EU đề cử người đứng đầu IMF
(Dân trí) - Ngày 10/7, Liên minh Châu Âu (EU) đã đề cử Cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Strauss-Kahn làm người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Bồ Đào Nha, nước chủ trì cuộc họp với sự tham gia của 27 nước thành viên EU, cho biết Châu Âu sẽ ủng hộ ông Strauss-Kahn sau khi đương kim Giám đốc IMF Rodrigo Rato (người Tây Ban Nha) rời khỏi vị trí này vào tháng 10 tới.
Tuy nhiên, việc ông này trở thành ứng cử viên cũng đồng thời làm xuất hiện cuộc tranh cãi về cách thức chỉ định Tổng Giám đốc IMF và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo quy định bất thành văn, IMF luôn do một người châu Âu lãnh đạo trong khi vị trí đứng đầu WB thuộc về người Mỹ.
Trả lời phỏng vấn báo "Journal du Dimanche" (Pháp), Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố ông muốn ông Strauss-Kahn trở thành ứng cử viên của nước Pháp vào chức Tổng Giám đốc IMF bởi ông Strauss-Kahn là người có đủ năng lực để đảm nhận cương vị này. Ông Sarkozy cho biết thêm ông đã đề cập vấn đề này với các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Tây Ban Nha Zapatero, Thủ tướng Italia Prodi, Thủ tướng Anh Brown, Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Hiện nay, ngoài ông Strauss-Kahn, còn có một số ứng cử viên khác có khả năng được chọn làm người kế nhiệm ông Rato như cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Ba Lan Leszek Balcerowicz, cựu Thủ tướng Ba Lan Marek Belka, cựu Bộ trưởng Kinh tế Italia Tommaso Padoa-Schioppa và Thống đốc Ngân hàng Italia Mario Draghi.
Mặc dù vậy, ông Strauss-Kahn hiện được xem là ứng cử viên nặng ký nhất vào chức vụ Tổng Giám đốc IMF. Theo ông Amar Bhattacharya, giám đốc ban thư ký G24, nhóm liên chính phủ phụ trách vấn đề phát triển và các vấn đề tiền tệ quốc tế, ông Strauss-Kahn gần như chắc chắn được chọn làm người điều hành IMF, ngoại trừ bất ngờ xảy ra.
Tuy nhiên, ông Bhattacharya cũng ủng hộ việc các nước đang nổi lên giới thiệu các ứng cử viên của mình khi cho rằng đã đến lúc phải thiết lập một tiến trình minh bạch và cởi mở cũng như tạo sự cạnh tranh trong vấn đề này.
Trên thực tế, cho dù là ai đi chăng nữa thì tân Tổng Giám đốc IMF cũng sẽ phải đối mặt với ba vấn đề lớn. Thứ nhất, IMF cần phải đảm bảo sự giám sát về tiền tệ và tài chính một cách cân bằng giữa các nước giàu và các nước nghèo.
Thứ hai, IMF cần tiếp tục theo đuổi công cuộc cải cách đã cam kết nhằm đảm bảo sự có mặt nhiều hơn của các nước đang nổi lên.
Cuối cùng, IMF phải đảm bảo các nguồn thu nhập bền vững hơn so với các nguồn thu từ lãi suất cho vay hiện nay.
Anh Đức