1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

EU “đau” cùng Tổng thống Chirac

Pháp và châu Âu hôm qua bắt đầu các nỗ lực “trị thương” một ngày sau khi cử tri Pháp tung ra cái mà các chính khách trên toàn châu lục gọi là một “cú nốc ao” đối với bản hiến pháp đầu tiên của Liên hiệp châu Âu (EU).

Bị đánh bại tại một trong những cuộc trưng cầu dân ý lớn nhất trong nhiều năm qua, Tổng thống (TT) Pháp Jacques Chirac đã tiết lộ ông có thể cách chức Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin, người sau cuộc họp với TT Chirac hôm 29/5 đã cảnh báo với các phóng viên về khả năng có những diễn biến chính trị mới chậm nhất vào ngày hôm nay, 31/5.

 

Cử tri Pháp, với tỉ lệ người đi bỏ phiếu là 69,7%, đã sử dụng cuộc trưng cầu để trừng phạt Chính phủ Pháp về nền kinh tế yếu kém và tỉ lệ thất nghiệp cao. TT Chirac, 72 tuổi, bác bỏ những lời kêu gọi của một số chính khách trong phe chống đối Hiến pháp EU đòi ông phải từ chức.

 

Các nhà lãnh đạo EU khẳng định Hiến pháp châu Âu, nhằm tinh giản quy trình ra quyết sách, vẫn sống và các nước thành viên nên tiếp tục phê chuẩn. Tuy nhiên, hầu như tất cả đều tin rằng kết quả cuộc trưng cầu ở Pháp sẽ tác động đến việc phê chuẩn ở các nước khác trong khối, đặc biệt là cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan vào ngày mai, 1/6. Hiến pháp châu Âu cần phải được sự đồng ý của tất cả các nước thành viên mới có thể có hiệu lực thi hành.

 

“Đang có một nguy cơ lây nhiễm” – Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Durao Barroso phát biểu trên đài truyền hình Pháp LCI sau khi các kết quả bỏ phiếu ở Pháp cho thấy có đến 54,87% cử tri Pháp nói không với Hiến pháp EU.

 

Ông Barroso cho rằng đây là “một vấn đề nghiêm trọng” và rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng lòng tin vào một châu Âu hợp nhất tại hội nghị cấp cao ở Brussels vào ngày 16/6.

 

Thắng lợi lớn hơn mong đợi của những người chống đối Hiến pháp EU tại Pháp cũng đã khiến đồng euro giảm khoảng 0,3% so với đồng USD, xuống còn 1 euro ăn 1,2528 USD trong phiên giao dịch sáng qua.

 

Thủ tướng Luxembourg và là chủ tịch luân phiên của EU Jean-Claude Juncker phát biểu trên đài phát thanh RTL của Pháp rằng kết quả ở Pháp có thể tác động đến cuộc trưng cầu ở nước ông vào tháng 7 và cảnh báo các hậu quả đối với nền kinh tế châu Âu.

 

Ông Juncker cũng cho biết kết quả có thể gây tổn hại cho vị thế của Pháp trong EU, một quan điểm được các báo lớn của Pháp như Liberation và Le Figaro chia sẻ. Thất bại nặng nề này cũng sẽ khiến TT Chirac thất thế trong cuộc bầu cử tới và giảm đáng kể cơ hội tổ chức lại cuộc bỏ phiếu ở Pháp về Hiến pháp châu Âu.

 

Hà Lan sẽ tổ chức trưng cầu về Hiến pháp châu Âu ngày 1/6 và các quan chức nước này hôm 29/5 đã kêu gọi người dân không để ý đến cuộc bỏ phiếu ở Pháp. Các cuộc thăm dò cho thấy người Hà Lan có thể trả lời không và nếu thế thì EU sẽ càng “đau khổ” hơn.

 

Trong khi một đám đông mừng thắng lợi vào đêm 29/5 tại Quảng trường Bastille ở Paris, biểu tượng của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, TT Chirac đã tiết lộ trên truyền hình rằng ông “sẽ tạo một lực đẩy mới và mạnh cho chính phủ” mà nhiều khả năng Thủ tướng Raffarin sẽ bị thay thế bằng Bộ trưởng Nội vụ Dominique de Villepin hoặc thủ lĩnh Đảng UMP cầm quyền Nicolas Sarkozy.

 

Người Pháp giận dữ với sự suy giảm vai trò của Paris trong EU mở rộng và việc Hiến pháp châu Âu bao hàm các chính sách kinh tế tự do kiểu Mỹ và không ngăn chặn được sự chảy máu việc làm sang các nước thành viên mới của EU ở Đông Âu.

 

Thủ tướng Anh Tony Blair hôm qua khẳng định rằng EU cần có thêm thời gian để suy nghĩ và cho biết London chưa quyết định liệu có tổ chức trưng cầu dân ý về Hiến pháp châu Âu như dự định vào năm tới hay không.

 

Theo Trùng Quang

Người lao động/AFP, Reuters, AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm