1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ecuador nuốt "trái đắng" vì đập thủy điện 1,7 tỷ USD Trung Quốc xây dựng

(Dân trí) - Những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có con đập 1,7 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư và xây dựng ở Ecuador được kỳ vọng sẽ khiến nước này phát triển kinh tế và thoát nghèo, nhưng thực tế đã đẩy quốc gia Nam Mỹ vào tình trạng khó khăn hơn nhiều.

 

Ecuador nuốt trái đắng vì đập thủy điện 1,7 tỷ USD Trung Quốc xây dựng - Ảnh 1.

Đập thủy điện Coca Codo Sinclair (Ảnh: New York Times)

 

Con đập Coca Codo Sinclair nằm gần ngọn núi lửa đang hoạt động Reventador, với những cột tro bụi bốc lên trời. Các quan chức đã cảnh báo về con đập trong cả chục năm qua. Các nhà địa chất học cảnh báo rằng một trận động đất có thể cuốn phăng con đập đi nhanh chóng.

Hiện thời, sau 2 năm khánh thành, hàng ngàn vết nứt đã xuất hiện trên đập. Hồ chứa nước bị tắc nghẽn với phù sa, đất cát và cây. Khi đưa vào hoạt động 2 năm trước, con đập đã gặp sự cố nghiêm trọng khi các kỹ sư điều chỉnh sản lượng điện sản xuất ở mức tối đa.

Đây là 1 con đập khổng lồ nằm trong rừng, được Trung Quốc tài trợ và xây dựng. Ecuador kỳ vọng đập thủy điện này có thể giải quyết nhu cầu năng lượng của họ.

Tuy nhiên, con đập lại khởi phát một vụ bê bối cấp quốc gia tồi tệ tại Ecuador, “nhấn chìm” nước này trong nạn tham nhũng, buộc Ecuador phải gánh một khoản nợ khổng lồ và ngày càng phụ thuộc vào mặt kinh tế với Trung Quốc.

Gần như hầu hết các quan chức cấp cao Ecuador có liên quan tới việc xây con đập đều đã ngồi tù hoặc bị cáo buộc mắc tội tham nhũng. Danh sách trên bao gồm cả những nhân vật cốt cán như cựu phó tổng thống, cựu bộ trưởng điện năng và ngay cả cựu quan chức chống tham nhũng giám sát dự án.

Thêm vào đó, con đập còn làm tăng khoản nợ của Ecuador với chủ nợ Trung Quốc lên 19 tỷ USD sau hàng loạt dự án hạ tầng bao gồm các cây cầu, đường cao tốc, trường học, bệnh viện, các công trình thủy lợi và nửa tá những công trình khác. Theo New York Times, Ecuador hiện thời không đủ tiềm lực để trả khoản nợ khổng lồ này.

 

Ecuador nuốt trái đắng vì đập thủy điện 1,7 tỷ USD Trung Quốc xây dựng - Ảnh 2.

Núi lửa Reventador (Ảnh: New York Times)

 

Để giải quyết một phần các khoản nợ Trung Quốc, Ecuador đã chấp nhận gán khoảng 80% mặt hàng xuất khẩu giá trị nhất của nước này, dầu khí. Có rất nhiều hợp đồng được trả bằng dầu, không phải bằng tiền mặt. Trên thực tế, Trung Quốc đã mua được dầu của Ecuador với giá rẻ, sau đó bán lại với giá cao để thu lợi nhuận.

Vì vậy, Ecuador phải khai thác thêm dầu ở các giếng dầu tại khu vực Amazon, dẫn tới một mối đe dọa nghiêm trọng khác liên quan tới môi trường và rừng.

Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn như "muối bỏ bể". Áp lực từ những khoản nợ, Tổng thống Ecuador Lenín Moreno phải cắt đi những khoản chi xã hội hóa, trợ cấp xăng dầu cho người dân, đóng cửa một số cơ quan chính phủ và tinh giảm biên chế 1.000 công chức. Hầu hết các chuyên gia cho rằng quốc gia này có thể sớm rơi vào khủng hoảng kinh tế.

Quay lưng với Phương Tây

Thời điểm Trung Quốc bắt đầu dự án xây đập cách đây 10 năm, các nước Mỹ Latinh gặp khó khăn về kinh tế. Bắc Kinh đã “ném phao cứu sinh” cho các chính phủ tại đây với cam kết rằng “sẽ đối xử công bằng”, quan điểm khác biệt với Mỹ, quốc gia vẫn coi khu vực Nam Mỹ là sân sau. Trung Quốc đã bắt đầu đổ tiền các dự án cơ sở hạ tầng và trở thành chủ nợ của không ít quốc gia. Theo New York Times, mục tiêu của Trung Quốc không chỉ là kinh tế mà họ dường như còn muốn tạo nên ảnh hưởng chính trị khi họ đã tác động khiến một số nước Nam Mỹ cắt đứt quan hệ đồng minh ngoại giao với Đài Loan.

