1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đoạn kết về bức ảnh anh bộ đội trên Bức tường Việt Nam ở Mỹ

Câu chuyện về <a href="http://dantri.com.vn/Thegioi/2005/9/78001.vip">bức ảnh anh bộ đội</a> bên Tượng đài tưởng niệm cựu binh chiến tranh Việt Nam tại Washington D.C có một hồi kết rất cảm động. Người ta đã tìm được tông tích anh bộ đội cùng cô con gái nhỏ trong ảnh cũng như người lính Mỹ gìn giữ bức ảnh trong nhiều thập niên sau chiến tranh...

Năm 1967, Rich Luttrell, 17 tuổi, ở bang Illi-nois quyết định chạy trốn cảnh nghèo bằng cách đi quân dịch. Gia nhập Sư đoàn Không kỵ 101, Rich Luttrell trải qua khóa huấn luyện nghiêm ngặt trước khi được điều sang chiến trường Việt Nam. Dù được huấn luyện đủ kỹ thuật chiến đấu, Luttrell vẫn không thể hình dung chiến trường Việt Nam khốc liệt như thế nào. Một ngày nọ, tất cả mọi chuyện thay đổi.

 

Đó là một ngày oi bức, như thường lệ, giống như mặc áo len trong phòng xông hơi. Rich Luttrell không hề biết kẻ thù chỉ cách vài mét. “Qua góc nhìn, tôi thấy chuyển động” – Luttrell thuật lại – “Tôi thấy một bộ đội Bắc Việt ôm khẩu AK47 ngồi xổm”. Đó là lần đầu tiên Luttrell thấy một người lính Bắc Việt. Đột nhiên, Luttrell bủn rủn tay chân, người lạnh toát và xoay mình để nhìn rõ người lính Việt Nam. Dường như cả hai nhìn nhau trong một lúc rất lâu. Thế rồi, theo bản năng, Rich Luttrell bóp cò. Anh bộ đội ngã gục...

 

Rich Luttrell trở về Mỹ và lập gia đình. Thập niên 70, nước Mỹ bắt đầu thay đổi, Rich Luttrell cũng vậy. Luttrell cố quên Việt Nam nhưng không thể quên cô bé gái chụp chung với người bị anh giết năm xưa trong tấm ảnh mà Luttrell luôn mang trong ví. Tất cả nỗi kinh hoàng chiến trường và gương mặt bé gái tiếp tục ám ảnh anh. Bức ảnh nhẹ tênh nhưng nó làm trĩu nặng tâm hồn Luttrell. Năm 1989, Luttrell và vợ (Carole) đến viếng Tượng đài tưởng niệm cựu binh chiến tranh Việt Nam tại Washington D.C.

 

Luttrell quyết định để lại tấm ảnh bên tượng đài. Ngồi trong khách sạn, Luttrell hí hoáy viết vào mảnh giấy nhỏ: “Thưa anh, trong 22 năm, tôi đã mang bức ảnh của anh trong ví. Hôm đó, tôi mới 18 tuổi, vào cái ngày mà chúng ta mặt đối mặt trên con đường mòn tại Chu Lai. Hãy tha thứ cho việc tôi cướp đi mạng sống của anh. Rất nhiều lần trong suốt những năm qua, tôi cứ nhìn trừng trừng vào bức ảnh anh và cô con gái của anh – tôi đoán vậy. Mỗi lần như thế, tim gan tôi như bị thiêu cháy bởi nỗi đau tội lỗi. Hãy tha thứ cho tôi, kính thưa anh”. Hôm sau, Luttrell đặt tấm ảnh cùng bức thư tại tượng đài. “Đó là lời chào cuối cùng dành cho anh ấy. Anh ấy đã chết vì chiến đấu cho niềm tin. Đó là cách bày tỏ sự kính trọng anh ấy” – Rich Luttrell nói. Luttrell cảm thấy nhẹ nhõm tâm hồn. Tất cả đã qua. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn còn tiếp tục.

 

Ngày nọ, Duery Felton – người quản lý kỷ vật tại tượng đài – đã rùng mình xúc động khi thấy bức ảnh anh bộ đội Việt Nam cùng bức thư Rich Luttrell. Cô gái nhỏ trong ảnh ám ảnh Duery Felton. Khi một nhà xuất bản đề nghị in cuốn sách về kỷ vật tượng đài tưởng niệm, Duery Felton quyết định đưa tấm ảnh vào quyển sách. Thế rồi quyển sách xuất hiện tại văn phòng của Ron Stephens - hạ nghị sĩ bang Illinois.

 

Lật lướt, Stephens đột nhiên dừng lại ở bức ảnh anh bộ đội. Stephens bàng hoàng. “Tôi biết người lính (Việt Nam) đó. Tôi biết bức ảnh đó!” – Stephens kể. Làm thế nào Stephens biết được? Chưa bao giờ xem bức ảnh trước đó nhưng Stephens từng nghe bạn thân mình, Rich Luttrell, kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần. Hôm đó, năm 1996, 7 năm sau khi Luttrell từ biệt bức ảnh, khoảng 10 giờ sáng, Stephens hối hả đánh xe đến văn phòng của Luttrell. Cắt ngang cuộc họp trong phòng, Stephens yêu cầu Luttrell xem cuốn sách. “Tôi lật trang 53, thấy bức ảnh mình bỏ lại ở tượng đài cùng bức thư viết cho người lính” – Luttrell kể – “Tôi cảm thấy như tìm lại được thứ gì đó bị thất lạc lâu nay. Không thể kìm nổi, tôi bật khóc!”. Cô gái nhỏ trong ảnh vẫn nhìn trừng trừng Luttrell, nhất định không chịu bỏ đi, dường như cô buộc tội Luttrell đang cố vất bỏ mình. Lần này, Luttrell quyết định bằng giá nào cũng phải tìm được cô gái...

 

Được tha thứ

 

 

Đoạn kết về bức ảnh anh bộ đội trên Bức tường Việt Nam ở Mỹ - 1
 

Luttrell

Gọi phóng viên tờ St. Louis Post Dispatch đến, Luttrell kể lại toàn bộ câu chuyện (bài báo đăng trang nhất). Tiếp đó, Luttrell gửi bài báo và một lá thư đến Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C. “Tôi giải thích với ông ấy (đại sứ Việt Nam) rằng mình muốn được giúp tìm ra cô gái trong ảnh cũng như thân nhân anh bộ đội. Rồi, câu chuyện Rich Luttrell cùng tấm ảnh anh bộ đội được đăng trên một tờ báo Việt Nam, cùng hàng thông tin “Có ai biết những người này (trong ảnh) không?”.

 

Ngày kia, một người con tình cờ dùng tờ báo có tấm ảnh anh bộ đội gói hàng gửi cho mẹ ở quê. Khi nhận được quà từ Hà Nội, bà cụ bất ngờ thấy tấm ảnh. Bà thảng thốt, bởi bà biết anh bộ đội ấy. Lật đật đến ngôi làng nhỏ gần bên và gặp hai anh em nọ, bà cụ la lên: “Này, này, bố chúng mày đây này!”. Cách đó hàng ngàn dặm, Rich Luttrell chờ tin trong tâm trạng sốt ruột. Vài tuần sau, có thư từ Đại sứ quán Việt Nam cho biết có một người tên Nguyễn Văn Huê (hoặc Huệ) tin rằng nhân vật trong ảnh là bố và cô gái nhỏ chính là em mình (tên Lan).

 

Bồn chồn muốn sang Việt Nam gặp gia đình Lan, Luttrell không biết gia đình người lính bộ đội năm xưa đối xử với mình như thế nào, người đã giết cha họ. Ngày nọ, Luttrell nhận được một lá thư nữa từ Việt Nam. Thư viết: “Thưa ông, người con gái mà ông quan tâm, qua bức ảnh, trong hơn 30 năm, bây giờ đã trưởng thành. Cô ấy đã trải qua thời niên thiếu trong đau khổ vì nhớ cha. Tôi (Lan) hy vọng ông sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình tôi”. Quá bất ngờ, Luttrell không thể tin Lan đã tha thứ cho ông. Luttrell quyết định gặp trực tiếp gia đình Lan.

 

Một sáng thứ tư tại Hà Nội. Trời mây mù. Mưa tầm tã. Luttrell lo suốt chặng đường 2 tiếng rưỡi đến ngôi làng gia đình Lan. Xe dừng, Luttrell bước xuống đi bộ. Ông thấy một phụ nữ đang chờ. Luttrell bước lại. Trong vài giây, họ không biết nói gì. Lúng túng, Luttrell nói câu tiếng Việt học thuộc từ trước: “Hôm nay, chú trả lại bức ảnh của cháu và bố cháu mà chú đã cất trong 33 năm. Xin tha thứ cho chú”.

 

Bất ngờ, Lan ôm chầm Luttrell và khóc nức nở. Bây giờ đã 40 tuổi, lần đầu tiên Lan mới cầm được tấm ảnh chụp mình và bố. Đó cũng là tấm ảnh duy nhất của anh bộ đội Nguyễn Trọng Ngoan (hoặc Ngoạn) mà 2 con của anh có được. Lan và Huê đặt tấm ảnh lên bàn thờ. Luttrell đứng bên, chắp tay vái và thắp nén nhang cho người lính mà mình luôn kính phục. Nỗi dằn vặt hơn 3 thập niên của một cựu binh Mỹ cuối cùng đến giây phút này mới thật sự được giải thoát.

 

Theo Kim Nguyên

Người lao động/NBC News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm