1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đệ nhất phu nhân Pháp đang “đột kích”chính trường?

(Dân trí) - Cécilia Sarkozy từng nghĩ rằng bà sẽ thấy “buồn chán” khi trở thành đệ nhất phu nhân. Nhưng thực tế hiện tại đang minh chứng điều ngược lại.

Tháng trước, tân đệ nhất phu nhân Pháp đã làm một cuộc “đột kích” vào chính trường với vai trò gây khá nhiều tranh cãi trong cuộc giải cứu 5 y tá Bulgaria và một bác sỹ Palestine khỏi một nhà tù ở Libya (vì bị buộc tội làm lây nhiễm HIV ở nước này). Ảnh hưởng thực sự của bà trong nỗ lực kết thúc vụ việc vẫn còn còn chưa rõ. “Bà ấy chỉ may mắn”, đó là lời nhận xét của Saif al-Islam Qadhafi, con trai của nhà lãnh đạo Libya. Dù may mắn hay không, nhưng sau hai chuyến đi tới Libya và một cuộc nói chuyện dài với người đàn ông từng được cho là khó tính, thì câu chuyện cổ tích đã bắt đầu.

 

Đệ nhất phu nhân Pháp đang “đột kích”chính trường? - 1

Cô bé 12 tuổi đang vui đùa

Ba tháng “tại vị”, Cécilia, giờ 49 tuổi, đã tự tạo cho mình một hình ảnh khác xa với những người tiền nhiệm ở Pháp, những đệ nhất phu nhân ở châu Âu, những người “tránh xa” các mối quan hệ công chúng. Từng là một người mẫu, cao ráo, trầm lặng và sâu sắc, Cécilia được ví như đệ nhất phu nhân cuối cùng tự ném mình vào trong mối quan hệ quốc tế của thế giới.

 

Chỉ mới hai năm trước, khi chồng bà đang hăm hở xây dựng cho con đường tới điện Elysse, thì bà lại thủng thẳng nói về một viễn cảnh trở thành đệ nhất phu nhân luôn cảm thấy “buồn chán”. Nhưng cũng chính là bà, hân hoan vẫy tay ở Sofia, Bulgaria, khi các tù nhân được trở về nhà. Đột nhiên, đệ nhất phu nhân Sarkozy nổi lên như là một đệ nhất phu nhân kiểu Mỹ, khác hẳn với những đệ nhất phu nhân châu Âu khác.

 

Không phải các đệ nhất phu nhân châu Âu hiện nay không năng động, không có tài, mà họ hiếm khi tự dấn thân mình thử nghiệm trong “búa rìu” của công chúng. Báo chí Anh đã ca ngợi sự tự do đầy cá tính của Sarah Brown, “dám” không “thèm” theo chồng trong chuyến công du đầu tiên tới Mỹ. Joachim Sauer, phu quân của Thủ tướng Đức Angela Merkel, một giáo sư hóa học tại Đại học Humboldt, Berlin, được mệnh danh là “bóng ma của nhà hát kịch” bởi ông chỉ xuất hiện cùng vợ duy nhất trong buổi lễ opera hàng năm ở Bayreuth.

 

Nhưng tại châu Âu, dù các phu nhân có khéo léo đến mức nào, thì họ vẫn bị gặp trở ngại nếu tận dụng vai trò không chính thức của mình quá công khai, lộ liễu. Phu nhân cựu thủ tướng Anh, bà Cherie Blair là một ví dụ điển hình. Bà đã bị chỉ trích, thậm chí là bêu giếu rất nhiều khi có vẻ như bà dùng danh tiếng là vợ của thủ tướng để hành nghề luật. Sự thật là, chính bà Hillary Clinton cũng phải nhận vô số lời chỉ trích thậm tệ từ cả hai đảng chính trị khi bà định xây dựng một kế hoạch y tế quốc gia. Nhưng bà giờ lại đang trở thành một người “chơi” quyền lực chính hiệu, khác hẳn với vai trò thông thường như của bà Roosevelt hay Barbara Bush, đại sứ thiện chí của Mỹ. Và nhiều người cho rằng đấy cũng mới chính là vai trò mà Cécilia Sarkozy muốn tạo dựng.

 

Giới quan sát Pháp đã đưa ra rất nhiều hình mẫu “đệ nhất phu nhân Mỹ”, như Eleanor Roosevelt, Jackie Kennedy và Hillary Clinton, để miêu tả về đệ nhất phu nhân của họ. “Bà có nét gì đó giống với các đệ nhất phu nhân Mỹ, mang một sứ mệnh và một vai trò quan trọng”, Régine Torrent, tác giả của cuốn sách “First Ladies, d'Eleanor Roosevelt à Hillary”, nhận xét.

Đệ nhất phu nhân Pháp đang “đột kích”chính trường? - 2

Bà Sarkozy nói chuyện cùng Tổng thống Bulgaria tại sân bay Sofia sau khi đưa được những y tá bị bắt giam trở về từ Libya.