Những cam kết này đã hiệu quả. Trung Quốc hiện thời đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu ở Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, con đập ở Ecuador đã cho thấy một thực tế rằng lời cam kết công bằng của Trung Quốc dường như đã không trở thành hiện thực.

Trên thực tế, Trung Quốc là người đi vay tiền nhưng dường như họ lại không gặp phải rủi ro tài chính, ngược lại, nước đi vay mới là người tham gia vào “canh bạc” của Trung Quốc. Các quốc gia thường rơi vào kịch bản vay tiền, nợ nần rồi lại tiếp tục vay tiền với hy vọng có thể khắc phục tình trạng kinh tế ảm đạm.

 

Ecuador nuốt trái đắng vì đập thủy điện 1,7 tỷ USD Trung Quốc xây dựng - Ảnh 3.

Cận cảnh đập thủy điện gây tranh cãi (Ảnh: New York Times)

 

Trong tháng này, ông Moreno đã bay tới Trung Quốc để thương lượng lại một số khoản nợ và vay thêm 900 triệu USD.

“Đến cuối cùng, những quốc gia (vay Trung Quốc) có được những gì? Chỉ là bánh vẽ”, chuyên gia Steve Hanke, nhà kinh tế tại tổ chức Johns Hopkins, Mỹ, nhận định

Khi ông Fernando Santos, Bộ trưởng Năng lượng Ecuador những năm 1980 phát hiện ra dự án đập Coca Codo Sinclair đã được xây dựng, ông cảm thấy không thể tin nổi.

Trong thời gian ông còn tại nhiệm, các quan chức Ecuador thời đó đã không ít lần từ chối các dự án đập thủy điện có quy mô nhỏ hơn. Ông Santos cho rằng ý tưởng xây đập thủy điện này không khả thi do nó nằm quá gần núi lửa đang hoạt động. Năm 1987, một trận động đất lớn từng gây thiệt hại nghiêm trọng cho các công trình dầu khí tại đây.

Ông Santos nói núi lửa này đã bắt đầu phun trào từ thế kỷ 16, nhấn mạnh rằng việc đầu tư một khoản tiền lớn vào con đập thật sự quá “rủi ro và vô nghĩa”.

Nhiều tổ chức trong nước, quốc tế đã đưa ra cảnh báo với dự án, cho rằng nó sẽ không đi đâu về đâu. Mặc dù vậy, những quan chức phụ trách dự án tỏ ra quyết tâm với công trình và không muốn tiến độ bị chậm trễ.

Ngay cả một nhà ngoại giao giấu tên của Trung Quốc ở Ecuador cũng bày tỏ sự băn khoăn với dự án về các hệ lụy liên quan tới môi trường.

Tuy nhiên, yếu tố địa chính trị dường như đã tác động mạnh mẽ tới quyết định của Ecuador. Cựu Tổng thống Rafael Correa, người lãnh đạo Ecuador thời điểm công trình bắt đầu được xây dựng, là một chính trị gia cánh tả dân túy. Ông đã cam kết rằng sẽ hiện đại hóa đất nước và giảm bớt ảnh hưởng khỏi “quỹ đạo” của Mỹ.

Trong thời điểm đó, ông Correa đã đưa ra hàng loạt các chính sách có tư tưởng bớt phụ thuộc vào Mỹ như cắt đứt liên hệ với các ngân hàng và tổ chức tài chính Phương Tây. Tới năm 2008, ông đã mời Trung Quốc đầu tư vào Ecuador sau khi kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc cũng đi kèm với những điều kiện, bao gồm việc Ecuador phải thuê nhà thầu Trung Quốc xây dựng.

Ông Diego Borja, cựu Bộ trưởng Kinh tế dưới thời ông Correa thừa nhận rằng tới năm 2009 khi Trung Quốc muốn Ecuador phải trả nợ bằng dầu khí, họ không còn lựa chọn nào khác là phải đồng ý vì đã quay lưng với Phương Tây.

Dự án 1,7 tỷ USD

Ecuador nuốt trái đắng vì đập thủy điện 1,7 tỷ USD Trung Quốc xây dựng - Ảnh 4.

Một hồ chứa của đập thủy điện (Ảnh: New York Times)

 

Khi chính phủ ông Correa đã có tiền, họ lại đối diện với một khủng hoảng mới: thiếu điện. Một đợt hạn hán đã làm cạn kiệt các hồ chứa của Ecuador. Thế nhưng thay vì tìm nguồn năng lượng mới, chính phủ ông Correa lại quyết định sẽ tiếp tục làm thủy điện.

Bộ trưởng Điện năng Ecuador thời đó, Aleksey Mosquera là người đã trình bày về dự án phiêu lưu trên, kỳ vọng con đập xây bằng tiền của Trung Quốc sẽ cung cấp 1/3 điện năng cho Ecuador khi xây xong.

Mặc dù vậy, hiện thực đã khá phũ phàng khi con đập cuối cùng lại được xây ở dưới chân núi lửa, một khu vực địa chất rất kém ổn định và bản thân con đập kích thước lớn gấp 2 so với kế hoạch 10 năm trước đó.

Khi dự án hoàn tất năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bay sang Ecuador để khánh thành.

Hai ngày trước chuyến thăm, con đập đã gặp sự cố. Các kỹ sư đã cố gắng tăng sản lượng điện của đập lên mức tối đa 1.500 megawatt nhưng cả công trình thủy điện và cả mạng lưới điện Ecuador đều không thể chịu được tải trọng này. Các thiết bị truyền tải điện rung lên bần bật, hệ thống điện trục trặc gây ra mất điện trên một phần Ecuador.

Thông tin này đã bị giấu nhẹm và từ đó tới nay, con đập chưa bao giờ được vận hành ở mức tối đa mà chỉ ở mức 50% sản lượng lớn nhất.

Tuy vậy, Ecuador vẫn phải trả nợ. Họ vay 1,7 tỷ USD từ ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc với mức lãi suất 7% trong 15 năm. Riêng tiền lãi trong năm nay, Ecuador phải trả 125 triệu USD.

Người dân sống ở gần khu vực đập nước tại thị trấn Cuyuja đang lo lắng rằng dự án sẽ gây ra những trận lở bùn với tần suất ngày càng lớn. Các nhà địa chất nói rằng phần móng của con đập không được xây chắc chắn ở khu vực đá nằm dưới trầm tích, gây ra những rủi ro nhất định.

 

Ecuador nuốt trái đắng vì đập thủy điện 1,7 tỷ USD Trung Quốc xây dựng - Ảnh 5.

Dự án đập thủy điện không mang lại lợi ích như kỳ vọng, ngược lại còn khiến người dân Ecuador gặp thêm nhiều khó khăn (Ảnh: New York Times)

 

Ngoài ra, người dân cũng trăn trở về hóa đơn tiền điện. Maria Esther Tello phải trả 60 USD chỉ để thắp sáng bóng điện trong nhà mỗi tháng, con số khiến cô “sốc” dù trước đó chính phủ cam kết dự án sẽ làm giảm giá thành điện năng.

Theo thống kê, công trình thủy điện hiện có tới 7.648 vết nứt lớn nhỏ. Các hồ chứa nước bỏ hoang với những cành cây, lá khô phủ đầy. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những thiết kế có quá nhiều sai sót của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Đầu năm 2014, các kỹ sư phát hiện ra vết nứt trên các thiết bị thép không rỉ do Trung Quốc sản xuất. Tới tháng 12, một bộ phận của đập vỡ tung khiến 13 công nhân thiệt mạng.

Một kỹ sư cao cấp gửi báo cáo sự việc lên cấp trên đã bị cho nghỉ việc mà không một lời giải thích. Carlos Pólit, quan chức chống tham nhũng từng phụ trách vụ việc, chỉ đưa ra những kết luận chung chung và mơ hồ với những khoản phạt tượng trưng cho nhà thầu Trung Quốc. Ông Pólit sau đó cũng đã bị bắt vì tội nhận hối lộ.

Tuy nhiên, ông Pólit không phải là trường hợp duy nhất. Công trình này đã kéo hàng loạt quan chức từ “bóng đen” tham nhũng, nhận hối lộ ra ngoài ánh sáng. Vụ việc đã đẩy từ ông Correa tới các cấp phó của ông, các bộ trưởng và cấp dưới vướng vào vòng lao lý.

Song, điều khiến chính phủ mới Ecuador lo lắng chính là khoản nợ “ngập đầu” mà họ và người dân phải trả vì những dự án do Trung Quốc khác. Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng với tiến độ hiện tại, Ecuador khó lòng khó thể giải quyết vấn đề nợ nần một sớm, một chiều.

Đức Hoàng

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm