Đời dâu Việt ở Đài Loan
Nhìn từ ngoài phố, hàng phở của Tsai Huang-jin chẳng có gì hấp dẫn: bàn ghế bằng sắt, lọ gia vị cáu bẩn, cái quạt quay quay phả mùi gà vịt và khói xe qua lại. Nhưng với nhiều phụ nữ Việt ở thị trấn nhỏ Shihding, đây là nơi họ đến để nhớ hương vị quê nhà.
Họ tới để uống tách cà phê đen hay nâu đá, sau khi lót dạ bát phở bốc hơi nghi ngút. Quán ăn là chỗ để các bà vợ Việt ở Đài Loan thư giãn và chia sẻ những câu chuyện về chồng và nhà chồng, về cuộc sống mới của mình, trước khi quay về nhà làm các công việc quen thuộc: nấu nướng, lau nhà và chăm sóc bố mẹ chồng.
Hơn chục năm qua, 187 đàn ông làng Shihding (làng có 7.800 người) đã mang về đây những cô dâu ngoại. Họ góp một phần tạo nên làn sóng lấy vợ nước ngoài ở Đài Loan, do đàn ông không kiếm được vợ nội. Đối với những cô dâu, lấy chồng Đài và sinh con trong một xã hội giàu có và thiếu trẻ con như thế là một trong những cách thoát cái nghèo ở quê. Nhưng họ cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, từ việc bị cô lập tới lạm dụng.
Năm ngoái, cứ 5 cuộc hôn nhân ở Đài Loan thì có một có dâu/rể ngoại. Hầu hết cô dâu đến từ Trung Quốc đại lục, Việt Nam và các nước Đông Nam Á, lấy chồng qua môi giới. Tại Đài Loan có hàng chục hàng lữ hành mời chào đàn ông đi nước ngoài kiếm vợ; thỏa thuận hôn nhân có thể đạt được rất chóng vánh. Kể từ năm 1987, Đài Loan đã đăng ký cho hơn 370.000 cuộc hôn nhân với người nước ngoài, và phần đóng góp của các cặp này giúp tăng gấp đôi tỷ lệ sinh ở hòn đảo trong 5 năm qua.
"Theo truyền thống văn hóa Đài Loan, người đàn ông có trách nhiệm duy trì nòi giống gia tộc", Ke Yu-ling, giám đốc Pearl S. Buck Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp các cô dâu và trẻ em ngoại, cho biết. "Họ nhất thiết phải có con, vì thế khi đến tuổi 30 hay 40, họ phải chịu áp lực ghê gớm và lối thoát có thể là đi tìm một cô vợ ngoại".
Nằm giữa những dãy núi nhấp nhô, cách Đài Bắc độ nửa giờ đi xe, Shihding là một thị trấn nhỏ gồm nhiều căn nhà thấp bằng bê tông. Xưa kia từng là khu khai thác than, giờ khu vực này chỉ chuyên làm nông nghiệp, trên các thửa ruộng dốc chủ yếu trồng chè xanh. Nhịp sống ở Shihding thật chậm rãi, truyền thống rất được coi trọng.
Bên trong quán phở, Tsai kể lại chuyện anh đã gặp vợ - cô Trần Kiều Thanh Thúy - nhờ chuyến đi sang Việt Nam. Bảy năm đã qua, họ có 3 đứa con đang ở cùng với đại gia đình nhà anh, ngôi nhà nằm ngay đối diện quán phở. Tsai cho biết anh đến Việt Nam vì không thể tìm được vợ ở Đài Loan.
"Phụ nữ ở Đài Loan này khó tính lắm", Tsai nói. "Còn lâu họ mới chăm sóc cha mẹ già của tôi. Ở Việt Nam hiện giờ, truyền thống vẫn được coi trọng, giống như ở Đài Loan những năm 60 của thế kỷ trước".
Mấy thập kỷ nay, nền kinh tế phát triển mạnh của Đài Loan đã thu hút lực lượng ngày càng đông đảo lao động nữ - những người ngày càng có học cao và khẳng định bản thân, đặc biệt là trong quan hệ với nam giới. Các cô gái trẻ ít quan tâm đến chuyện lấy chồng, tuổi trung bình của cô dâu Đài hiện nay là 29, và cũng không muốn đẻ nhiều con. Tỷ lệ sinh tính trên mỗi phụ nữ ở hòn đảo này thuộc loại thấp nhất thế giới: 1,2 con.
Và thế là ngày càng ít phụ nữ muốn lấy chồng và ở trong các đại gia đình truyền thống ở nông thôn. Đàn ông vì thế phải ra nước ngoài tìm cho mình một cô dâu về trông nom nhà cửa và sinh con đẻ cái.
"Phụ nữ Đài Loan ngày nay học cao và có nghề nghiệp tốt", Tsai Chao-lan, một bà mối ở Đài Bắc, nhận xét. "Họ đề ra những tiêu chuẩn chọn chồng rất cao, và tôi cho là đàn ông khó mà chạy theo những điều đó được".
Những năm 90, các ông bà mối đã nối duyên cho hàng chục nghìn cô gái nước ngoài lấy đàn ông Đài Loan. Tuy nhiên những tin tức về việc một số phụ nữ Việt bị bán vào nhà chứa khiến giới chức hòn đảo này xiết chặt các quy định về chiếu khán. Bà Tsai từng ghép được 40 đến 50 đôi mỗi tháng, nhưng giờ đã chuyển địa bàn làm ăn sang Trung Quốc đại lục.
Cú sốc
Khi đặt chân đến Đài Loan, ban đầu các cô dâu mới thường vấp phải cú sốc về văn hóa, cách cư xử trong gia đình, sự cô đơn trong xã hội cùng với nỗi nhớ nhà. Một số cô cố gắng vật lộn để có tiền gửi về nhà, và chuyện này thường bị các ông chồng - vốn là người quản lý túi tiền gia đình - phản đối.
Hoàng Vũ Tuyết đến Đài Bắc năm 2000, chồng cô là công nhân nhà máy. Cô nhanh chóng cảm nhận được mức độ nanh ác trong miệng lưỡi của mẹ chồng. Nấu ăn hay giặt giũ thế nào cũng bị mẹ chồng chê, nhà chồng chằm chặp bênh ông con trai duy nhất là chồng Tuyết, cô cảm thấy cô đơn, lạc lõng nhớ không khí đầm ấm và lối sống giản dị ở Việt Nam.
"Năm đầu tiên với tôi thật cơ cực, rất khó để thích nghi. Ở Việt Nam, phụ nữ rất độc lập. Chúng tôi không bị buộc phải chăm chăm phục dịch đàn ông", cô nói.
Sau khi được một linh mục người Việt tư vấn, Tuyết quyết định ở lại lâu dài ở Đài Loan. Ba năm trước, cô cho chào đời hai bé sinh đôi, nhưng theo lời Tuyết, thì bà mẹ chồng chỉ chăm sóc cháu trai mà không ngó đến cháu gái.
Mâu thuẫn giữa cô dâu ngọai và đại gia đình chồng là điều phổ biến, một phần do rào cản ngôn ngữ. Theo một thống kê ở Đài Loan, có tới 40% số cuộc hôn nhân ngoại tan vỡ trong 5 năm đầu tiên. Chính quyền các địa phương vì thế đã mở các lớp dạy Hán ngữ miễn phí cho những người nhập cư không biết tiếng. Ở một số nơi, đường dây nóng dành cho các cô dâu bị xâm hại được thiết lập, cung cấp dịch vụ tư vấn cho người muốn ly hôn, hoặc giúp họ thích nghi với văn hóa sở tại. Chính quyền Đài Loan còn mở các lớp giáo dục kiến thức cho bà mẹ mang thai, bởi họ muốn đảm bảo rằng các em bé được chăm sóc chu đáo.
"Các bé là con cháu của Đài Loan, là tương lai của chúng tôi", Hsieh Ai-ling, đứng đầu cơ quan dân số của hòn đảo, tuyên bố.
Có không ít những người may mắn như Dương Nghinh Bảo, cô sống một cuộc đời dâu ngoại vừa ý. Bảo gặp chồng - anh Hsu Shu-tien - tại đám cưới của một người bạn. Hsu lúc đó không định đi kiếm vợ, nhưng trước đó anh từng thử cưa cẩm nhiều phụ nữ Đài Loan mà "không đi đến đâu cả".
Hai người tìm hiểu nhau 7 tháng trước khi cưới, họ đã có hai con và đang sống ngay bên trên quán trà của anh ở thị trấn Shihding.
"Tôi có một cảm giác đặc biệt khi đặt chân đến sân bay Đài Bắc", cô Bảo nói. "Tôi biết rằng tôi sẽ thích nghi với cuộc sống mới ở đây".
Tuy nhiên nhiều cô khác không có được câu chuyện lãng mạn như Bảo. Nhiều gia đình có dâu ngoại ở Shihding thậm chí không cho các cô bước chân khỏi nhà, vì sợ họ chạy trốn.
Bên trong một cửa hàng nhộn nhạo ở rìa thị trấn, Mộng Thúy nhớ lại buổi gặp chồng qua môi giới ở thành phố Hồ Chí Minh. Họ làm đám cưới chóng vánh ngay trong tuần, bất chấp việc cha Thúy phản đối. Thúy có hai bạn gái đã đi lấy chồng Đài, và cô đồ rằng đấy là cách để thoát cảnh nghèo túng.
"Tôi chỉ nghĩ thế này, tôi sống có một lần, tại sao lại không cho mình cơ hội", Thúy nói.
Chuyến đi máy bay đầu tiên trong đời đưa cô đến sân bay quốc tế Đài Bắc, và sau đó là thị trấn Shihding. "Trên đường đi, tôi nghĩ Ồ không, ở đây thật kinh khủng, hình như không phải ở đây", Thúy kể mà nước mắt chực trào ra.
Khi đó ở thị trấn này mới chỉ có ít người Việt Nam, Thúy cảm thấy cô độc và bị nhà chồng ghét. Mối quan hệ căng thẳng thêm khi cô không thể mang thai.
Giờ đây, Thúy tìm niềm an ủi từ những cô bạn người Việt, họ thường tụ tập để hát karaoke và nấu những món yêu thích. Thúy không còn nuôi nhiều ảo tưởng về cuộc hôn nhân không tình yêu của mình.
"Tôi muốn chạy trốn, nhưng không thể", cô thì thào.
Theo T. Huyền
Vnexpress/Christian Science Monitor