1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đông Bắc Á chuyển động với vấn đề hạt nhân Triều Tiên

(Dân trí) - Chính trường Đông Bắc Á đang chuyển động từng ngày với các cuộc ngoại giao dồn dập liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đe doạ sẽ tiến hành “thánh chiến” đối với cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.

Đông Bắc Á chuyển động với vấn đề hạt nhân Triều Tiên  - 1
Ông Vũ Đại Vĩ tiếp Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Triều Tiên Kim Kye Gwan.

Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, trong ngày 25/2 đã diễn ra hai cuộc hội đàm về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, một tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và một tại thủ đô Soeul của Hàn Quốc.

Tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên Kim Kye Gwan đã có cuộc tiếp kiến với Đặc phái viên Trung Quốc phụ trách các vấn đề Triều Tiên Vũ Đại Vĩ. Trong cuộc gặp, ông Kim Kye Gwan đã thông báo vắn tắt về cuộc đàm phán Mỹ - Triều lần thứ ba giữa ông với Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách về Triều Triều Glyn Davies.

Ông Vũ Đại Vĩ là người chủ trì các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị đình trệ từ tháng 12/2008.

Trong khi đó, ông Glyn Davies cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Lim Sung-nam tại thủ đô Seoul để thông báo về kết quả vòng đàm phán Mỹ - Triều hôm 23-24/2 tại Bắc Kinh. Phát biểu sau cuộc gặp, ông Glyn Davies khẳng định:
 
“Tôi cho đây (đàm phán Mỹ - Triều) là diễn biến có ý nghĩa vì nó diễn ra không lâu sau sự thay đổi lãnh đạo ở Triều Tiên. Đây là một sự khởi đầu hữu ích. Chúng tôi hy vọng và chúng tôi trông đợi điều mà Triều Tiên sẽ lựa chọn để tiếp tục con đường can dự lớn hơn và cuối cùng là hợp tác thật sự”.
Ông Glyn Davies cũng cho biết đã đề xuất tăng viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng  trên tinh thần “căn cứ theo nhu cầu thực tế” và “tách bạch vấn đề này với tiến trình phi hạt nhân hoá”. Tuy nhiên, ông cũng không quên nhấn mạnh Triều Tiên nên cải thiện quan hệ với Hàn Quốc nếu muốn cải thiện quan hệ với Mỹ.
 
Trước đó, Triều Tiên nhiều lần tuyên bố sẽ không can dự với chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Li Myung-Pak, người luôn có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng kể từ khi nhậm chức năm 2008. Ngày 25/2, Triều Tiên cũng vừa đe doạ sẽ tiến hành “thánh chiến” nhằm trả đũa 2 cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn mang tên “Giải pháp Then chốt” (từ 27/2 - 9/3) và “Đại bàng non” (từ 1/3 - 30/4).

Dự kiến, sau Bắc Kinh và Soeul, ông Davies sẽ tiếp tục tới Nhật Bản để thảo luận với giới chức nước này về kết quả cuộc gặp song phương với Triều Tiên.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân kể sau cái chết của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yong-il hồi tháng 12 năm ngoái. Dư luận xem đây là cơ hội để đánh giá xem liệu chế độ mới của Bình Nhưỡng do nhà lãnh đạo trẻ Kim Yong-un đứng đầu có sẵn sàng thương lượng nhằm từ bỏ mục tiêu hạt nhân của mình hay không.

 Vũ Anh
Theo Kyodo, Reuters

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm