Đô đốc Mỹ: NATO đang tìm cách giết Gadhafi
(Dân trí) - Một đô đốc hàng đầu của Mỹ tham gia cuộc chiến tại Libya đã nói với một nghị sĩ nước này rằng NATO đang tìm cách giết nhà lãnh đạo Gadhafi và rằng sự cần thiết của hành động quân sự trên bộ sau khi Gadhafi sụp đổ là điều có thể nhìn thấy trước.
Nghị sĩ Mike Turner, thành viên Ủy ban quân vụ Hạ viện, nói với tờ The Cable rằng Đô đốc Hải quân Mỹ Samuel J. Locklear, tư lệnh sở chỉ huy liên quân của NATO đặt tại Naples, Italia, đã nói với ông hồi tháng trước rằng các lực lượng NATO đang nhắm tới và muốn giết Gadhafi, bất chấp việc chính quyền Obama khăng khăng rằng “sự thay đổi chế độ” không phải là mục tiêu và không được phép theo nghị quyết của Liên hợp quốc.
“Nghị quyết của Liên hợp quốc có 3 nội dung: phong tỏa, vùng cấm bay và bảo vệ dân thường. Và Đô đốc Locklear đã giải thích rằng quy mô của sự bảo vệ dân thường đang được hiểu là cho phép loại bỏ bộ chỉ huy của quân đội Libya, trong đó có cả Gadhafi”, ông Tuner cho biết.
“Ông ấy nói rằng hiện thời đó là sứ mệnh mà NATO đã xác định”, nghị sĩ Tuner nói thêm.
“Tôi tin rằng chúng ta đang nhắm vào Gadhafi nhưng tuyên bố của ông Locklear đã xác nhận điều đó. Tôi tin rằng quy mô mà NATO đang theo đuổi đã vượt ra khỏi cái được gọi là bảo vệ dân thường, vì thế họ đang đi quá xa so với sứ mệnh”.
Ông Turner cho biết thêm, Đô đốc Locklear khẳng định rằng sứ mệnh của NATO không bao gồm việc thay đổi chế độ. “Rõ ràng nếu ông loại bỏ Gadhafi, điều đó sẽ ảnh hưởng tới sự thay đổi chế độ”, ông Tuner đáp. “Ông Locklear sau đó không có câu trả lời”.
Cũng theo lời ông Turner, Đô đốc Locklear nói các binh sĩ trên bộ có thể cần thiết trong giai đoạn bất ổn tạm thời. Trên thực tế, ông Locklear từng tuyên bố công khai tại một hội nghị ngày 30/5 ở Varna, Bulgaria rằng một “lực lượng nhỏ” là cần thiết sau khi chế độ Gadhafi sụp đổ.
Nghị sĩ Turner, người đã phản đối cuộc chiến Libya ngay từ đầu, hôm qua đã bỏ phiếu chống lại việc cho phép Mỹ tiếp tục tham dự vào chiến dịch quân sự do NATO đứng đầu tại Libya.
Ông Tuner đã chỉ trích cái mà ông miêu tả là sự phớt lờ của chính quyền Obama đối với Quốc hội trong suốt chiến dịch tại Libya.
Vai trò của Mỹ trong sứ mệnh tại Libya đã gấp phải sự chỉ trích của nhiều người tại Quốc hội trong những tuần gần đây.
Những người chỉ trích cho rằng chiến dịch quân sự kéo dài 3 tháng cần sự phê chuẩn của quốc hội nhưng Tổng thống Obama đã không làm như vậy.
Một số người cáo buộc Tổng thống Obama vi phạm Nghị quyết về chiến tranh năm 1973, trong đó đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Quốc hội khi quân đội Mỹ tham gia vào các hành động thù địch.
Tuy nhiên, ông Obama nói rằng chiến dịch kéo dài 3 tháng ở Libya không cấu thành “các hoạt động thù địch” vì vậy sự chấp thuận của Quốc hội là không cần thiết.
An Bình
Theo Foreign Policy