1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đường dầu khí sinh tử của Nga sang Phương Tây bị chặn?

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Đức và Nga đang vấp phải sự phản đối của Ba Lan khi nước này cũng đòi chia phần.

Trước đây, Ba Lan luôn lên tiếng phản đối gay gắt khả năng Đức hợp tác với Nga để xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 để chuyển khí đốt từ Nga sang Tây Âu.

Tuy nhiên, nhận thấy những lợi ích từ đường ống này, Ba Lan đã thay đổi thái độ và lên tiếng đòi bố trí tuyến đường ống chạy trên lãnh thổ Ba Lan.

Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski nói rằng, nếu các nước Tây Âu, nhất là Đức, đồng ý với phương án này của Ba Lan thì điều đó mới thể hiện được sự đoàn kết và quan hệ đối tác giữa EU với các nước Trung và Đông Âu.

Đường dầu khí sinh tử của Nga sang Phương Tây bị chặn? - 1

Đường đi của Dòng chảy phương Bắc 2

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa Nga và Đức để xây dựng 2 nhánh đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy qua biển Baltic sang Đức với tổng công suất 55 tỷ mét khối/năm. Dự án này được các bên liên quan ký kết tháng 9/2015.

Tuy nhiên, dự án này khiến các nước châu Âu mất hòa khí. Sau khi các thông tin về dự án này được công bố, Ba Lan, Slovakia và 7 nước Đông Âu khác đã kịch liệt lên tiếng phản đối dự án này.

Các nước này thậm chí còn gửi đơn kiện lên Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk để yêu cầu đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU được tổ chức vào tháng 12 vừa qua.

Theo lập luận của các nước Đông Âu, dự án này của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại “những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker đã bác bỏ lập luận này của các nước Đông Âu và cho rằng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” chỉ đơn thuần là dự án thương mại chứ không liên quan đến các vấn đề chính trị.

Có thể thấy, nhiều dự án khí đốt của Nga đến châu Âu đã và đang gặp nhiều trở ngại. Trước dự án Dòng chảy phương Bắc 2, Nga đã phải dừng dự án Dòng chảy phương Nam và dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, dự án Dòng chảy phương Nam-dự án xây dựng đường ống cung cấp khí đốt từ Nga sang các nước châu Âu được khởi công trong năm 2012.

Đường ống này dự định sẽ chạy từ Nga qua đáy biển Đen đến các nước châu Âu. Bulgaria đã có vị trí khá quan trọng trong dự án trị giá nhiều tỷ USD này. Đường ống từ Nga khi đến Bulgaria bắt đầu được tách thành hai nhánh. Dòng chảy phương Nam sẽ chạy qua Bulgaria, Serbia đến Hungary.

Như vậy, nếu dự án được thực hiện thì Bulgaria sẽ là đối tác trung chuyển khí đốt quan trọng nhất của châu Âu. Tuy nhiên, EU và Ukraine lại ra sức phản đối kịch bản này.

Đến tháng 12/2014, dự án khổng lồ với rất nhiều hy vọng của Nga đã bị hủy bỏ.

Nga thừa nhận việc xây dựng “Dòng chảy phương Nam” là không hợp lý nên quyết định từ bỏ và Bulgaria cũng là một trong tác nhân chính dẫn đến quyết định của Nga.

Sau khi từ bỏ dự án trên, Nga mới bắt tay bàn bạc với Thổ Nhĩ Kỳ và dự án xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã được vạch lên và triển khai. Nga coi đây là phương án thay thế cho Dòng chảy phương Nam để dẫn khí đốt sang châu Âu mà không qua lãnh thổ Ukraine.

Tổng thống Nga Putin trong cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vào tháng 12/2014 đã khẳng định rằng Nga sẵn sàng đáp ứng cả nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau đó hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt có công suất 63 tỷ mét khối/năm, trong đó có 14 tỷ mét khối cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, phần còn lại sẽ được cung cấp cho các nước Nam Âu.

Tuy nhiên, quan hệ Nga -Thổ đã trở nên cực kỳ căng thẳng sau khi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga khi đang tác chiến tại Syria ngày 24/11/2015.

Đến ngày 28/11/2015, Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh hủy gần như toàn bộ các hoạt động hợp tác trên tất cả các mặt với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo An Nhiên (Tổng hợp)

Đất Việt