1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đóng tàu ngầm cho Thái Lan, Trung Quốc gặp khó vì lệnh hạn chế của Đức

Lê Kiên

(Dân trí) - Một nghị sĩ Thái Lan tiết lộ, chiếc tàu ngầm Yuan Class S26T trị giá 408 triệu USD mà Thái Lan đặt hàng từ Trung Quốc được lắp ráp mà không có động cơ do Đức sản xuất như thỏa thuận.

Đóng tàu ngầm cho Thái Lan, Trung Quốc gặp khó vì lệnh hạn chế của Đức - 1

Mô hình tàu S26T (Ảnh: SCMP).

Một quan chức Đức lý giải rằng, động cơ do Đức sản xuất hiện không được sử dụng trong các hạng mục quân sự và quốc phòng của Trung Quốc. Do đó, việc Thái Lan mua tàu ngầm Yuan Class S26T do Trung Quốc sản xuất trị giá 13,5 tỷ baht (tương đương 408 triệu USD) đã bị đình trệ vì không nhập khẩu được động cơ diesel do Đức sản xuất như thỏa thuận trong hợp đồng.

Năm 2017, tập đoàn nhà nước China Shipbuilding & Offshore International đã ký một thỏa thuận với Hải quân Thái Lan về việc đóng loại tàu ngầm này. 

Con tàu đặt hàng đầu tiên của Thái Lan dự kiến sẽ cập cảng vào năm 2024. Tuy nhiên vào tháng trước, một nhà lập pháp đối lập trong tiểu ban quốc hội của Thái Lan xem xét ngân sách của Hải quân cho tài khóa 2021-2022 đã tiết lộ rằng, tàu ngầm đang được lắp ráp mà không có động cơ do Đức sản xuất.

Ngày 27/2 vừa qua, ông Yutthapong Charasathien, một thành viên của đảng Pheu Thai (đảng vì nước Thái), cho hay Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn trong việc nhập động cơ tàu ngầm do nhà sản xuất MTU của Đức phân phối.

Ông Yutthapong đặt câu hỏi: "Tại sao Thái Lan không giao dịch với các quốc gia có thể sản xuất động cơ tàu ngầm của riêng họ? Tại sao Hải quân Thái Lan vẫn tiếp tục kế hoạch mua chiếc thứ hai và thứ ba khi mà chiếc đầu tiên vẫn chưa có động cơ? Tôi khẳng định việc mua bán này là không minh bạch".

Ông Yutthapong và các nhà lập pháp đối lập khác thuộc nhóm thiểu số phản đối Hải quân Thái Lan mua sắm thêm hai tàu ngầm khác vào năm 2020. Hải quân gần đây đã trì hoãn đề xuất ngân sách cho hai chiếc tàu ngầm trị giá 22,5 tỷ baht với lý do tình hình kinh tế Thái Lan ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ông Yutthapong cũng cho hay, có khả năng hợp đồng mua bán tàu ngầm giữa Thái Lan và Trung Quốc phải được sửa đổi để phù hợp với việc lắp ráp động cơ của Trung Quốc, thay vì của Đức sản xuất.

Thông tin trên đã vấp phải những phản ứng dữ dội từ công chúng khi nhiều người cho rằng thỏa thuận mua bán này hoàn toàn không phù hợp với tình hình kinh tế đất nước và chính phủ nên sử dụng số tiền này để tiêm vaccine cho người dân.

Mặc dù là một trong hai đồng minh hiệp ước an ninh của Mỹ ở Đông Nam Á nhưng Thái Lan đã trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc và lựa chọn Bắc Kinh làm nhà cung cấp vũ khí kể từ khi ông Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.

Trong khi các nước láng giềng đã vận hành tàu ngầm thì các đơn đặt hàng trên sẽ là những chiếc tàu ngầm đầu tiên của Thái Lan. Hải quân Thái Lan cho biết, các tàu ngầm này sẽ giúp ngăn chặn các cuộc xâm nhập vào Vịnh Thái Lan và cũng sẽ tăng cường an ninh hàng hải, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gia tăng và nguy cơ xảy ra sự cố ở Biển Đông ngày càng cao.

Một quan chức của Đức tại Thái Lan, trong một bức thư được báo Bangkok Post công bố vào tháng trước, đã nêu rõ quan điểm của Đức về vấn đề này. "Việc xuất khẩu động cơ tàu ngầm đã bị đình trệ vì nó được sử dụng cho mục đích quân sự và quốc phòng của Trung Quốc. Trung Quốc đã không tham vấn hay phối hợp với Đức trước khi ký hợp đồng với Thái Lan mà tùy tiện cung cấp động cơ MTU của Đức giống như sản phẩm của họ", người này cho biết.

Hải quân Thái Lan đã phải đối mặt với những câu hỏi từ công chúng về việc liệu họ có biết trước về chính sách của Đức hay không. Một phát ngôn viên của Hải quân Thái Lan cho biết chính sách cấm vận của Đức là "vấn đề mà Trung Quốc cần giải quyết".

Ông Yutthapong cho rằng Hải quân Thái Lan đã đồng ý lắp đặt 3 động cơ MTU396 do Đức sản xuất cho tàu ngầm S26T và thỏa thuận này cần được tuân thủ. "Tôi nghi ngờ công ty Trung Quốc có thể đã không tiết lộ các hạn chế của Đức khi họ thỏa thuận với Hải quân Thái Lan. Nếu đúng như vậy, thì Hải quân Thái sẽ có lý do chính đáng để hủy hợp đồng và được hoàn lại tiền," ông nói.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan chưa có bình luận về các thông tin trên.

Trong khi đó, phát ngôn viên Hải quân Thái Lan cho biết Hải quân nước này đang phối hợp với hãng đóng tàu Trung Quốc để cùng nhau tìm giải pháp cho vướng mắc trên.

Theo SCMP