1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Điều gì đang khiến Triều Tiên gia tăng đe dọa chiến tranh?

(Dân trí) – Những năm qua, đã không ít lần Triều Tiên có những cảnh báo về nguy cơ chiến tranh nhưng hiếm có khi nào những tuyên bố của họ được đưa ra dồn dập, mạnh mẽ và đi kèm hành động cụ thể như hiện nay. Điều gì đang khiến Bình Nhưỡng sục sôi như vậy?

Trong một bài viết được hãng tin BBC đăng tải ngày 27/3, tác giả Andrea Berger, đến từ Royal United Services Institute, một viện nghiên cứu độc lập các vấn đề quốc phòng và an ninh của Anh đã có những phân tích thấu đáo về cả nguyên nhân khiến căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, những rủi ro có thể làm bùng phát xung đột và cả giải pháp để ngăn ngừa những bước đi sai lầm.

Triều Tiên đang muốn cho thấy mình không chỉ đe dọa suông
Triều Tiên đang muốn cho thấy mình không chỉ đe dọa suông

Trước hết, theo tác giả, việc 40.000 lính Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận mang tên “Đại bàng non” trên bán đảo Triều Tiên chính là một trong các nguyên nhân. Những ngày qua, các máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, tàu ngầm của Mỹ đã được đưa tới khu vực này.

Trong khi phía Mỹ xem đây là nỗ lực để trấn an Hàn Quốc rằng mối quan hệ đồng minh giữa họ là đáng tin cậy, và Washington tiếp tục thể hiện cam kết sẵn sàng can thiệp thì Triều Tiên lại nhìn theo một cách khác. Bình Nhưỡng cho rằng đây chính là vỏ bọc cho một cuộc tấn công bất ngờ. Do đó để đáp lại, họ đã sử dụng chiến thuật quen thuộc nhất: những đe dọa đầy giận dữ về sự leo thang căng thẳng.

Những lời lẽ gay gắt

Trong khi báo giới quốc tế tạo cho người đọc cảm giác rằng những đe dọa gần đây để đáp trả các đợt diễn tập quân sự của Mỹ và Hàn Quốc là chưa từng có, trên thực tế Bình Nhưỡng từ nhiều thập niên qua luôn phản đối dữ dội trước các đợt tập trận chung. Chỉ có điều lần này, họ đã có hành động cụ thể và dồn dập hơn trước.

Đầu tiên là tuyên bố “xé vụn” thỏa ước đình chiến 1953, cắt đứt đường dây nóng với Seoul ở khu vực biên giới. Sau đó Bình Nhưỡng khẳng định đã tăng mức độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng pháo binh và thậm chí còn đặt các căn cứ của Mỹ, cụ thể là tại đảo Guam và Hawaii vào tầm ngắm. Nhưng “đao to búa lớn” nhất chính là tuyên bố sẵn sàng tấn công hạt nhân phủ đầu đối với Washington và Seoul.

“Mặc dù Bình Nhưỡng đã thực hiện tuyên bố của mình với việc cắt đứt các đường dây nóng với Seoul, nhưng có rất ít lí do để cho rằng nước này sẽ thực hiện một vài trong số những tuyên bố còn lại, ít nhất là không sớm xảy ra”, tác giả bài viết nhận định.

Một trong những lý do để tin vào điều này đó là đối tượng chính của nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong những tuyên bố cứng rắn vừa qua không phải Mỹ hay Hàn Quốc mà là dư luận trong nước.

Nhà lãnh đạo trẻ này đã được người cha quá cố thăng chức nhanh chóng qua nhiều vị trí trong Quân đội nhân dân Triều Tiên mặc dù chưa làm được gì nhiều để có được sự cất nhắc đó. Việc sẵn sàng đối đầu với các kẻ thù của Triều Tiên là một cách để giúp Kim Jong Un củng cố sức mạnh quân sự và chính trị của mình.

Lí do thứ hai để tin vào khả năng tình hình vẫn tạm thời yên ổn đó là những hạn chế trong công nghệ tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ít có khả năng Bình Nhưỡng đã làm chủ hoàn toàn những công nghệ cần thiết để đưa một đầu đạn hạt nhân lên đầu một tên lửa đạn đạo và “gửi” nó sang Washington.

Tuy nhiên, những vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân mới đây cho thấy Triều Tiên đang nóng lòng nâng cao khả năng của mình theo hướng này.

Các cuộc tập trận Mỹ - Hàn có thể dẫn đến những phán đoán sai lầm
Các cuộc tập trận Mỹ - Hàn có thể dẫn đến những phán đoán sai lầm

Nỗi sợ các cuộc tập trận quân sự

Trong khi nhiều người có thể xem những đe dọa và các hành động cụ thể vừa qua là nhằm gây tiếng vang trong nước, rất có thể đằng sau nó là sự bất an có thật của Triều Tiên về vấn đề an ninh.

Dưới góc nhìn của người phương Tây, việc một cuộc tập trận quân sự được dùng để che đậy cho việc chuẩn bị một cuộc tấn công bất ngờ vào Triều Tiên có vẻ là điều không thể hiểu nổi. Với họ, đó chỉ là trò “trận giả”, và ý nghĩa chính trị chính là nhằm trấn an một Hàn Quốc đang lo lắng.

Nhưng với Triều Tiên, những người luôn nghĩ theo quan điểm “quân sự trước tiên” và đề cao sự tự chủ trong các công việc của mình, họ có thể nghi ngờ về mục đích của cuộc tập trận không chỉ là kiểm tra sự sẵn sàng đáp trả một cuộc tấn công, hay thể hiện quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn.

Một trong những điều khiến Bình Nhưỡng hoài nghi có thể là chính thực tế rằng năm 1950, chính họ đã sử dụng các cuộc tập trận với mục đích giống như “Đại bàng non” hiện nay để che giấu ý đồ thật. Khi đó vào tháng 6/1950, Triều Tiên đã điều động quân đội trên diện rộng hướng tới vĩ tuyến 38 dưới vỏ bọc tập trận. Sau đó một số đơn vị tham gia đã tiến về Seoul, và chiến tranh Triều Tiên nổ ra.

Trước đây chính quyền các Tổng thống Mỹ trước từng ngầm thừa nhận rằng cách biệt về sự hiểu biết giữa Washington và Bình Nhưỡng về mục đích của tập trận là vô cùng lớn. Tổng thống Clinton đã liên tục hoãn các cuộc tập trận Tinh thần đồng đội để làm dịu sự lo lắng của Triều Tiên và nhằm thúc đẩy đàm phán về chương trình hạt nhân.

Nguy cơ phán đoán sai lầm

Hiện tại, nguy cơ chính không phải là một cuộc chiến tranh hay tấn công hạt nhân quy mô lớn mà chính là một phán đoán sai lầm.

Triều Tiên hiện vẫn đang tìm những cách mới để đưa ra những đe dọa, một phần nhằm củng cố sức mạnh ở trong nước, và một phần với hy vọng có thể khiến Mỹ hủy tập trận như từng xảy ra dưới thời Tổng thống Clinton. Khi Bình Nhưỡng làm vậy, phương Tây chỉ xem đó như trò dọa nạt và tiếp tục tập trận, thậm chí điều cả máy bay B52 tới bán đảo Triều Tiên.

Do vốn đã thiếu những đối thoại trực tiếp, nếu điều này cứ tiếp tục, rủi ro phán đoán sai lầm với cả hai bên sẽ tăng lên. Triều Tiên có thể nhìn nhận một cách thiếu chính xác bước đi của Mỹ trong tương lai và xem đó như một mối đe dọa rõ ràng và có thực đối với nước mình và chọn cách đánh phủ đầu.

Hoặc sau khi quá nhiều những lời dọa nạt được phát đi, Bình Nhưỡng cũng có thể thấy rằng lời lẽ không chưa đủ. Khi đó các hành động cứng rắn hơn có thể được đưa ra để tương xứng với những đe dọa của họ.

Hiện lối thoát cho tình hình hiện nay không nhiều. Các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng khó có thể thuyết phục họ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng đàm phán về an ninh trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả vấn đề tập trận quân sự, có thể giúp ngăn ngừa những hiểu lầm hoặc phán đoán sai lầm đi xa thêm. Nó có thể giúp Triều Tiên nghe được những thông điệp khác, ngoài những tuyên bố về liên minh an ninh vốn được thiết kế dành riêng cho Seoul.

Washington cần thận trong với bất kỳ nỗ lực tiếp theo nào nhằm trấn an các đồng minh mà có thể phản tác dụng, làm gia tăng cảm giác mất an toàn của Triều Tiên. Những động thái như duy trì các khí tài quân sự có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong khu vực có thể sẽ làm nguy cơ xảy ra phán đoán sai lầm tăng thêm sau khi cuộc tập trận “Đại bàng non” khép lại.

Thanh Tùng
Theo BBC