Độc đáo cách công ty Nhật đuổi nhân viên làm thêm giờ về nhà
(Dân trí) - Một doanh nghiệp tại Nhật Bản đã lên kế hoạch sử dụng máy bay không người lái có khả năng phát ra tiếng nhạc để buộc các nhân viên làm việc thêm giờ phải trở về nhà trước khi quá muộn.
BBC dẫn nguồn tin từ truyền thông Nhật Bản cho biết công ty Taisei chuyên cung cấp dịch vụ an ninh và vệ sinh văn phòng sẽ phát triển một thiết bị đặc biệt với sự trợ giúp của nhà sản xuất máy bay không người lái Blue Innovation và công ty viễn thông NTT East. Thiết bị này là một máy bay không người lái mang tên T-Frend, có khả năng phát bản nhạc Auld Lang Syne - một giai điệu có từ thế kỷ 18 của Scotland. Tại Nhật Bản, Auld Lang Syne thường được sử dụng để nhắc nhở những người khách mua hàng tại các cửa hàng rằng sắp đến giờ đóng cửa.
Sau khi được lập trình, T-Frend có khả năng cất cánh xuyên suốt các văn phòng, sử dụng bộ phận cảm biến để phát hiện các bức tường cũng như chướng ngại vật trong khi vẫn giữ độ cao nhất định để tránh bị giấy cuốn vào cánh quạt. T-Frend sẽ bay lòng vòng trên không trung kết hợp phát giai điệu Auld Lang Syne đặc trưng để báo động cho các nhân viên đang cố làm thêm giờ, buộc họ phải đứng dậy về nhà trước khi quá muộn.
“Bạn không thể tập trung làm việc khi bạn nghĩ rằng “máy bay đó có thể tới chỗ mình bất kỳ lúc nào” và phải nghe giai điệu Auld Lang Syne cùng với những tiếng vo ve”, Giám đốc của Taisei, ông Norihiro Kato, nói với AFP.
Máy bay không người lái T-Frend được trang bị camera có khả năng ghi hình và lưu trữ vào thẻ nhớ. Thiết bị này cũng có khả năng nhận diện vị trí so với sàn nhà mà không cần dùng tới bộ phận định vị. Công ty Taisei dự kiến sẽ bắt đầu triển khai T-Frend vào tháng 4 năm sau. Chi phí cho dịch vụ này vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng mức giá được cho vào khoảng 500.000 yen (4.500 USD)/tháng.
Xu hướng làm thêm giờ tại Nhật Bản bắt nguồn từ những năm hậu chiến khi người lao động cố gắng tìm cách gia tăng thu nhập lên mức cao nhất có thể. Sau đó, xu hướng này tiếp tục tiếp tục được duy trì ngay cả khi nền kinh tế phát triển chậm lại vì người lao động không muốn bị coi là chểnh mảng công việc trong bối cảnh họ có thể bị mất việc bất kỳ lúc nào. Tại Nhật Bản, có một cụm từ để chỉ riêng cho những trường hợp làm việc tới chết là “karoshi”.
Sách Trắng karoshi thường niên thứ 2 của Nhật Bản công bố hồi tháng 10 cho thấy có 191 trường hợp tự tử và tìm cách tự tử do áp lực công việc trong một năm tài khóa, tính đến tháng 3/2017. Con số này cao gấp đôi so với năm tài khóa trước đó. Ngoài ra, Sách Trắng karoshi cũng ghi nhận 498 trường hợp mắc các chứng bệnh rối loạn tâm thần liên quan tới công việc như trầm cảm. Tính từ tháng 1/2010 đến tháng 3/2015, có tổng cộng 368 trường hợp tự tử, bao gồm 352 nam giới và 16 phụ nữ, do vấn đề karoshi.
Với nỗ lực ngăn chặn xu hướng làm việc quá sức, chính phủ Nhật Bản hồi tháng 5 lần đầu tiên công bố danh sách 300 công ty vi phạm luật lao động trên toàn quốc. Trước đó, chính phủ cũng kêu gọi thực hiện chiến dịch Premium Friday từ hồi tháng 2, trong đó khuyến khích các công ty cho phép nhân viên rời khỏi văn phòng từ 3 giờ chiều trong ngày thứ 6 cuối cùng của mỗi tháng.
Thành Đạt
Tổng hợp