Xô cũ giảm sút.

Khoản viện trợ 2,2 tỷ USD của EU nêu trên sẽ giúp Kiev khắc phục phần nào tình hình tài chính đang mong manh, nhất là sau khi Nga đã dừng việc thực thi gói cứu trợ 15 tỷ USD cho nước này từ cuối tháng 2.

Trong tháng 6 tới nước này sẽ phải thanh toán cho các chủ nợ số trái phiếu trị giá 1 tỷ USD. Thời gian qua, Ukraine đã phải đàm phán với các chủ nợ về việc gia hạn thanh toán nhiều khoản vay, tuy nhiên Nga đã phản đối việc khoản cho vay 3 tỷ USD của mình được cơ cấu lại.

Trong một phát biểu hồi tháng trước, quyền Tổng thống Ukraine Oleksandr Turchynov ước tính nước này phải cần được hỗ trợ tài chính tới 35 tỷ USD mới có thể ổn định được nền kinh tế nước này.

Nguy cơ chính phủ sụp đổ

Nhận định về tình hình Ukraine hiện nay, thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trong một bài viết trên trang Facebook của mình hôm 21/3 đã cảnh báo nhà nước Ukraine có thể sụp đổ nếu cứ để những kẻ “cực đoan, phiến quân vũ trang và những tên cướp” nắm quyền.

Ông Medvedev khẳng định chính quyền mới tại Kiev “thiếu sự hợp pháp, và tồi tệ hơn là họ không thể cải thiện tình hình tại đất nước này”.

“Quyền lực đang trong tay của nhiều kẻ cực đoan, phần tử quân sự và những tên kẻ cướp. Chúng đang là người có tiếng nói cuối cùng, và rất có thể, vẫn sẽ tiếp tục như vậy sau ngày bầu cử 25/5. Không có lí do gì để chúng chia sẻ quyền lực với người khác. Một chính phủ như vậy sẽ dẫn tới hậu quả không thể khác là sự sụp đổ của nhà nước”.

Mặc dù chỉ trích Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych là người “không có sức mạnh chính trị, cá tính yếu và thiếu hành động”, vốn dẫn tới việc chính phủ của ông bị lật đổ, ông Medvedev khẳng định ông Yanukovych vẫn là nguyên thủ hợp pháp duy nhất của Ukraine.

Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine đang trong tình trạng tồi tệ chưa từng thấy sau khi vị Tổng thống thân Mátxcơva Yanukovych bị lật đổ, và Nga quyết định sáp nhập Crimea.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm