1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đến lượt Hà Lan nói "không" với Hiến pháp châu Âu

Đa số áp đảo các cử tri Hà Lan đã bác bỏ Hiến Pháp Châu Âu với thăm dò hòm phiếu cho thấy gần 62 phần trăm người Hà Lan đã bỏ phiếu chống.

Thông tấn xã Hà Lan ANP cho biết kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan hôm qua (1/6) đã diễn ra giống như những gì đã xảy ra tại Pháp 3 ngày trước đây khi có tới 62,2% người dân Hà Lan nói “Không” với Hiến pháp châu Âu trong khi số người ủng hộ là 37,8%.

 

Những người Hà Lan nghi ngờ tính đúng đắn của Hiến pháp EU cho rằng Châu Âu đang mở rộng quá nhanh và can thiệp qúa sâu vào các quốc gia thành viên.

 

Một trong những lý do được đưa ra để phản đối bản Hiến pháp là nhiều người lo ngại rằng Hà Lan, với dân số 16 triệu người, sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi khi một “châu Âu mới” ra đời trong khi đóng góp chung tính bình quân theo đầu người của Hà Lan luôn cao hơn bất cứ quốc gia nào trong EU.

 

Các chuyên gia phân tích cho biết việc nói “Không” với Hiến pháp châu Âu cũng cho thấy sự mất lòng tin đối với Chính phủ.

 

Các bình luận gia cho rằng có thể ý tưởng về một siêu quốc gia Châu Âu đã tới quá sớm và đã đến lúc các chính trị gia lắng nghe người dân và tìm một điểm cân bằng mới cho Châu Âu.   

 

Trên đường phố ở Hà Lan, người ta nói rằng 'Người Pháp đã quẳng Hiến pháp vào thùng rác, còn người Hà Lan đậy chặt nắp thùng.'

 

Đây là lần đầu tiên người Hà Lan được thể hiện ý kiến qua một cuộc trưng cầu dân ý trong suốt lịch sử nền dân chủ của họ và qủa thực họ đã trình bày ý kiến của họ rõ ràng và với số đông.

 

Thủ tướng Jan Peter Balkenende, người đã rất nỗ lực vận động để người dân ủng hộ Hiến pháp châu Âu, cho biết ông rất “thất vọng” vì kết quả cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý. “Người dân Hà Lan đã lên tiếng và kết quả rất rõ ràng"- Ông Peter Balkenende nói.

Sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố, nhà lãnh đạo đối lập Geert Wilders đã yêu cầu Thủ tướng Balkenende từ chức và tiến hành các cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn. Thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý tại Pháp đã dẫn tới việc Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin phải ra đi.

9 quốc gia đã phê chuẩn bản Hiến pháp, trong đó có cả Đức, nhưng để trở thành luật chung thì bản Hiến pháp cần được tất cả 25 quốc gia thành viên EU phê chuẩn.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso cho biết kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan cho thấy một thời kỳ khó khăn đối với Liên minh châu Âu.

 

Theo BBC, AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm