1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Đức, Pháp xung đột vì dân gipsy

(Dân trí) - Đức và Pháp hiện đang vướng vào một vụ tranh cãi ngoại giao sau khi Thủ tướng Angela Merkel thẳng thừng “đối đầu” với Tổng thống Nicolas Sarkozy về vấn đề dỡ trại của người Rom.

 

Đức, Pháp xung đột vì dân gipsy - 1


Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức tại hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo EU, ngày 16/9.

 

Vấn đề trục xuất người Rom (dân gipsy) của Pháp là chủ đề nổi cộm ở hội nghị các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Bỉ ngày 16/9.

 

Trong một cuộc họp báo, Tổng thống Pháp Sarkozy cho biết Thủ tướng Đức Merkel đã nói với ông rằng bà định theo Pháp, dỡ bỏ các trại của người Rom, trong những tuần tới.

 

Tuy nhiên, ngay lập tức người phát ngôn của bà Merkel phủ nhận thông tin trên. Người phát ngôn cho hay không có chuyện bà Merkel thảo luận vấn đề người Rom với ông Sarkozy, cả trong và bên lề hội nghị thượng đỉnh EU, chứ chưa nói đến việc sơ tán họ.

 

Trong khi đó, tại hội nghị EU, ông Sarkozy đã xung đột với Ủy ban châu Âu về vấn đề trục xuất người Rom. Kể từ tháng 8, Pháp đã tháo dỡ khoảng 200 khu định cư của người Rom và trục xuất khoảng 1.000 người về Romania và Bulgaria.

 

Sơ lược tranh cãi vấn đề người Rom của Pháp

19/7: Một cuộc bạo động của người Rom Pháp nổ ra ở thị trấn Saint-Aignan, Loire Valley, sau khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông Rom.

29/7: Tổng thống Pháp Sarkozy tuyên bố trục xuất 300 người Rom và các trại lưu động bất hợp pháp của họ trong vòng 3 tháng

9/9: Khi khoảng 1.000 người Rom đã bị trục xuất khỏi Pháp, Nghị viện châu Âu yêu cầu chấm dứt chính sách; Pháp cương quyết tiếp tục

14/9: Ủy viên hội đồng tư pháp EU Viviane Reding so sánh hành động cảu Pháp với thời Thế chiến II

16/9: Tổng thống Pháp cho biết tại hội nghị thượng đỉnh EU rằng lời nói của ông Reding là “ghê tởm và đáng hổ thẹn”.

Hồi đầu tuần, ủy viên hội đồng tư pháp EU  Viviane Reding được cho là đã so sánh hành động trục xuất người Rom của Pháp với sự ngược đãi dưới thời Đức quốc xã chiếm đóng nước này.

 

“Những từ ngữ ghê tởm và đáng hổ thẹn đó, từng được dùng trong Thế chiến II, gợi nhớ đến người Do Thái, làm chúng tôi vô cùng sững sờ”, ông Sarkozy nói.

 

Và sau đó ông đã có cuộc trao đổi nảy lửa với Chủ tịch Ủy ban EU Jose Manuel Barroso.

 

Đây được xem là cuộc “cãi vã” chưa từng có tiền lệ giữa Brussels và Paris.

 

Ông Barroso thừa nhận lời bình luận có đôi chỗ hơi quá, nhưng khẳng định sự phân biệt chủng tộc đối với người thiểu số là không thể chấp nhận được.

 

 

Phan Anh
Theo BBC

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm