1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đòi đồng minh gánh mọi chi phí đồn trú kèm “hoa hồng”: Quân cờ rủi ro của ông Trump

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump đã đẩy các đồng minh của Mỹ vào thế khó khi yêu cầu họ phải thanh toán toàn bộ chi phí kèm 50% “tiền hoa hồng” cho sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Đòi đồng minh gánh mọi chi phí đồn trú kèm “hoa hồng”: Quân cờ rủi ro của ông Trump - 1

Quân đội Mỹ - Hàn tập trận chung. (Ảnh: AFP)

Từ nhiều năm nay, Tổng thống Donald Trump đã than phiền rằng các nước có quân đội Mỹ đồn trú không thanh toán đủ cho Washington chi phí bảo vệ. Bây giờ, ông Trump muốn các nước này phải chi trả đầy đủ, thậm chí phải thanh toán thêm.

Bloomberg dẫn nguồn tin từ hơn 10 quan chức trong chính quyền Mỹ và những người thông thạo vấn đề này cho biết, chính quyền Trump đang lên kế hoạch yêu cầu Đức, Nhật Bản và bất kỳ quốc gia nào có quân đội Mỹ đồn trú phải thanh toán toàn bộ chi phí cho sự hiện diện của lính Mỹ. Ngoài ra, các nước này còn phải chi trả thêm 50% tiền “hoa hồng”, thậm chí nhiều hơn, cho đặc quyền được Mỹ triển khai quân tới đó.

Nếu áp dụng theo công thức có tên gọi “Cost Plus 50” này, trong một số trường hợp, các quốc gia có lính Mỹ đồn trú phải chi trả cao gấp 5-6 lần số tiền mà họ đang phải thanh toán.

Tổng thống Trump đã theo đuổi ý tưởng này trong suốt nhiều tháng. Sự kiên quyết của ông chủ Nhà Trắng gần như phá vỡ các cuộc đàm phán gần đây với Hàn Quốc về sự hiện diện của 28.000 lính Mỹ tại quốc gia Đông Á này.

Chính quyền Trump xem động thái trên là một cách để hối thúc các đồng minh NATO gia tăng chi tiêu quốc phòng, một vấn đề mà ông Trump đã phàn nàn kể từ khi lên nắm quyền. Mặc dù chính ông Trump đã thừa nhận rằng sức ép của ông đã khiến các đồng minh phải tăng hàng tỷ USD chi tiêu quốc phòng, song nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa hài lòng vì cho rằng tốc độ tăng như vậy rất chậm.

“Các nước giàu mà chúng tôi đang bảo vệ cần chú ý. Chúng tôi không phải là những tên ngốc để người khác dắt mũi”, ông Trump nói trong bài phát biểu tại Lầu Năm Góc hôm 17/1.

Lo ngại từ nội bộ Mỹ

Đòi đồng minh gánh mọi chi phí đồn trú kèm “hoa hồng”: Quân cờ rủi ro của ông Trump - 2

Tổng thống Trump phát biểu trước các quân nhân Mỹ (Ảnh: Getty)

 

Các quan chức Mỹ cho biết ý tưởng trên chỉ là một trong số nhiều kế hoạch đang được xem xét khi Washington muốn gây sức ép với các đồng minh để buộc họ chi trả nhiều hơn và có thể sẽ bớt gay gắt hơn trong tương lai.

Tuy vậy, ngay khi vừa mới được hé lộ, ý tưởng của Tổng thống Trump đã gây sốc cho các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ. Họ lo ngại rằng động thái này là sự công kích mạnh mẽ với các đồng minh của Mỹ tại châu Á và châu Âu - những nước vốn hoài nghi về mức độ sâu sắc trong các cam kết của Tổng thống Trump.

Victor Cha, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington, nhận định chính quyền Trump đã gửi một thông điệp có chủ ý khi yêu cầu Hàn Quốc là nước đầu tiên thực hiện công thức “Cost plus 50”.

“Chúng ta hợp tác quân sự với Hàn Quốc nhiều hơn bất kỳ đồng minh nào khác. Gửi thông điệp này cho một đồng minh tuyến đầu của chúng ta thời Chiến tranh Lạnh là tìm cách tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ muốn thay đổi hoàn toàn cách thức chi trả đối với những nước có quân Mỹ đồn trú”, chuyên gia Cha nói.

Một lo ngại khác là ý tưởng của Mỹ sẽ làm dấy lên những tranh cãi tại một số quốc gia về việc liệu họ có cần quân Mỹ đồn trú nữa hay không. Trong khi một số nước như Ba Lan luôn công khai ủng hộ sự hiện diện của quân Mỹ, một bộ phận người dân tại những quốc gia khác như Đức và Nhật Bản từ lâu đã phản đối quân Mỹ đồn trú trên lãnh thổ của họ. Tiếng nói của những nhóm phản đối sẽ được tiếp thêm sức mạnh nếu Mỹ triển khai kế hoạch “Cost plus 50”.

