Điều gì xảy ra sau "địa chấn" bầu cử ở Thái Lan?
(Dân trí) - Sau hai vòng bỏ phiếu, quốc hội Thái Lan vẫn chưa thể bầu ra thủ tướng mới dù chỉ có duy nhất ứng viên của đảng Tiến bước.
Hy vọng trở thành tân thủ tướng Thái Lan của ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến bước, đã tiêu tan khi quốc hội không chấp nhận việc ông được tái đề cử ứng viên.
Sau khi giành được 151 ghế trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5, đảng Tiến bước của ông Pita đã thành lập một liên minh 8 đảng, bao gồm cả đảng giành được sự ủng hộ lớn trước đó là Pheu Thai. Tổng số ghế của liên minh này trong hạ viện theo đó tăng lên 312. Liên minh cũng đã ký kết một biên bản ghi nhớ chung, vạch ra gần 20 bước để định hình lại tương lai chính trị của Thái Lan.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với ông Pita và đảng Tiến bước là nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ và thượng nghị sĩ đối với chương trình cải cách luật khi quân, một trong những cam kết chính đưa ra trong chiến dịch tranh cử của đảng này.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha ngày 19/7 cho biết, theo quy định của quốc hội, tư cách ứng viên thủ tướng của ông Pita không được chấp nhận trong vòng bỏ phiếu lần hai.
Trong lần bỏ phiếu đầu tiên hôm 13/7, ông Pita không đạt được số phiếu tối thiểu để trở thành thủ tướng. Bản thân ông Pita cũng đang phải đối mặt với những rắc rối pháp lý trong đó có vụ kiện vi phạm luật bầu cử. Chính trị gia 42 tuổi này bị cho là không khai báo việc sở hữu 42.000 cổ phiếu trong một công ty truyền thông.
Cơ hội cho Pheu Thai
Với việc Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayut Chan-ocha rút lui khỏi chính trường và ông Pita thất bại trong nỗ lực tranh cử thủ tướng, đảng Pheu Thai có thể có cơ hội đề cử ứng viên của họ lên quốc hội.
"Ông Pita đã phát tín hiệu rằng ông và đảng Tiến bước sẽ sẵn sàng nhường chỗ cho đảng Pheu Thai nếu ông không giành đủ phiếu bầu", Thitinan Pongsudhirak, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, nói.
Vào ngày 17/7, trước khi cuộc bỏ phiếu lần hai với ông Pita diễn ra, Bangkok Post dẫn lời Phó Chủ tịch đảng Pheu Thai Phumtham Wechayachai cho biết, nếu ông Pita thất bại thêm lần nữa, đảng Pheu Thai sẽ đứng ra dẫn đầu việc thành lập chính phủ mới.
Dự kiến, quốc hội Thái Lan sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 27/7 tới để bầu thủ tướng. Giới chính trị gia nước này trước đó cảnh báo, tân thủ tướng có thể chỉ xác định được sau nhiều lần bỏ phiếu.
Các ứng viên mới
Đối với những người bảo thủ và trung thành với quân đội trong quốc hội, Pheu Thai được coi là một lựa chọn hấp dẫn hơn đảng Tiến bước.
Paetongtarn Shinawatra và Srettha Thavisin là hai trong số những ứng viên tiềm năng của đảng Pheu Thai cho vị trí thủ tướng Thái Lan.
Paetongtarn là con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đã thành lập đảng Pheu Thai vào năm 2007. Bà hiểu rõ rằng, các đảng chính trị ở Thái Lan chưa chắc đã thành lập được chính phủ ngay cả khi họ giành được nhiều ghế nhất trong một cuộc bầu cử.
Pheu Thai từng giành nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019 nhưng không thể thành lập chính phủ vì Thượng viện ủng hộ ông Prayut, một cựu tướng quân đội, người đã lãnh đạo một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014.
Trong khi đó, cựu trùm bất động sản Srettha Thavisin, 60 tuổi, cũng nổi lên như một ứng viên tiềm năng.
"Câu hỏi đặt ra là liệu tên của ông Srettha có xuất hiện không? Liệu Thượng viện có bỏ phiếu cho ông ấy không? Tôi nghĩ rằng, nếu đảng Tiến bước vẫn ở trong liên minh, rất có thể Thượng viện sẽ không bỏ phiếu cho ông ấy", ông Thitinan dự đoán.
Điều gì sẽ xảy ra?
"Đầu tiên, đảng Pheu Thai rất có thể sẽ cố gắng gắn kết các đồng minh, yêu cầu các đối tác khác ủng hộ ứng viên của mình thay vì chuyển sang phe chính trị ủng hộ chính quyền khác", nhà báo Pravit Rojanaphruk bình luận với DW.
Về phía cử tri, áp lực mà ông Pita và đảng Tiến bước đang hứng chịu đã khiến những người ủng hộ ông và các nhà hoạt động Thái Lan khác tức giận. Tuần trước, các cuộc biểu tình quy mô nhỏ đã nổ ra, nhưng không rõ liệu chúng có bùng phát trở lại như năm 2020 và 2021 hay không, khi hàng nghìn người biểu tình xuống đường ở Bangkok để kêu gọi cải cách chế độ quân chủ và chính phủ.
Tiến sĩ Siripan Nogsuan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, tỏ ra hoài nghi: "Biểu tình là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi không biết liệu nó có thu hút đông đảo người dân hay không, vì việc ông Pita không nhận được đủ sự ủng hộ từ các thượng nghị sĩ không phải điều quá bất ngờ".