Dư luận quan tâm các chuyến thăm Trung, Ấn của lãnh đạo Việt Nam
(Dân trí) - Dư luận khu vực và quốc tế những ngày này rất quan tâm đến chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc và chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Ấn Độ.
Nhiều hãng tin cùng chung nhận định rằng đây là những chuyến thăm góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.
Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến CHDCND Trung Hoa, bắt đầu từ ngày hôm nay 11/10, hãng tin Xinhua của Trung Quốc đăng bài viết nhan đề “Trung Quốc, Việt Nam tìm cách cải thiện quan hệ song phương”.
Bài báo nhấn mạnh: “Chuyến thăm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương và cũng được coi là một bước tích cực cho cả hai phía nhằm giải quyết tranh cãi thông qua đàm phán”.
“Quan hệ hợp tác Việt-Trung, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đã đạt những thành tựu đáng kể”.
Tin dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Khổng Huyễn Hựu nói tổng giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước tăng 35% trong 8 tháng đầu năm 2011 và đạt 25 tỷ USD. Ông cũng nói con số cho cả năm có thể lên tới 40 tỷ USD.
Bình luận nhân dịp này, các hãng tin AP và AFP cho rằngTrung Quốc và Việt Nam đang thể hiện những nỗ lực mới để thoả thuận cùng nhau về quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Còn theo báo chí Nga, từ cuộc gặp cấp cao tại Bắc Kinh, người ta trông đợi những giải pháp mới tháo gỡ cuộc tranh chấp về chủ quyền đối với những tranh chấp trên Biển Đông.
Trong khi đó, dư luận cũng đang theo dõi chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Ấn Độ trong tuần này.
Các báo dẫn lời Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định quan hệ truyền thống tốt đẹp đã được thử thách qua thời gian giữa Việt Nam và Ấn Độ, và mục đích của chuyến thăm là nhằm củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, tiếp tục đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn.
Theo báo chí khu vực, trong đó có mạng Asia News Network , Chủ tịch Trương Tấn Sang dự kiến sẽ đến Ấn Độ vào ngày 12/10 và sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Manmohan Singh về nhiều vấn đề song phương và khu vực, trong đó có vấn đề đẩy mạnh quan hệ thương mại, an ninh hàng hải và tăng cường hợp tác quân sự.
Hãng tin AP hôm qua viết: “Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm thắt chặt quan hệ quân sự và thương mại với đất nước Nam Á này”.
Chuyến công du của ông Trương Tấn Sang diễn ra vài tuần sau khi Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna tới thăm Hà Nội. “Giới quan sát nhận định vấn đề tăng cường hợp tác quốc phòng sẽ là một trong những vấn đề hàng đầu của chương trình nghị sự trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Trương Tấn Sang và sẽ làm sâu sắc thêm đường hướng chiến lược trong quan hệ song phương”, hãng tin AFP ngày 9/10 viết.
Theo Reuters, Ấn Độ đang tăng tốc thực hiện chính sách “Hướng Đông” với việc chuẩn bị đón tiếp hai lãnh đạo Việt Nam và Myanmar. “Vào ngày 11/10, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ viếng thăm chính thức Ấn Độ cho đến ngày 14/10/2011. Sau chuyến viếng thăm của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, sẽ đến lượt Tổng thống Myanmar Thein Sein đặt chân đến New Delhi, trong chuyến công du ngoại quốc lần thứ hai kể từ khi ông lên nắm quyền tại Myanmar”.
Theo BBC, chuyến thăm Ấn Độ từ 11 đến 13/10 của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã thu hút sự chú ý của giới quan sát vì tầm quan trọng của quan hệ chiến lược Việt-Ấn. An ninh-quốc phòng được cho là một trong các lĩnh vực chính cho sự hợp tác song phương hiện nay và trong tương lai.
BBC dẫn lời ông Iskander Rehman, chuyên gia an ninh tại Quỹ Nghiên cứu Observer tại New Delhi, nhận định: “Tôi cho rằng quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ có gốc rễ sâu xa trong lịch sử. Tuy nhiên, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ Việt-Ấn dường như chỉ dừng lại ở hai phương diện chính trị và ngoại giao. Cho tới khi Ấn Độ bắt đầu chính sách "Hướng Đông" thập kỷ 1990 thì quan hệ Việt-Ấn mới bắt đầu chuyển sang hợp tác chiến lược một cách thực chất”.
"Quan hệ Việt-Ấn phát triển nhanh chóng trong nhiều mặt, như Delhi ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ năm 2007, Việt Nam cũng ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Thương mại hai chiều đã đạt mức hơn 2 tỷ USD năm 2008 từ mức có 72 triệu USD năm 1995. Các tập đoàn khổng lồ của Ấn Độ như Tata Steel và ONGC Videsh Limited bắt đầu đầu tư vào Việt Nam trong hy vọng có đối tác làm ăn mới đáng tin cậy ở Đông Nam Á.
Thế nhưng tôi cho rằng lĩnh vực gặt hái được nhiều thành công nhất trong quan hệ giữa hai nước vẫn là quân sự”, ông Rehman nói.