1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đường hầm dài nhất thế giới nối liền Nga và Mỹ

(Dân trí) - Ngành xây dựng thế giới lại một lần nữa xôn xao khi mới đây Viện Hàn lâm khoa học Nga công bố dự án đường hầm xuyên eo biển Bering với chiều dài 103 km, gấp đôi đường hầm Channel nối Anh-Pháp.

Đây sẽ là đường hầm dài nhất thế giới nằm trong hệ thống đường ray nối liền London với New York dài tới 6000 km.

 

Theo tính toán ban đầu của Nga, dự án này sẽ tiêu tốn 65 tỷ USD. Khi dự án được hoàn tất, người ta có thể ngồi xe lửa cao tốc đi xuyên 3/4 đường vòng quanh trái đất và chuyên chở khoảng 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm từ London tới New York. Ngoài ra, theo bản kế hoạch xây dựng, một mạng lưới cáp quang bằng sợi và mạng lưới kết nối năng lượng giữa các châu lục cũng sẽ được lắp đặt tại đường hầm.

 

Đường hầm dài nhất thế giới nối liền Nga và Mỹ - 1

Đường hầm nối liền Nga-Mỹ qua eo biển Bering.

 

Cụ thể, đường ống sẽ dẫn dầu và khí đốt từ vùng Siberia đến Bắc Mỹ, đường tải điện sẽ dẫn điện từ những nhà máy điện khổng lồ công xuất 10 GW dùng năng lượng thủy triều đang được xây dựng ở vùng Viễn Đông của Nga sang Bắc Mỹ.

 

Maxim Bystrov, phó giám đốc cơ quan về những vùng kinh tế đặc biệt của Nga cho biết dây sẽ là một dự án kinh tế chứ không mang màu sắc chính trị. Kế hoạch do ông Viktor Razbegin thuộc Bộ phát triển Kinh tế và Thương mại Nga chủ trì. Từ lâu ông này đã ủng hộ việc xây dựng một đường hầm qua eo biển Bering để nối đường bộ giữa Nga với Mỹ và cho công bố một nghiên cứu mang tính khả thi hồi thập niên 1990. Một hội nghị sẽ được tổ chức nội trong tháng này tại Matxcơva để Nga đi đến thỏa thuận liên chính phủ với Mỹ, Canada

 

Đường sắt Nga hiện đang xem xét việc xây dựng 3.500 km đường từ Pravaya Lena, phía Nam Yakutsk đến Uelen nằm trên Eo Bering. Con đường này sẽ kết nối với đường hầm qua eo Bering bằng đoạn đường sắt dài 2.000 km từ mũi Prince of Wales, ở Tây Alaska với Fort Nelson ở Canada. Theo ông Vasily Zubakin, Phó giám đốc điều hành Hydro, một chi nhánh công ty sản xuất điện chính của Nga thuộc Hệ thống năng lượng hợp nhất thì dự án đường hầm có thể giúp Siberia và Mỹ tiết kiệm 20 tỷ USD mỗi năm về chi phí vận chuyển điện. Công ty Hydro cũng đang lên kế hoạch xây 2 nhà máy phát điện khổng lồ nhờ thủy triều ở vùng Viễn Đông, cung cấp hàng chục tỷ KW điện vào năm 2020.

 

Tuy nhiên một số người tỏ ra nghi ngờ về mục đích của đường hầm qua eo biển Bering. Nhiều người khác đặt câu hỏi về ý nghĩa kinh tế của đường hầm khi Alaska cũng có trữ lượng dầu lớn và thị trường Trung Quốc mênh mông vừa gần hơn, vừa mang lại lợi nhuận nhiều hơn.

 

Sergei Grigoryev, Phó giám đốc Transneft, đường ống dẫn dầu độc quyền của nhà nước nói: “Tôi chưa bao giờ nghe nói đến dự án này. Trước hết chúng ta cần phát triển những cánh đồng tại Đông Siberia”. Đường hầm về phía Nga sẽ bắt đầu từ vùng Chukotka do ông Roman Abramovich nhà tỷ phú hiện đang sở hữu đội bóng Ngoại hạng Anh Chelsea làm thống đốc. Ông này tỏ ra không mấy mặn mà khi đưa tài sản của mình vào một cuộc phiêu lưu có nhiều bất trắc.

 

Còn với châu Âu, nhà quan sát thị trường năng lượng Derek Brower gọi dự án này là “không tưởng” và cho rằng chính phủ Nga đang chơi bài chính trị để dọa người tiêu dùng châu Âu ký các thỏa thuận năng lượng. Matcơva dọa sẽ xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc để răn đe các nước châu Âu đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.

 

Còn quá sớm để nói về mục đích thực sự của dự án khổng lồ này. Tất cả đều mới chỉ là dự đoán mà thôi.

 

HH

Theo AFP