Điệp viên "sói già" của FBI sa bẫy như thế nào?
Là một nhân viên kỳ cựu, với 20 năm gắn bó với Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhưng sự nghiệp của Richard W. Miller đã đột ngột chấm dứt khi ông ta trở thành đặc vụ đầu tiên của cơ quan này bị kết tội làm gián điệp.
“Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”
Richard Miller sinh năm 1936 ở Wilmington - khu phố của những người thuộc tầng lớp lao động ở Los Angeles, Mỹ. Hoàn tất bậc phổ thông, ông thi đậu trường đại học Brigham Young ở bang Utah. Ngoài chuyên ngành chính, ông ta còn học thêm ngoại ngữ phụ là tiếng Tây Ban Nha.
Sau khi tốt nghiệp đại học, vốn bản tính chậm chạp, Miller không có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp. Thế nhưng “Mèo mù lại vớ cá rán”, vào giữa những năm 1960, FBI cần một lượng kha khá nhân viên nam theo đạo Mặc Môn (một hệ phái của đạo Tin Lành - ND), đồng thời có thể nói trôi chảy tiếng Tây Ban Nha và có “lý lịch sạch” để phục vụ cho một nhiệm vụ của họ.
Miller lúc này lại trở thành lựa chọn hoàn hảo bởi ông ta biết tiếng Tây Ban Nha, không những thế còn có cha vốn là một nhân viên FBI kỳ cựu làm việc tại Phân cục của FBI tại thành phố Ogden, bang Utah. Việc tuyển mộ diễn ra vào năm 1964.
Sau khi gia nhập FBI, Miller được điều đi rất nhiều địa bàn và tất cả các công việc của ông ta đều cần đến tiếng Tây Ban Nha. Về sau, do con trai bị điếc nên Miller đề nghị và được chấp thuận chuyển về Riverside ở phía đông Los Angeles để tiện cho việc theo học tại một trường học dành cho trẻ đặc biệt của đứa trẻ.
Trong suốt quãng thời gian Miller làm việc tại FBI, các ghi chép cho thấy ông ta là một nhân viên không có gì nổi bật nếu không muốn nói là rất tệ! Nhiều đồng nghiệp của ông ta thậm chí từng phải thốt lên rằng họ không hiểu tại sao người đàn ông đó lại được tuyển mộ!
Hồ sơ nhân sự của Miller là vô số những khuyến nghị giảm cân bởi ông ta nặng đến gần 100kg. Để đáp ứng nhu cầu ăn của cơ thể quá khổ đó, chính Miller về sau thừa nhận mỗi ngày ông ta trốn từ 2 – 3 giờ làm việc để tới một cửa hàng 7-Eleven giả vờ quan sát nhưng thực chất là ở đó lấy trộm bánh kẹo ăn và đọc truyện tranh!
Trong công việc, Miller được nhận xét là cũng cẩu thả như ngoại hình của ông ta. Không ít lần người này bị phát hiện đã sử dụng xe của FBI để đi bán các sản phẩm Amway hay sử dụng thẻ nhiên liệu của cơ quan vì mục đích cá nhân. Việc mất giấy tờ diễn ra khá thường xuyên. Thậm chí, có lần ông ta còn đánh mất cả súng được trang bị cho!
Để miêu tả về Miller, cựu đặc vụ FBI Agent Gary Aldrich cho biết: “Hầu hết những người từng được điều tới Los Angeles và được làm việc cùng với Miller đều nói họ nghĩ rằng FBI lẽ ra không nên tuyển mộ ông ta ngay từ đầu. Làm thế nào mà ông ta có thể tốt nghiệp được Học viện FBI được xem là một bí ẩn lớn”.
Nhiêu đó dường như còn chưa đủ, Miller còn có thêm tật xấu trộm cắp vặt. Không chỉ ăn cắp vặt của người thân, ông ta còn vài lần bị tố đã “ăn chặn” những khoản tiền từ 500 đến 1.000 USD lẽ ra phải thanh toán cho một người cung cấp thông tin cho FBI có mật danh là Mary…
Làm việc tệ thế nhưng Miller vẫn được giữ lại mà không bị đuổi. Nguyên nhân của việc này, theo một số nguồn tin, là do vào năm 1982, một nhà tâm lý học sau khi tiến hành thăm khám cho ông ta có nói với FBI rằng ông ta là người có tinh thần không ổn định và khuyến nghị FBI nên để ông ta làm việc ở những vị trí vô hại cho đến khi nghỉ hưu.
Sập bẫy
Quá rõ về “thành tích”, tai tiếng của Miller nên những đồng nghiệp của ông ta trong suốt một thời gian dài không còn chú ý đến nhân vật này. Bẵng đi đến năm 1984, khi Miller chỉ còn 2 năm nữa là được nghỉ hưu, ông ta đã khiến cả nước Mỹ chấn động khi bị bắt giữ vì cáo buộc làm gián điệp cho Liên Xô.
Ngọn nguồn câu chuyện làm điệp viên của Miller có thể nói bắt nguồn từ năm 1978, khi ông ta “xuất thần” góp công lớn phá được một đường dây tội phạm quốc tế từ Mexico đến Mỹ khiến người đứng đầu bộ phận phản gián của FBI tại Los Angeles Richard Bretzig để mắt và đồng ý tiếp nhận ông ta về làm việc tại đơn vị mình.
Việc mua sắm khá phóng tay đã khiến Richard W. Miller (người đàn ông bên trái) bị chú ý
Nhiệm vụ của Miller lúc này là phỏng vấn những người Liên Xô nhập cư vào Mỹ và các công việc giấy tờ khác. Việc giao nhiệm vụ như vậy, như nhiều người về sau nhận xét, chẳng khác nào “giao trứng cho ác” bởi bản thân nhân vật này không có năng lực cao trong khi công việc mà ông ta đảm nhiệm lại là một trong những mục tiêu chính của điệp viên các nước.
Chiếc bẫy mà Miller sa vào do một cặp vợ chồng người Ukraina tên Svetlana và Nikolai Ogorodnikov dựng lên. Năm 1973, cặp vợ chồng điệp viên của Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB) này tới Mỹ làm việc dưới vỏ bọc định cư. Trong đó, tuy là vợ nhưng Svetlana lại là cấp trên của Nikolai và mang quân hàm thiếu tá KGB.
Tại Los Angeles, họ mở một cửa hàng bán văn hóa phẩm, cho thuê băng đĩa phim - thực ra là địa điểm bí mật để các điệp viên nằm vùng của KGB trao đổi thông tin, tài liệu.
Cửa hàng của cặp vợ chồng trong suốt một thời gian dài là nơi những người Nga và Ukraina lưu vong tới tụ tập, khiến FBI phải để mắt đến. Với vị trí một nhân viên phản gián, Miller được giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát hành tung của gia đình Ogorodnikov cũng như những người thường xuyên lui tới đây để điều tra về khả năng có sự liên quan đến hoạt động tình báo.
Điểm lại thành tựu công tác suốt hơn chục năm của Miller cũng sẽ dễ hiểu khi biết được rằng thay vì tìm được thông tin, chẳng bao lâu sau khi được giao nhiệm vụ, ông ta đã bị chính Nikolai và Svetlana dụ ngược, trở thành nội gián cho họ.
Biết Miller thường xuyên lâm vào cảnh “thiếu trước hụt” sau do phải lo cho một gia đình có đến 8 đứa con lại bị vợ bỏ nên Svetlana đã chủ động tìm cách tán tỉnh ông ta. Về sau, Svetlana đề nghị Miller làm điệp viên cho KGB và được chấp thuận.
Tổng cộng, ngoài tình ái, Svetlana đã trao cho Miller 15.000 USD tiền mặt vào số vàng trị giá 50.000 USD. Đổi lại, Miller đã chuyển giao cho Svetlana nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động phản gián của FBI. Ngay cả những kỹ thuật phản gián mới nhất của FBI cũng được ông ta gửi đi.
Sa lưới
Với số tiền lớn có được từ hành vi phản bội của mình, Miller từ chỗ phải chật vật xoay xở cuộc sống trở nên sung túc bất ngờ. Ông ta mua một căn hộ sang trọng và một trang trại lớn. Với mức lương cả năm chỉ 40.000 USD nhưng có đến 8 đứa con nhưng Miller vẫn mua sắm khá rộng tay.
Tất cả những thay đổi đột ngột của đặc vụ này đã khiến bộ phận an ninh nội bộ của FBI chú ý. Các biện pháp giám sát, bao gồm cả nghe lén điện thoại đã được áp dụng với ông ta.
Ngày 13/9/1984, bộ phận an ninh nội bộ của FBI ghi được hình ảnh Miller đang nhận một chiếc phong bì từ tay Svetlana tại một bãi đỗ xe bên ngoài một siêu thị. Tuy nhiên, họ không ra tay ngay mà tiếp tục theo dõi. Tiếp đến, ngày 26/9/1984, Miller xin nghỉ phép với lý do đi du lịch tại Áo.
Khi kiểm tra danh sách hành khách đăng ký mua vé máy bay từ Los Angeles đến Vienna của Áo có cả tên của Miller và vợ chồng Svetlana và Nikolai Ogorodnikov, FBI quyết định ra tay nhằm tránh nguy cơ để “vuột” mất mục tiêu.
Quả thực, lẽ ra chuyến đi đó của Miller là để gặp một điệp viên của KGB theo sự sắp xếp của Svetlana. Sau khi bị bắt giữ, vợ chồng nhà Ogorodnikov cũng bị bắt và bị buộc tội hoạt động gián điệp. Trong đó, Nikolai bị kết án 8 năm tù giam còn Svetlana phải nhận mức án lên đến 18 năm tù.
Miller nhất quyết không chịu nhận tội nhưng đến lần ra tòa thứ 2 vào năm 1986 ông ta vẫn bị buộc tội làm gián điệp, nhận hối lộ và một số tội danh khác. Bản án mà ông ta phải nhận là 2 án tù chung thân liên tiếp và 50 năm tù giam, với tổng hình phạt là tù chung thân.
Không chấp nhận bản án, cựu đặc vụ của FBI kháng án. Đến năm 1986, bản án được đảo ngược nhưng đến phiên tòa thứ 3 vào năm 1990, ông ta lại bị tuyên có tội đối với tất cả các cáo buộc có liên quan đến hoạt động gián điệp. Năm 1993, ông ta bị tuyên án 13 năm tù giam và là điệp viên đầu tiên của FBI từng bị buộc tội hoạt động gián điệp chống lại nước Mỹ.
Theo Minh Khôi
Pháp luật Việt Nam