Di sản lớn của Tổng thống Venezuela Chavez
(Dân trí) - “Các chiến hữu! trong lúc này, mục tiêu của chúng ta không đạt được tại thủ đô…Hãy nghe những lời tôi nói, suy xét thông điệp do tư lệnh Chavez phát đi và hạ vũ khí…Trước đất nước, trước các chiến hữu, tôi xin nhận trách nhiệm về cuộc điều binh này”.
Đó là lần xuất hiện đầu tiên trên truyền hình của Chavez vào rạng sáng ngày 4/2/1992, sau khi ông tiến hành cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống lúc bấy giờ Carlos Andres Perez. Cuộc đảo chính thất bại, ông phải vào tù, nhưng dư luận xã hội Venezuela lúc đó đều cho rằng đó là “cuộc vận động tranh cử đầu tiên” của ông.
Đúng như thế, hai năm bị giam cầm, sau khi ra tù, ông quyết định lên nắm quyền thông qua bầu cử dân chủ và giành chiến thắng vào năm 1998. Ông trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất Venezuela khi nhậm chức ở tuổi 44.
Ngay sau khi nắm chính quyền, Tổng thống Chavez đã tiến hành một loạt cải cách có tính cách mạng nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI mà mục tiêu của nó là hướng tới công bằng xã hội, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, chống chủ nghĩa đế quốc và sự bóc lột tư bản chủ nghĩa.
Với các chính sách được lòng dân như vậy, ông đã giữ cương vị cao nhất đất nước trong 14 năm qua. Cuộc bầu cử gần đây nhất diễn ra vào ngày 7/10 vừa qua, ông giành 54,42% số phiếu ủng hộ, tiếp tục chèo lái Venezuela trong 6 năm tiếp theo (2013-2019). Tuy nhiên, ước mơ xây dựng Venezuela giầu mạnh, thịnh vượng, một Mỹ Latinh đoàn kết thống nhất, như người anh hùng tiền bối Simon Bolivia từng ấp ủ của ông đã bị dang dở, ông đã qua đời ngày 5/3 do căn bệnh ung thư quái ác.
Không chỉ phải đương đầu với những khó khăn về lãnh đạo, Venezuela còn phải đối phó với tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, nhất là khi đồng nội tệ Bolivar đang bị mất giá. Sự chênh lệch giữa tỷ giá quy định và thị trường chợ đen buộc ai lên lãnh đạo đất nước cũng sẽ phải đương đầu với việc phá giá đồng nội tệ. Bằng uy tín tuyệt đối và tài điều hành của mình, ông Chavez đã chống chọi được với sự xuống dốc của đồng Bolivar, nhưng nay, người kế tục ông liệu có làm được như vậy? Đó là câu hỏi đang được nhiều nhà phân tích chính trị quan tâm khi đề cập đến tương lai của Venezuela sau khi ông Chavez qua đời.
Ở tầm châu lục, khi còn sống Tổng thống Chavez là tác giả của những kế hoạch giúp đỡ các nước Nicaragoa, Bolivia và Cuba. Với nguồn dầu mỏ dồi dào, ông đã đưa ra sáng kiến thành lập Tổ chức Petrocaribe do Venezuela hỗ trợ tài chính, nhằm thách thức tham vọng thành lập khu vực mậu dịch tự do trong khu vực của Washington. Petrocaribe ra đời vào năm 2005, theo đó tất cả các thành viên được phép mua dầu của Venezuela với các điều khoản ưu đãi. Petrocaribe cho phép các quốc gia thanh toán dần 40% giá trị hóa đơn dầu cho Venezuela trong phạm vi lên tới 25 năm với tỷ lệ lãi suất 1% và mức giá được quy định trong phạm vi hơn 40 USD/thùng.
Thậm chí, các đảo quốc nghèo ở Caribe như Jamaica, Haiti và cộng hòa Dominicana có thể thanh toán một phần tiền mua dầu của mình bằng chuối và đường. Một số quốc gia khá giả hơn thì có thể đổi dầu giá rẻ bằng hàng hóa và các dịch vụ khác thay vì tiền mặt. Tổng thống Chavez cho biết kế hoạch cung cấp dầu giá rẻ cho toàn khu vực thông qua các hình thức thanh toán ưu đãi như “đổi bác sĩ lấy dầu”. Hiện Venezuela vẫn duy trì chuyển gần 100 nghìn thùng dầu trợ cấp mỗi ngày tới Cuba, đổi lại, hàng nghìn bác sĩ Cuba được đưa tới Venezuela để chăm sóc y tế cho các bệnh nhân nghèo. Trong 3 năm qua, Nicaragua được nhận số dầu mỏ lên đến hơn 1 tỷ USD...
Với những giúp đỡ vô tư như vậy, các nhà phân tích chính trị châu lục đều nhận định rằng không một nhà lãnh đạo nào lên cầm quyền ở Venezuela có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khu vực như ông Chavez. Nhà phân tích người Argentina, Rosendo Fraga, đánh giá: “Cả Chủ tịch Quốc hôị Diosdado Cabello lẫn Phó tổng thống Nicolas Maduro rất khó có tầm ảnh hưởng sâu rộng như ông Chavez”. Nhà chính trị người Colombia Fernando Giraldo thì cho rằng: “Nếu chỉ lãnh đạo ở trong nước, ông Cabello và Maduro đều có khả năng, nhưng vượt ra ngoài biên giới, họ không thể thay thế được ông Chavez”.
Trong lịch sử Mỹ Latinh luôn xuất hiện những nhà lãnh đạo mang tư tưởng đoàn kết châu lục, từ anh hùng dân tộc Cuba Jose Marti ở thế kỷ thứ 19, lãnh tụ đấu tranh giành độc lập người Venezuela Simon Bolivar, Fidel Castro và nay là Hugo Chavez. Với cái chết của nhà lãnh đạo Venezuela, có lẽ còn lâu nữa châu lục này mới sản sinh ra những vĩ nhân như vậy./.
Đ.T.