1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Pháp tổ chức hội thảo về biển Đông:

“Đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý

Ngày 16/10, tại Paris đã diễn ra hội thảo về “Biển Đông - vùng xung đột mới” do Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) và Quỹ Gabriel Péri, một tổ chức chuyên nghiên cứu chính trị có uy tín tại Pháp, tổ chức.

Hội thảo đã thu hút đông đảo các chuyên gia hàng đầu của Pháp và châu Âu về Luật biển quốc tế và địa chính trị.

Hội thảo về biển Đông ngày 16-10 tại Paris, Pháp - Ảnh: V.T.D.

Hội thảo về biển Đông ngày 16-10 tại Paris, Pháp - Ảnh: V.T.D.

Mở đầu hội thảo, nhà nghiên cứu Patrice Jorland, một chuyên gia kỳ cựu về Đông Nam Á, tuyên bố: “Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu cho rằng xung đột trên biển Đông chỉ liên quan đến các nước trong khu vực. Đó là một xung đột mang tầm vóc thế giới”. Ông Christian Lechervy, cố vấn đặc biệt về các vấn đề chiến lược ở châu Á của Tổng thống Pháp François Hollande, phụ họa: “Vấn đề biển Đông không chỉ giới hạn ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nó còn bao gồm cả các quần đảo Pratas, bãi cạn Scarborough, bãi Macclesfield và các eo biển”.

“Đường lưỡi bò”: Trung Quốc chẳng có bằng chứng nào trong tay!

"Trung Quốc không muốn có tòa quốc tế phân xử tranh chấp trên biển Đông"

Giáo sư Chemillier-Gendreau

Xung đột ở biển Đông đã âm ỉ từ lâu, nhưng trở nên căng thẳng từ năm 2009. Giải thích sự leo thang căng thẳng này, chuyên gia Cyrille P. Coutansais, phó phòng luật biển của Bộ tham mưu Hải quân Pháp, nhận định: “Vùng biển và đất liền ở khu vực quanh biển Đông giờ đây đã trở thành mỏ vàng kinh tế. Ở đó, các nước có thể khai thác đánh bắt hải sản, có các mỏ khoáng sản quý hiếm như đất hiếm, khí đốt. Đó là chưa kể nguồn lợi sinh học từ hệ động thực vật biển. Do nguồn tài nguyên trên mặt đất dần cạn kiệt nên các quốc gia đang hướng về phía biển, nơi còn chưa được khai thác bao nhiêu. Vì vậy, để vùng đất vàng không rơi vào tay kẻ mạnh thì phải có luật và công ước quy định luật chơi”. Ông Coutansais muốn đề cập đến Công ước Geneva 1958 và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Ông nhấn mạnh: “Chỉ có hành xử theo luật quốc tế mới có thể giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, bền vững và được tất cả các bên tuân thủ”.

Như một cách đề dẫn cho cuộc tranh luận, nhà nghiên cứu Patrice Jorland, cộng tác viên tạp chí Nghiên Cứu Quốc Tế của Pháp, nhấn mạnh cách gọi tên biển Đông theo cách phương Tây hiện nay là “biển Nam Trung Hoa” hoặc “biển Trung Hoa” đã tạo ra sự hiểu lầm và là nguồn gốc gây xung đột. Cách gọi tên đó do các nhà hàng hải và các nhà vẽ bản đồ châu Âu đặt ra từ bao thế kỷ trước trong các chuyến du hành để khám phá các vùng đất mới. “Đó là cách gọi nhập nhằng. Cái tên đó không phù hợp với tình hình địa - chính trị hiện nay và nó tạo ra cảm tưởng vùng biển này là của Trung Quốc. Lối nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ cái tên gọi không thể tạo ra chủ quyền được” - ông Patrice Jorland nhấn mạnh. Ai cũng hiểu điều đó, có lẽ chỉ riêng Trung Quốc là không hiểu. Chính vì thế, năm 2009 Trung Quốc đã trưng ra trước Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ về “đường lưỡi bò”.

Giáo sư luật Erik Franckx thuộc ĐH Vrije (Bỉ) nhấn mạnh tấm bản đồ đường lưỡi bò này “trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể là bằng chứng hợp pháp cho chủ quyền”. Ông lý giải: “Cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp Quốc về vấn đề này là Tổ chức Thủy văn quốc tế (IHO) không tìm thấy biểu tượng khoa học và thủy văn nào trên tấm bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Theo IHO cũng như theo quan điểm cá nhân của tôi, bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc là mơ hồ, thiếu tính chính xác kỹ thuật và bởi vậy hoàn toàn không có cơ sở pháp lý”.

Giáo sư luật David Scott thuộc ĐH Brunel (Anh) cũng cho rằng: “Khi trình bản đồ đường lưỡi bò lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc muốn hợp pháp hóa và chính danh hóa vùng biển mình đòi hỏi. Nhưng cùng lúc Trung Quốc lại từ chối đưa ra các bằng chứng kỹ thuật cho tấm bản đồ, từ chối tuân thủ UNCLOS và cũng không muốn đưa các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng ra một định chế tài phán quốc tế nào”.

Đồng tình với ý kiến các chuyên gia luật khác tại hội thảo khi vạch rõ thái độ không nhất quán của Trung Quốc trước quốc tế và trong lĩnh vực luật pháp, giáo sư David Scott chia sẻ: “Khi trưng ra bản đồ đường lưỡi bò trước Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc muốn vùng biển này được công nhận chính thức và mang tính hợp pháp. Thế nhưng, cùng lúc Trung Quốc lại từ chối trưng ra các bằng chứng kỹ thuật cho tấm bản đồ mà họ trưng ra, lại từ chối tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và cũng không muốn đưa các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng ra một định chế tài phán quốc tế nào”.

Giáo sư luật Monique Chemillier-Gendreau thuộc ĐH Paris-Diderot (Pháp) cũng đã kể lại cuộc gặp tại Bắc Kinh cách đây ba năm với các quan chức cấp cao của Trung Quốc. Họ khẳng định với bà điều này: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cung cấp bằng chứng cụ thể (về bản đồ đường lưỡi bò) và sẽ chẳng bao giờ ra tòa gì cả. Vùng biển ấy là của chúng tôi, tại sao lại phải chứng minh chứng tỏ gì chứ?”.

Giáo sư Chemillier-Gendreau thừa nhận lúc đó bà bị “sốc” trước thái độ bất chấp luật pháp và bất chấp công ước mà chính Trung Quốc đã đặt bút ký vào đó. “Trung Quốc không thể cung cấp chứng cứ khoa học cho cái mà họ đã đệ trình bởi họ chẳng có gì trong tay” - bà nhấn mạnh. Trong trường hợp đòi chủ quyền lãnh thổ, quyền đòi hỏi, được áp dụng đến tận ngày nay, phải dựa trên điều mà người ta gọi là “pháp luật theo tập quán”. Trung Quốc chỉ đề cập đến các quần đảo trên biển Đông trong tài liệu từ năm 1930. Trong khi các vua chúa An Nam đã lập địa bạ về Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17. Điều đó có nghĩa trên phương diện luật pháp và chứng cứ kiểm chứng được, các tài liệu do VN đưa ra có thời gian lâu hơn. Chính vì vậy, Trung Quốc không muốn có tòa quốc tế nào phân xử tranh chấp trên biển Đông”.

Sách lược “chuyện đã rồi!” của Trung Quốc và giải pháp đối phó

Giáo sư Chemillier-Gendreau và chuyên gia Coutansais cho rằng Trung Quốc đang thực thi sách lược “tôi có mặt, tôi ở lại” hay “chuyện đã rồi theo từng bước một”. Sách lược này đã xảy ra với một số quốc gia khác vốn mệt mỏi trong chuyện tranh chấp nên đành sẵn sàng ký kết các thỏa thuận song phương có lợi cho Trung Quốc. Giáo sư Scott nhận định: “Trung Quốc nghĩ rằng các quốc gia có liên quan đến tranh chấp sẽ mệt mỏi về kinh tế và tài chính do cố chạy theo hiện đại hóa quân đội, nên cuối cùng đành phó mặc cho chuyện gì xảy đến thì đến”.

Cách giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương hiện là vũ khí “bí mật” của Trung Quốc. Do vậy, giáo sư Franckx cho rằng “nếu các quốc gia như Philippines, VN và các quốc gia khác muốn bảo vệ lãnh thổ của mình thì phải cùng nhau đưa Trung Quốc ra các định chế tòa án quốc tế và xử lý các tranh chấp theo phương cách đa phương. Đàm phán song phương chỉ dẫn đến thua thiệt”. Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng giải pháp bền vững và đúng đắn nhất là đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế La Haye.

Nhà nghiên cứu Coutansais đề xuất: “Các nước không cần phải chờ Trung Quốc có chấp nhận một trọng tài phân xử hay không. Chẳng hạn VN và Philippines cũng có những tranh chấp lãnh thổ và vùng lãnh thổ đó cũng bị Trung Quốc tranh chấp. Nếu VN và Philippines cùng đưa vấn đề ra một tòa án thì Trung Quốc cũng phải tham gia dù muốn hay không bởi họ có dính líu với tranh chấp họ đang đòi hỏi. Trong tình hình hiện nay, có lẽ đó là cách tiến hành tốt nhất”.

Cử tọa sôi nổi đặt câu hỏi tại hội thảo - Ảnh: V.T.D.

Cử tọa sôi nổi đặt câu hỏi tại hội thảo - Ảnh: V.T.D.

Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Pháp tham dự

Bất chấp cơn mưa thu lạnh lẽo và dai dẳng, bất chấp những tin tức thời sự nóng bỏng của cuộc khủng hoảng tài chính, của Trung Đông, phòng họp lớn của Trung tâm hội nghị nhà hóa học (quận 7, Paris) đã nhanh chóng đông nghẹt người trước giờ diễn ra hội thảo. Điểm sơ qua đã có thể nhận ra những nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, chính trị gia, cố vấn của các tổ chức quốc tế, chuyên gia cấp cao của hải quân Pháp... Đặc biệt là có sự hiện diện của ông Christian Lechervy, cố vấn đặc biệt về các vấn đề chiến lược ở châu Á của Tổng thống Pháp François Hollande.

Theo Võ Trung Dũng
Tuổi trẻ