Tổng thống Trump đã cân nhắc ý tưởng yêu cầu các nước trả toàn bộ chi phí kèm thêm 50% “hoa hồng” kể từ khi lên nắm quyền tại Nhà Trắng. Đại sứ của ông Trump tại Liên minh châu Âu Gordon Sondland cho rằng ý tưởng này nhằm đảm bảo các nước đầu tư nhiều hơn vào chi phí phòng vệ.

“Nếu có những nước rõ ràng đủ khả năng chi trả nhưng lại không chịu chi trả vì nghĩ rằng chúng ta (Mỹ) sẽ nhảy vào và chi trả thay cho họ, thì tổng thống phải nhìn ra vấn đề với chuyện đó”, ông Sondland nói.

Các quan chức Lầu Năm Góc được yêu cầu đưa ra hai công thức. Công thức thứ nhất xác định số tiền các nước đồng minh của Mỹ phải chi trả. Công thức thứ hai xác định mức độ giảm giá mà các đồng minh nhận được nếu chính sách của họ phù hợp với Mỹ.

Đức hiện chi trả khoảng 28% chi phí cho sự hiện diện của lính Mỹ tại đây, tương đương 1 tỷ USD/năm. Nếu áp dụng theo công thức “Cost plus 50”, số tiền này sẽ đội lên rất nhiều. Tương tự với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hàn Quốc năm ngoái đã đồng ý chi trả 925 triệu USD cho sự hiện diện của 28.500 lính Mỹ tại đây. Số tiền này đã tăng 8,2% so với năm trước đó, song mới chỉ bằng một nửa so với tổng chi phí thực sự.

Nguy cơ hiểu lầm

Đòi đồng minh gánh mọi chi phí đồn trú kèm “hoa hồng”: Quân cờ rủi ro của ông Trump - 3

Quân đội các nước NATO do Mỹ dẫn đầu tập trận năm 2015. (Ảnh: AP)

 

Trong suốt hàng chục năm qua từ trước khi ông Trump lên nắm quyền, những nhà hoạch định chính sách đối ngoại hàng đầu ở cả hai đảng của Mỹ đều kêu gọi các đồng minh phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với an ninh của họ. Tuy vậy, sau khi ông Trump đưa ra ý tưởng “Cost plus 50”, ngay cả những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ nhất việc chia sẻ gánh nặng chi phí cũng nghi ngờ cách tiếp cận của ông chủ Nhà Trắng.

“Tổng thống Trump đã đúng khi mong muốn các đồng minh của Mỹ phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc phòng vệ tập thể. Tuy vậy, việc đòi hỏi chi phí bảo vệ từ họ là cách làm sai lầm. Các lực lượng vũ trang của chúng ta không phải lính đánh thuê và chúng ta không nên triển khai lính Mỹ vào chỗ nguy hiểm chỉ vì một nước khác đang trả tiền cho chúng ta”, Stephen Walt, học giả quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard, nhận định.

Theo lập luận của những người phản đối, việc Tổng thống Trump đòi các nước đồng minh phải trả tiền cho “đặc quyền” được lính Mỹ đồn trú sẽ dẫn đến hiểu lầm rằng, việc đồn trú này chỉ phục vụ cho lợi ích của các nước sở tại, trong khi chính Mỹ cũng được hưởng lợi từ việc đó.

“Việc đặt ra câu hỏi này càng làm dấy lên những suy diễn sai lầm rằng, các căn cứ của Mỹ chỉ mang lại lợi ích cho những nước sở tại. Sự thật là chúng ta duy trì các căn cứ đó vì chúng nằm trong lợi ích của chúng ta”, Douglas Lute, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, cho biết.

Lấy ví dụ trường hợp của Đức. Mỹ cũng trông cậy vào các căn cứ quan trọng tại Đức, gồm Trung tâm Y tế Khu vực Landstuhl và Căn cứ Không quân Ramstein, để phục vụ cho lợi ích của Mỹ. Trung tâm Landstuhl là cơ sở y tế đẳng cấp thế giới, cấp cứu cho lính Mỹ bị thương tại Iraq và các điểm nóng khác. Trong khi đó, Đức cũng là nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ.

Theo Derek Chollet, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, các căn cứ của Mỹ ở nước ngoài là “một phần thiết yếu trong việc bảo vệ các lợi ích của Mỹ” trên toàn thế giới. Do vậy, việc đòi hỏi các nước sở tại chi trả kinh phí càng khiến Mỹ “chuốc họa vào thân”. Ivo Daadler, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, nói đề xuất của Tổng thống Trump là vô lý và biến quân đội Mỹ thành lính đánh thuê.

Quân đội Mỹ có khoảng 600 căn cứ bên ngoài lãnh thổ tính đến năm 2013 với gần 200.000 quân ở nước ngoài tính đến năm 2017. Mỹ hiện chi cho quân sự nhiều hơn 12 nước kế tiếp cộng lại. Ngân sách quân sự của Mỹ năm 2019 là 716 tỷ USD và con số này dự tính tăng lên 750 tỷ USD vào năm 2020. Trong khi đó, nợ công của Mỹ đã vượt mức 22.000 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng lên.

Thành Đạt

Theo Washington Post, Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm