1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dự đoán những “nước đi” của Nga trên bàn cờ thế giới năm 2020

Khép lại một năm 2019 đầy “bận rộn”, Nga sẽ có chiến lược gì cho năm 2020 để tăng cường vai trò và mở rộng ảnh hưởng trên thế giới?

Củng cố vai trò và ảnh hưởng dài hạn ở Trung Đông

Thách thức lớn nhất của Nga ở Trung Đông trong năm 2020 là Moscow phải thể hiện được rằng nước này không xây dựng một kế hoạch bấp bênh ngắn hạn có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, mà là một chính sách ổn định cho thấy tầm ảnh hưởng lâu dài của Nga trong khu vực.

Dự đoán những “nước đi” của Nga trên bàn cờ thế giới năm 2020 - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: DW

Moscow hiểu rõ sự hiện diện quân sự ở Syria là chưa đủ để Nga "viết nên luật chơi" tại Trung Đông, nhất là khi những diễn biến ở Syria đang dịch chuyển từ chiến tranh sang giải pháp ngoại giao. Dĩ nhiên, Nga vẫn đóng vai trò quan trọng và là nhân tố không thể thiếu trong việc dàn xếp một tiến trình chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Năm 2019 là một năm Moscow nỗ lực mở rộng vai trò của mình bên ngoài việc dàn xếp tình hình Syria. Nga đóng vai trò trung gian hòa giải cho Palestine, thúc đẩy an ninh vịnh Ba Tư dựa trên các cuộc trao đổi với các nước Arab và Iran. Cho tới nay, mặc dù không có nhiều kết quả đáng kể song Nga đã đưa ra được những sáng kiến ngoại giao nổi bật và phần nào xây dựng được hình ảnh như một cường quốc có tầm ảnh hưởng trong khu vực. Nga hiện lên như một quốc gia biết cách đàm phán với các bên và "có tiếng nói" trong việc sắp xếp một tiến trình đối thoại.

Một số nhà quan sát cho rằng trong năm tới Nga sẽ can thiệp vào hầu hết các cuộc xung đột trong khu vực, đặc biệt là tại Libya với một viễn cảnh có thể trở thành "Syria 2.0". Tuy nhiên, thay vì can thiệp quân sự, Moscow sẽ đóng vai trò hòa giải nhiều hơn, bằng chứng là cuộc gặp gần đây giữa các quan chức của Bộ Quốc phòng Nga với Tướng Khalifa Hafter.

Do đó, vấn đề Nga phải giải quyết trong năm 2020 là nước này phải đưa ra một chiến lược dài hạn và rõ ràng ở Trung Đông để cho thấy Moscow thực sự là nhân tố quan trọng có tầm ảnh hưởng và có thể "điều hòa" một khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn có thể bùng phát thành xung đột bất cứ lúc nào.

Tăng cường hợp tác với Trung Quốc về thương mại

Năm 2020 lẽ ra sẽ là năm trao đổi thương mại Nga - Trung đạt mốc 200 tỷ USD nhưng mục tiêu này hiện đã bị lùi lại tới năm 2024. Dù vậy, kim ngạch thương mại 2 nước trong năm 2018 đã vượt mức 100 tỷ USD, trong khi mục tiêu chính của Kremlin trong năm 2020 là tiếp tục tăng con số này.

Mặc dù thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "giai đoạn một" đã đạt được vào tháng 12 nhưng Moscow vẫn hy vọng sẽ tăng xuất khẩu hydrocarbon và nông sản sang thị trường khổng lồ của Bắc Kinh. Đường ống dẫn khí Power of Siberia khánh thành ngày 2/12/2019 sẽ bắt đầu hoạt động vào năm tới. Tuy đường ống này không đạt hết công suất là cung cấp 38 tỷ mét khối/năm cho đến năm 2025 song tập đoàn Gazprom của Nga có kế hoạch sẽ vận chuyển ít nhất 5 tỷ mét khối khí cho Trung Quốc. Trong khi đó, các công ty Nga cũng đang tìm cách chiếm ưu thế tại thị trường dầu thô của nước này. Moscow cũng đang nỗ lực để tăng cường hoạt động xuất khẩu nông sản sang Bắc Kinh.

Ngoài ra, Nga còn tăng cường hợp tác với những tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei giữa bối cảnh Moscow đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây và tìm kiếm nhiều nguồn thay thế khác.

"Tùy cơ ứng biến" ở châu Âu

Elena Chernenko - một thành viên thuộc Hội đồng Chính sách Quốc phòng và Đối ngoại nhận định: "Tôi không cho rằng Nga có bất kỳ "mục tiêu" nào cụ thể trong mối quan hệ với EU vào năm 2020. Thực tế là tại thời điểm này sẽ không có bất kỳ mối quan hệ nào mang tính xây dựng giữa Nga với châu Âu với tư cách là một liên minh".

Với Nga, EU vẫn là một đối tác quan trọng bởi khả năng áp đặt trừng phạt và một thực tế là EU có thể khiến dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" đầy tham vọng của điện Kremlin "gặp khó". Tuy nhiên, Moscow nhận ra rằng gần như mọi thứ khác đều có thể giải quyết trên cấp độ song phương.

Năm 2019, khi hợp tác song phương với các nước thành viên của EU, Nga đã tiếp cận theo hướng thực tế hơn khi đẩy mạnh thương mại, đầu tư và du lịch.

Dù vậy, về mặt chính trị, điện Kremlin có cách tiếp cận đa chiều hơn. Nga muốn một EU chia rẽ về vấn đề Ukraine song lại muốn khối này có một lập trường đoàn kết và độc lập hơn đối với Mỹ.

Nga được cho là sẽ không có những bước đi chủ động trong các vấn đề về quan hệ với EU mà thay vào đó sẽ "tùy cơ ứng biến", phụ thuộc vào những diễn biến mới trong năm 2020.

Kỳ vọng Donald Trump sẽ tái đắc cử

Năm 2019 chứng kiến những triển vọng đầy hứa hẹn trong quan hệ Nga - Mỹ. Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng 4/2019 và chuyến thăm Sochi của Ngoại trưởng Pompeo đầu tháng 5, hai nước tập trung vào việc giải quyết những vấn đề mà lợi ích 2 bên chống lấn nhau. Mùa hè năm 2019, hai Tổng thống Nga và Mỹ đã có một cuộc gặp mang tính xây dựng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản.

2020 được kỳ vọng sẽ là một năm mối quan hệ Nga - Mỹ có thể có những "khởi sắc" mới bất chấp việc Tổng thống Trump bị Hạ viện luận tội và đang tập trung vào cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Trước thời điểm này, có khả năng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ thăm Moscow vào tháng 5/2020 nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng, nơi Tổng thống Putin sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và thành viên thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Tim Morrison, Mỹ có thể sẽ nhất trí mở rộng Hiệp ước START mới thêm một vài năm nữa như Nga đề xuất, một động thái đem lại cái kết "cùng thắng" cho Tổng thống Trump và Putin. Sự xuất hiện của ông Tập và ông Macron ở Moscow cũng giúp thúc đẩy các cuộc thảo luận đa phương về sự ổn định chiến lược toàn cầu. Nếu Nga và Ukraine có thể đạt được những bước tiến đáng kể trong thỏa thuận Minsk với vai trò trung gian của Pháp, việc giảm các lệnh trừng phạt của Mỹ thậm chí có thể cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Một số nhà quan sát cho rằng điện Kremlin sẽ theo đuổi một chiến lược với mục tiêu hạn chế tối đa những khả năng có thể ảnh hưởng xấu đến nỗ lực tái đắc cử của Tổng thống Trump. Nếu ông Trump có thêm 4 năm nữa ở Nhà Trắng, Moscow sẽ có thêm cơ hội để thực hiện các mục tiêu cải thiện quan hệ với Washington.

Tiếp tục theo dõi những diễn biến ở Ukraine

Có 2 điểm nhấn trong chính sách của Nga với Ukraine trong năm 2020 là những diễn biến mới ở quốc gia này và điều đó có ý nghĩa gì với Moscow.

Nhà quan sát Pjotr Sauer nhận định trên The Moscow Times rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính là đối tác đàm phán tốt nhất để thỏa thuận về tình hình Donbass có thể đạt được cũng như nhiều vấn đề khác sẽ được giải quyết.

Do đó, Moscow có thể sẽ ủng hộ ông Zelensky và tiếp tục thể hiện sự linh động tối đa cũng như thiện chí đối với thỏa thuận Minsk. Điều này có thể cũng đồng nghĩa với việc Moscow sẽ đưa ra những nhượng bộ về sự vận chuyển khí đốt và nối lại mối quan hệ về kinh tế với Kiev.

Đưa quan hệ với châu Phi đi vào chiều sâu

Năm 2020 hứa hẹn sẽ là một năm quan hệ Nga - châu Phi phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là năm đánh dấu chiến lược mới của Nga với châu Phi đi vào thực chất như thông báo tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi đầu tiên tổ chức tại Sochi ngày 23 và 24/10.

Mục tiêu quan trọng của Hội nghị này là "đưa mối quan hệ Nga - châu Phi phát triển theo hướng chiến lược, có hệ thống và toàn diện". Nga đang có kế hoạch tăng gấp đôi kim ngạch thương mại giữa Nga và các nước châu Phi lên 40 tỷ USD trong 3 hoặc 4 năm tới. Trên trường quốc tế, Nga và châu Phi tiếp tục với hướng tiếp cận mà cả 2 đều nhất trí là duy trì các nguyên tắc độc lập và không can thiệp cũng như bảo tồn bản sắc quốc gia và sự đa dạng về văn hóa.

Việc đạt được những mục tiêu này đối diện với không ít thách thức và sẽ có nhiều tranh cãi. Các quốc gia phương Tây sẽ phản đối mạnh mẽ việc Nga đóng vai trò lớn hơn tại châu Phi. Trong chiến lược mới ở châu Phi, Mỹ thậm chí đã gọi Nga và Trung Quốc là những đối thủ lớn trên lục địa này.

Thúc đẩy chiến lược ở Bắc cực

Năm 2020, Bắc cực sẽ trở thành một khu vực cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước trong kỷ nguyên "công nghiệp hóa" Bắc cực. Những toan tính về thương mại sẽ điều phối các quan hệ đối tác chiến lược ở Bắc cực mà mối quan hệ Nga - Trung tại khu vực này là minh chứng rõ nhất.

Nga cũng tăng cường sự hiện diện về quân sự tại địa hạt tiềm năng này. Moscow sở hữu hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới tại Bắc cực và đang đẩy mạnh xây dựng các căn cứ quân sự, sân bay, cải thiện hệ thống hỗ trợ trên không, hệ thống bảo vệ phòng không và nâng cấp radar.

Nga đã có một năm 2019 “bận rộn” và khá thành công, nhất là trong việc xây dựng vai trò và tầm ảnh hưởng. Năm 2020 chắc chắn sẽ đánh dấu đáng kể sự thay đổi về chiến lược của Nga trong quan hệ với các nước cũng như ưu tiên tại các khu vực giữa một thế giới biến động không ngừng.

Theo Kiều Anh

VOV