1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Duyên nợ" Việt Nam của John Kerry

John Kerry, người đề nghị gỡ bỏ cấm vận Việt Nam năm 1994, một trong các tác giả của nghị quyết mới đây về Biển Đông, là ứng viên nhiều triển vọng nhất trở thành Ngoại trưởng Mỹ.

Báo chí Mỹ dẫn nhiều nguồn tin cho biết, Tổng thống Obama đã quyết định đề cử Thượng nghị sĩ John Kerry trở thành ngoại trưởng tiếp theo, thay thế bà Hillary Clinton. Việc tuyên bố chính thức có thể diễn ra tuần tới.

Trước đó, đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice đã rút lui khỏi cuộc chạy đua vào chiếc ghế ngoại trưởng sau nhiều tuần hứng chịu chỉ trích của phía Cộng hòa.

Duyên nợ Việt Nam của John Kerry


Nếu được Thượng viện thông qua, ông Kerry sẽ thay thế Ngoại trưởng đương nhiệm là bà Hillary Clinton. Thượng nghị sĩ cấp cao đến từ Massachusetts, đương kim Chủ tịch UB Đối ngoại Thượng viện, từng là ứng viên tranh cử tổng thống năm 2004 của đảng Dân chủ.

Đề nghị Thượng viện bỏ cấm vận VN

Những chuyến đi khắp thế giới là “bản tính thứ hai” của Kerry, 69 tuổi. Sinh ra ở Denver, ông đã trải qua phần lớn thời thơ ấu của mình ở nước ngoài, sống tại Berlin trước khi đến một trường nội trú ở Thuỵ Sĩ ở tuổi 11.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1966, Kerry được điều động tới Việt Nam trong vai trò trung uý hải quân, chỉ huy tàu tuần tra hoạt động ở tiểu vùng Mekong. Những năm tháng ở chiến trường đã dạy cho Kerry bài học đau thương không bao giờ quên. Giữa các trận chiến, John Kerry đã chứng kiến cảnh nhiều người bỏ mạng vì những quyết định sai lầm của các nhà lãnh đạo Washington. John Kerry quyết định phản đối chiến tranh.

Trở lại Mỹ đầu những năm 1970, Kerry được công chúng đánh giá cao khi đứng đầu một nhóm cựu binh tham chiến ở Việt Nam phản chiến. Năm 1971, ông ra trước UB Đối ngoại Thượng viện Mỹ để điều trần về quan điểm của mình về chiến tranh Việt Nam. Các cựu binh Mỹ và giới truyền thông đứng chật gian phòng điều trần. Bài phát biểu của John Kerry được coi là diễn văn nổi tiếng nhất suốt cuộc đời chính trị của ông cho đến nay.

Câu chất vấn: "Làm sao có thể yêu cầu một con người phải chết cho một sai lầm?" của Kerry trở thành câu nói được trích dẫn nhiều nhất trong các bài viết về chân dung John Kerry. Trong bài diễn thuyết này, Kerry cũng tố cáo những hành vi sát nhân của binh lính Mỹ tại Việt Nam. Sau buổi điều trần này, chính Tổng thống Nixon phải thừa nhận: "Gã này thật sự có hiệu quả" và ra lệnh cho cố vấn Halderman ngăn chặn việc lính Mỹ bắn giết thường dân Việt Nam.

Từ 1991-1993, Kerry làm chủ tịch UB Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, đặc trách về việc tìm hiểu, gom góp dữ kiện về POW/MIA. Năm 1994, Thượng viện thông qua đề nghị của Kerry và John McCain yêu cầu gỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa Việt - Mỹ. Tới năm 1995, Mỹ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Cho tới hiện tại, với tư cách là Chủ tịch UB Đối ngoại Thượng viện, ông John Kerry vẫn hợp tác chặt chẽ với thượng nghị sĩ John McCain để tìm kiếm hài cốt các binh sĩ mất tích tại Việt Nam.

Đầu tháng 8 năm nay, trước các hành động ngày càng quả quyết thậm chí là gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, John Kerry và một số thượng nghị sĩ đã giới thiệu lên Thượng viện nghị quyết mang số hiệu S.Res.524 về vấn đề Biển Đông. 

Người hàn gắn

Nếu John Kerry chính thức thế chân Hillary Clinton ở cương vị ngoại trưởng, ông sẽ đảm nhận trọng trách này với đầy đủ thách thức, khủng hoảng ngoại giao: Từ cuộc nội chiến Syria, tới chuyện hạt nhân Triều Tiên và Iran.

Bất kỳ ai thế chân Clinton cũng đều phải rất nỗ lực. Không chỉ là thành viên được mến mộ nhất trong nội các của Obama suốt 4 năm qua, bà còn rất nổi tiếng và được đánh giá cao ở hầu hết những nơi bà đặt chân tới.

Tuy nhiên, là một thành viên của UB Đối ngoại Thượng viện gần 30 năm, bản thân là chủ tịch UB này suốt 4 năm qua, ông Kerry cũng là nhân vật được đánh giá cao trên vũ đài quốc tế. Trong khi Obama không gần gũi với nhiều lãnh đạo thế giới, thì Kerry lại có những mối quan hệ sâu sắc với rất nhiều nguyên thủ.

Ông không còn xa lạ với công việc ngoại giao và thường xuyên đi nước ngoài nhân danh chính quyền Obama trong vai trò “người dàn xếp” và hàn gắn. Kerry thuyết phục Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai nhất trí về một cuộc bầu cử vòng hai năm 2009; đi tới Pakistan hàn gắn quan hệ song phương bị sứt mẻ.

Giống như Obama, Kerry nhìn thấy lợi ích của việc tiếp cận các đối thủ như Iran và Syria đồng thời cung cấp cho họ cơ hội đàm phán. Kerry từng xông xáo với mọi nỗ lực tiếp cận Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước khi Washington lên án Assad do đàn áp người biểu tình. Nhưng Kerry cũng kêu gọi vũ trang cho lực lượng nổi dậy và các cuộc không kích từ NATO - điều mà chính quyền Obama phản đối.

Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, Kerry đã giúp Obama chuẩn bị cho các cuộc tranh luận với Mitt Romney và đưa ra những lập luận mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của chính quyền tại bài phát biểu trước đại hội đảng Dân chủ hồi tháng 9.

Tuy nhiên, Kerry cũng giống như Clinton, không có sự liên kết chặt chẽ với tổng thống, và ảnh hưởng của ông trong việc tạo lập, định hình chính sách đối ngoại Mỹ sẽ không rõ ràng. Kerry và Obama có những khác biệt trong chính sách đối ngoại - như quan điểm về Syria. Tuy nhiên, đây có thể là lợi thế. Kerry có thể sẵn sàng thách thức tổng thống và trình bày quan điểm khác theo cách mà Susan Rice có lẽ không có.

Trong khi thất bại ở cuộc bầu cử tổng thống 2004 đã tác động tới Kerry nhiều năm, thì người trong cuộc nói rằng, cuối cùng, ông đã vượt qua nó và sẵn sàng phụng sự một tổng thống. Bạn bè và các cộng sự nói rằng, ông coi vị trí mới có thể đạt được là một cơ hội để tạo dựng ảnh hưởng của mình trong chính quyền và cả trong lịch sử.

Theo Thái An
Vietnamnet