Khủng hoảng chính trị tại Ukraine:
Đồng sàng dị mộng!
(Dân trí) - Ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Ukraine Yushchenko, đã ký sắc lệnh giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử trước thời hạn vào ngày 27/5 tới. Các nhà phân tích cho rằng bằng quyết định trên, ông Yushchenko, người hùng của "Cuộc cách mạng Cam" năm 2004, đã làm bắt đầu canh bạc lớn nhất trong cuộc đời chính trị của ông.
Và theo họ, đây là canh bạc mà rốt cuộc có lẽ sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các đối thủ của ông, đó là Thủ tướng Yanukovich và đồng minh trước đây của ông trong "Cuộc cách mạng Cam", bà Yulia Tymoshenko.
Cuộc khủng hoảng bùng phát sau nhiều tháng bế tắc chính trị kể từ tháng 3/2006 khi đảng "Các khu vực" thân Nga đã giành thắng lợi áp đảo trước đảng "Ukraine của chúng ta" thân phương Tây của Tổng thống Yushchenko trong cuộc bầu cử Quốc hội từng được các quan sát viên phương Tây và Nga đánh giá là tự do và công bằng.
Tình trạng bế tắc đó phản ánh những chia rẽ sâu sắc giữa miền Đông chủ yếu nói tiếng Nga có công nghiệp phát triển và miền Tây nói tiếng Ukraine có nông nghiệp phát triển. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2005, Tổng thống Yushchenko đã thúc đẩy quá trình hội nhập đầy đủ của Ukraine với phương Tây, trong đó có việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO). Trong khi đó, Thủ tướng Yanukovich lại ủng hộ việc phát triển các mối quan hệ truyền thống với Moscow.
Như là một cuộc đảo chính
Tổng thống Yushchenko ngày 5/4 đã đe doạ sẽ khởi tố ông Viktor Yanukovich nếu Thủ tướng thân Nga này từ chối tham gia vào cuộc bầu cử mới. Tổng thống cáo buộc Thủ tướng vi phạm hiến pháp bằng việc lôi kéo các nghị sĩ thân phương Tây trong liên minh của ông để tăng số ghế ủng hộ Thủ tướng trong quốc hội. |
Ngay sau quyết định của ông Yushchenko, Quốc hội vốn ủng hộ Thủ tướng Yanukovich đã ví sắc lệnh của Tổng thống Yushchenko như sự khởi đầu của một cuộc đảo chính và lập tức thông qua một nghị quyết khẳng định vẫn tiếp tục làm việc nhằm phản đối sắc lệnh của tổng thống. Các nghị sỹ thuộc phe đa số trong Quốc hội cũng đã bỏ phiếu ngay trong đêm để giải tán Ủy ban Bầu cử Trung ương, ngăn chặn việc tài trợ cho bầu cử và yêu cầu Tòa án Hiến pháp thẩm tra sắc lệnh của ông Yushchenko. Phó Thủ tướng Ukraine Dmytro Tabachnyk cảnh báo bất cứ hành động nào của tổng thống nhằm ngăn cản công việc của quốc hội cũng là bất hợp pháp và vi hiến.
Tại một cuộc họp nội các căng thẳng, Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Grytsenko, một trong hai người ủng hộ ông Yushchenko trong chính phủ, đã hậu thuẫn tổng thống và cho biết quân đội Ukraine sẽ tuân theo các mệnh lệnh của ông.
Những người ủng hộ Thủ tướng Yanukovich đã dựng lều trong các công viên bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Kiép để phản đối tổng thống. Trong khi đó, Tổng thống Yushchenko cáo buộc Thủ tướng Yanukovich đã tìm cách tiếm quyền tổng thống bằng việc lôi kéo các nghị sỹ thân phương Tây trong liên minh của ông nhằm gia tăng số nghị sĩ ủng hộ ông ở quốc hội. Tháng 3 vừa qua, 11 nghị sỹ thuộc phe ông Yushchenko đã quay sang ủng hộ ông Yanukovich.
Không có kịch bản cho sự ổn định
Các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Tòa án Hiến pháp Ukraine có vai trò quyết định trong cuộc khủng hoảng này. Nếu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết rằng sắc lệnh của Tổng thống không hợp hiến và ông Yushchenko không tuân thủ phán quyết này, nhiều đại biểu thuộc phe đối lập sẽ tiếp tục rời đảng để gia nhập liên minh đa số của ông Yanukovich. Nếu giành được sự ủng hộ của 300 nghị sỹ, ông Yanukovich sẽ hội đủ quyền lực để chống lại quyền phủ quyết của tổng thống và giám sát việc thay đổi hiến pháp. Trong trường hợp này, phe đa số có thể tiến hành luận tội tổng thống.
Nếu ông Yushchenko chấp nhận phán quyết của Tòa án hiến pháp, ông này có khả năng sẽ nối lại cuộc thương lượng với Chính phủ và Quốc hội, nhưng sau đó, Tổng thống cũng chỉ còn lại những quyền hạn có tính chất tượng trưng. Toàn bộ thực quyền ở Ukraine sẽ vào tay ông Yanukovich. Trong trường hợp đó, bà Timoshchenko sẽ kiên quyết bất hợp tác, chống đối quyết liệt và tìm cách tổ chức những cuộc biểu tình, mít tinh mới.
Nếu Tòa án Hiến pháp phán quyết rằng sắc lệnh của Tổng thống hợp hiến và Quốc hội và Chính phủ không hoặc tuân thủ phán quyết này, phe "Cam" lại khuấy động biểu tình, mít tinh ở trung tâm Kiép như cuối năm 2004. Khi đó, không loại trừ sẽ có xung đột giữa hai nhóm biểu tình ủng hộ Tổng thống và Thủ tướng.
Nhưng nếu Quốc hội và Chính phủ tuân thủ phán quyết của Tòa án hiến pháp, tình hình có thể diễn biến rất khác. Khi đó, cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ diễn ra trên toàn quốc ngày 27/5. Theo kết quả thăm dò dư luận mới đây, đảng "Các khu vực" của Thủ tướng Yanukovich đang dẫn đầu, xếp trên khối của bà Tymoshenko và khối "Ukraine của chúng ta" của Tổng thống Yushchenko. Khi đó, khối của bà Tymoshenko sẽ là phe đối lập chính và chống đối chính phủ mới quyết liệt và cái vòng xoáy luẩn quẩn này tại Ukraine sẽ vẫn tiếp tục.
Một số nhà quan sát nêu ra "kịch bản lớn thứ ba", là kịch bản của những diễn biến "đặc biệt", bao gồm cả khả năng các thiết chế "sức mạnh" có thể can thiệp vào cuộc khủng hoảng hiện nay. Hiện giới chuyên gia đang tranh cãi xem liệu các cơ quan thực thi pháp luật sẽ đứng về phía nào. Đây được coi là một tình huống rất nguy hiểm, khó mà lường trước hậu quả sẽ đi tới đâu.
Như thường lệ những người đồng sàng dị mộng khó chừng có thể yên ổn bên nhau bền lâu. Và đây là kịch bản xấu nhất: một cuộc phân liệt Đông - Tây, dường như là "di sản" của lịch sử có thể lại tái diễn ngay chính ở xứ Uycơren!
Kiến Văn