1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Định hình cho tương lai

Ngày 8-6, cử tri nước Anh sẽ đi bỏ phiếu cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, sớm hơn ba năm so với kế hoạch. Đây được xem là phép thử đối với Đảng Bảo thủ cầm quyền và nữ Thủ tướng Anh Theresa May, đồng thời định hình tương lai của xứ sở sương mù trong những năm tới đây.

Uy tín của Đảng Bảo thủ và Thủ tướng Theresa May đã tăng mạnh sau khi Anh chính thức kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon để bắt đầu đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Tận dụng tình thế thuận lợi này, ngày 18-4, Thủ tướng Theresa May đã kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 8-6. Một nước cờ khôn khéo của nữ Thủ tướng Anh nhằm gia tăng quyền lực cho mình trước khi bước vào giai đoạn đàm phán khó khăn trước mắt với EU về Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May gặp những người ủng hộ trong chiến dịch tranh cử ở Newcastle ngày 12-5. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Anh Theresa May gặp những người ủng hộ trong chiến dịch tranh cử ở Newcastle ngày 12-5. Ảnh: TTXVN

Cho tới nay, Thủ tướng Theresa May và Đảng Bảo thủ vẫn giữ nguyên quan điểm cứng rắn với vấn đề đàm phán Brexit “thà không có thỏa thuận nào còn hơn là một thỏa thuận tồi”. Bà Theresa May nhấn mạnh rằng, rời EU và có được một Brexit êm đẹp, Anh có thể trở thành một “quốc gia thương mại toàn cầu lớn”, mạnh hơn, công bằng và thịnh vượng hơn, một nước Anh tự tin, thống nhất và an ninh hơn.

Trái với quan điểm cứng rắn của bà Theresa May, ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng lại đánh giá cao vai trò quan trọng của EU đối với kinh tế Anh nên theo ông, không có chuyện "không có thỏa thuận với EU". Mục tiêu mà Công đảng hướng tới là có thỏa thuận thương mại với EU một cách hợp lý nhất.

Không chỉ khác biệt trong quan điểm về đàm phán Brexit với EU, các đảng phái chính trị của Anh còn có chính sách khác nhau liên quan tới các vấn đề như: An sinh xã hội, nhập cư, làm thế nào để nước Anh được an toàn hơn.

Tuy nhiên, ba vụ tấn công khủng bố đẫm máu liên tiếp diễn ra trong vòng ba tháng qua ở Anh làm 34 người chết và hàng trăm người bị thương đã “phủ bóng đen” lên những nỗ lực của Đảng Bảo thủ cầm quyền và tác động không nhỏ đến chính trường Anh trước thềm tổng tuyển cử.

Hiện nay, mọi kịch bản Brexit mà chính đảng cầm quyền ở Anh theo đuổi trong hai năm tới đều ưu tiên bảo vệ nước Anh trước “bóng ma” khủng bố vốn đang gieo rắc nỗi kinh hoàng trên toàn châu Âu.

Trong chiến dịch tranh cử, Thủ tướng Theresa May cam kết thắt chặt kiểm soát việc di chuyển tự do của những đối tượng có thể gây ra các hành động khủng bố. Bà tuyên bố sẽ tìm kiếm biện pháp có thể trục xuất những đối tượng này, đồng thời tăng cường kiểm soát những kẻ cực đoan có thể trở thành mối đe dọa, song chính quyền lại không có đủ bằng chứng để buộc tội những kẻ này tại tòa án.

Thậm chí, bà tuyên bố sẵn sàng sửa đổi luật nhân quyền để có thể làm được điều này, đồng thời tăng cường các biện pháp điều tra và ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, gọi tắt là TPIM.

Tuy nhiên, cử tri xứ sở sương mù vẫn chưa thể tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của Thủ tướng Theresa May và Đảng Bảo thủ trong việc duy trì an ninh khi mà nước Anh liên tục “báo động đỏ” về khủng bố. Nhiều người cho rằng, chính quyết định Brexit đang đẩy nước Anh vào thế phải “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến ngăn chặn khủng bố.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao càng gần đến ngày tổng tuyển cử, tỷ lệ ủng hộ Đảng Bảo thủ và Thủ tướng Theresa May càng bị sụt giảm đáng kể.

Mục tiêu của Thủ tướng Theresa May khi kêu gọi bầu cử sớm là củng cố quyền lực của cá nhân cũng như của Đảng Bảo thủ trước thềm cuộc đàm phán quan trọng với EU. Tuy nhiên, với tình hình thực tế ở Anh hiện nay, việc Đảng Bảo thủ thắng lớn tại cuộc tổng tuyển cử ngày 8-6 là chuyện không dễ như dự tính ban đầu.

Mặc dù trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương hồi đầu tháng 5, vốn được coi là “phép thử” trước cuộc tổng tuyển cử này, Đảng Bảo thủ đã chiến thắng vang dội, song loạt vụ khủng bố liên tiếp vừa qua đang khiến khoảng cách giữa Đảng Bảo thủ và Công đảng dần thu hẹp.

Theo kết quả thăm dò dư luận do hãng YouGov công bố ngày 6-6, Đảng Bảo thủ cầm quyền có khả năng chỉ giành được 304 ghế Quốc hội Anh trong cuộc bầu cử ngày 8-6, tức là thiếu 22 ghế để đạt được đa số quá bán 326/650 ghế cần thiết.

Trong khi đó, Công đảng đối lập có thể sẽ giành được 266 ghế, giảm 2 ghế so với kết quả thăm dò dư luận công bố trước đó một ngày.

Kết quả các cuộc thăm dò chỉ là hình thức để tham khảo. Nếu thuận lợi, kết quả cuộc bầu cử sẽ giúp Đảng Bảo thủ và Thủ tướng Theresa May giành thế chủ động trên bàn đàm phán với EU trong tiến trình Brexit. Ngược lại, nếu không giành được đa số quá bán trong Quốc hội, vị thế của Thủ tướng Anh sẽ bị suy yếu, đồng thời đẩy nước Anh vào hỗn loạn chính trị.

Bà Theresa May sẽ buộc phải đi tới thỏa thuận với các đảng khác để tiếp tục lãnh đạo một chính phủ liên minh hoặc chính phủ thiểu số. Việc này sẽ gây hậu quả bất ổn đối với nền kinh tế Anh cũng như các chính sách của chính phủ về mọi vấn đề, từ chi tiêu của chính phủ, thuế công ty tới việc phát hành trái phiếu.

Điều chắc chắn là dù đảng nào giành thắng lợi trong tổng tuyển cử này thì nước Anh vẫn sẽ rời EU. Một nước Anh thịnh vượng hay không, tương lai của xứ sở sương mù như thế nào sẽ được định hình sau cuộc tổng tuyển cử ngày hôm nay.

Theo Linh Oanh

Quân đội nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm