1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia nói về sai lầm chiến lược của Mỹ trong "Điện Biên Phủ trên không"

(Dân trí) - Mỹ đã huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí khác cho chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" ở miền Bắc Việt Nam vào dịp Giáng sinh năm 1972. Nhưng kết cục, Mỹ đã gặp thất bại thảm hại, cả về mặt quân sự lẫn chính trị.


Các máy bay B52 của Mỹ tham gia chiến dịch Linebabcker II (Ảnh: USAF)

Các máy bay B52 của Mỹ tham gia chiến dịch Linebabcker II (Ảnh: USAF)

Chiến dịch “Linebacker II”

Đầu năm 1972, Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc Việt Nam nhưng không đạt được mục tiêu đề ra.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, sức ép của cử tri, của phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam và các lực lượng chính trị ở Mỹ tác động mạnh mẽ đến Tổng thống Nixon. Mỹ chấp thuận bản dự thảo Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”.

Tuy nhiên, sau khi ông Nixon đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai, Mỹ đã lật lọng, xóa bỏ bản dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Henry Kissinger tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn.

Ngày 17/12/1972, Tổng thống Nixon chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc Việt Nam với tên gọi Chiến dịch “Linebacker II”.

Cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc tháng 12/1972 là một âm mưu hiểm độc, được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc tính toán kỹ lưỡng, bất chấp sự phản đối, lên án mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước Mỹ.

Thực hiện âm mưu này, Mỹ đã huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí vào chiến dịch. Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của Mỹ kể từ sau Thế chiến II đến năm 1972. Trong đó, máy bay chiến lược B52: 193 chiếc trong tổng số 400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077chiếc trong 3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F.111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6 chiếc/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu; cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.

Lầu Năm Góc đã cấp tốc thành lập Bộ chỉ huy lâm thời, đóng ở Utapao (Thái Lan), do Tướng Joshnvot làm Tư lệnh. Bộ chỉ huy này đặt dưới quyền chỉ huy của không quân chiến lược và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào miền Bắc nước ta cuối tháng 12/1972 là một cuộc ném bom hủy diệt man rợ. Trong 12 ngày và đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần máy bay chiến thuật, ném bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc nước ta hơn 100 ngàn tấn bom, đạn.

Riêng ở Hà Nội, Mỹ sử dụng 441 lần chiếc B52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Bom của Mỹ đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; cướp đi sinh mạng của 2.368 dân thường và làm bị thương 1.355 người khác.

Các máy bay ném bom B52 rải thảm hủy diệt phố Khâm Thiên, khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Bom Mỹ đã tàn phá cả chiều dài khu phố trên 1.200 mét, gần 2.000 ngôi nhà, đền, chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương. Máy bay B52 còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư khác ở Hà Nội (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương...).

Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đã kết thúc sau 12 ngày đêm, với chiến thắng oanh liệt của quân và dân miền Bắc. Trong chiến dịch này, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay của Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52, và tiêu diệt, bắt sống nhiều phi công Mỹ.

Sau thất bại thảm hại trong trận "Điện Biên Phủ trên không", Tổng thống Nixon ngày 30/12/1972 buộc phải tuyên bố ngừng ném bom phía Bắc vĩ tuyến 20 và chấp nhận họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973.

Một sai lầm chiến lược của Mỹ


Xác một máy bay B52 của Mỹ bị bắn rơi xuống hồ Hữu Tiệp, nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội (Ảnh: Trọng Trinh)

Xác một máy bay B52 của Mỹ bị bắn rơi xuống hồ Hữu Tiệp, nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội (Ảnh: Trọng Trinh)

Tiến sĩ John Prados, Giám đốc các dự án tư liệu Việt Nam và Tình báo thuộc Trung tâm Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ, đã đưa ra góc nhìn của ông về thất bại của Mỹ trong chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.

Ông Prados cho rằng, miền Bắc Việt Nam đã đánh giá một cách hợp lý về những hành động mà người Mỹ có thể thực hiện. Họ đã chuẩn bị phòng thủ khu vực Hà Nội và tiến hành sơ tán dân thường, góp phần hạn chế thương vong. Lực lượng phòng không miền bắc Việt Nam đã luyện tập kỹ lưỡng với tình huống Mỹ có thể sẽ đánh phá khu vực Hà Nội, Hải Phòng. Ngoài ra, hệ thống phòng không của miền Bắc khá mạnh vào thời điểm đó và ứng phó hiệu quả với máy bay Mỹ.

Về phía Mỹ, các chỉ huy quân đội đã phạm nhiều sai lầm trong chiến dịch ném bom Hà Nội. Họ đã không xây dựng được một kế hoạch thấu đáo, không tính toán được khả năng phòng thủ mạnh đến như vậy của miền Bắc Việt Nam. Một vấn đề nữa là việc sử dụng lẫn lộn các loại máy bay chiến đấu. Mỹ đã sử dụng hai loại máy bay B52 và một trong số đó dễ bị tổn thương trước mạng lưới phòng không của Việt Nam hơn loại kia. Ngoài việc sử dụng lẫn lộn các loại máy bay thì phía Mỹ còn để đối phương dễ đoán được ý đồ khi không thay đổi phương thức tấn công trong các vụ không kích.

Quốc hội Mỹ đã bắt đầu quay lưng lại với cuộc chiến tranh Việt Nam và đang chuẩn bị cắt giảm ngân sách cho cuộc chiến. Hơn nữa, chiến dịch ném bom Hà Nội, Hải Phòng đã châm ngòi cho một làn sóng chỉ trích chính quyền Nixon trong giới truyền thông Mỹ. Cơn bão chỉ trích ngày càng mạnh và ảnh hưởng tới dư luận Mỹ vốn đang phản đối cuộc chiến ở Việt Nam và ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn.

Nhiều cựu chiến binh Mỹ, trong đó có đặc vụ tình báo Brian Matarrese, y tá Susan Schall,... đã tố cáo sự sai trái của chính quyền Mỹ khi ném bom Hà Nội. Y tá Susan Schall cho biết:“Tôi làm y tá trong lực lượng hải quân Mỹ từ năm 1967 đến 1969. Khi đó, tôi hiểu rằng mình đã trở thành một phần của cỗ máy quân sự đang hủy hoại đất nước khác. Tôi tận mắt chứng kiến những tổn thương mà cả người Mỹ và người Việt Nam phải gánh chịu. Chính phủ Mỹ đã ném bom vào dân thường, vào hệ thống đê điều, khiến biết bao người Việt Nam phải chịu cảnh lụt lội, thiếu lương thực. Những điều họ làm là sai trái” .

Dư luận phương Tây lúc đó cũng đánh giá chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là đòn đập tan mưu đồ thương lượng trên thế mạnh của chính quyền Nixon, buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán, đi đến ký kết Hiệp định Paris về rút quân khỏi Vịêt Nam, tạo tiền đề để quân và dân Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/04/1975.

(Còn tiếp)

Nguyễn Nhâm