Tuy nhiên Torrent không cho rằng bà Sarkozy giống với đệ nhất phu nhân Roosevelt , bởi bà đã tích cực tham gia hoạt động chính trị từ trước khi trở thành đệ nhất phu nhân. Tương tự, bà Clinton cũng đã là một luật sư thành công vào thời điểm bà bước chân vào Nhà Trắng. Vì vậy, theo Torrent, sự so sánh hợp nhất là với đệ nhất phu nhân Pat Nixon, người không phải là một nhà hoạt động nhưng lại từng bước trở thành “người đại diện riêng cho tổng thống” và là một đại sứ thiện chí.

 

Cécilia Sarkozy có một con đường đi riêng. Bà “dấn thân” vào mối quan hệ với Nicolas trong một vụ xì-căng-đang tai tiếng. Đó là vào năm 1984, lúc đó Nicolas 29 tuổi và đã kết hôn. Với vai trò là thị trưởng của thành phố ngoại ô Paris, Neuilly, tổng thống Pháp hiện giờ thực hiện nhiệm vụ xe duyên cho Cécilia, 26 tuổi, đang mang bầu, với một ngôi sao truyền hình gấp đôi tuổi bà. Ông Sarkozy sau này tiết lộ đó là tình yêu sét đánh.

 

Nhưng mãi đến khi Cécilia có hai con, bà mới bỏ chồng để theo Sarkozy. Họ kết hôn vào năm 1996, và nhiều năm sau đó, công việc của bà là hỗ trợ cho sự nghiệp của chồng . Bà làm trợ lý cho Sarkozy ở trụ sở đảng UMP của ông, và tiếp tục làm việc trong Bộ nội vụ cho Sarkozy. Khi Sarkozy lên làm Bộ trưởng tài chính vào năm 2004, bà lại sắm vai là một “cố vấn chuyên môn” cho chồng.

 

Christiane Restier, một nhà khoa học chính trị ở Bordeaux, người đã dày công nghiên cứu các đệ nhất phu nhân/phu quân của các nhà lãnh đạo Pháp, cho rằng Cécilia vừa là một phụ nữ hiện đại, vừa là một phụ nữ truyền thống.

 

Cả Cécilia và Nicolas đều cho phép báo chí Pháp “thâm nhập” vào cuộc sống riêng tư của họ ở mức độ chưa từng có từ trước tới nay. Năm 2002, cả gia đình đã chụp một bức ảnh trong văn phòng Bộ nội vụ của Sarkozy, với cậu con trai Louis khi đó mới 5 tuổi chơi đùa dưới bàn làm việc của cha. Nhưng mối quan hệ giữa họ không còn được tốt đẹp như thế. Năm 2005, Cécilia đã bỏ rơi chồng nhiều tháng. Được biết bà theo một giám đốc quảng cáo người Pháp đến New York. Đến năm ngoái, bề ngoài họ có vẻ như đã dàn hòa. Nhưng Cécilia vẫn vắng mặt trong các cuộc vận động tranh cử quan trọng của ông Sarkozy. Bà không tham gia bỏ phiếu, và thậm chí còn không có mặt bên cạnh Sarkozy khi ông được tuyên bố là người thắng cử.

 

Vì vậy tại buổi lễ nhậm chức của ông Sarkozy, mọi con mắt đều dồn về tân đệ nhất phu nhân trong bộ váy  sa tanh màu ngà của hãng Prada. Những gì công chúng được nhìn thấy là một gia đình hiện đại, không thể tốt đẹp hơn: hai cậu con trai tóc vàng của Sarzoky, hai cô con gái tóc cũng vàng óng của Cécilia, và cậu con trai nhỏ Luois giờ đã 10 tuổi, với đôi mắt mở to - một gia đình căng đầy sức trẻ mà  Jacques Chirac, 74 tuổi, cùng bà vợ Bernadette, 73, không bao giờ có được. Rồi nụ hôn mà Sarkozy trao cho Cécilia là cách biểu lộ tình cảm đầy khác thường ở những ông bà tổng thống.

 

Nhưng vai trò của tân đệ nhất phu nhân Pháp vẫn chưa được định rõ. Các đệ nhất phu nhân nước Pháp không có một vị trí, chức danh chính thức. Ở một đất nước trước kia do Nữ hoàng Marie Antoinette đứng đầu thì các đệ nhất phu nhân có thể gặp phiền phức nếu họ tỏ ra quá năng động, hay quá xa cách.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của Bertrand Meyer-Stabley, một nhà viết tiểu sử Pháp, bà Sarkozy dường như lại đang tiến lên theo cách không thể đoán trước được. “Tôi cho rằng thậm chí chồng của bà ấy cũng phải nên cẩn thận với bà”. Bởi giờ đây, đệ nhất phu nhân Pháp không chỉ nói với báo chí. Người phụ trách báo chí của bà còn hứa rằng vai trò của bà sẽ được thể hiện trong tháng 9 này, khiến báo chí Pháp giờ chỉ còn biết đoán già đoán non về động thái tiếp theo.

 

Meyer-Stabley cho rằng bà Cécilia có thể phù hợp với việc giúp xây dựng “thương hiệu” Sarkozy. “Đệ nhất phu nhân giờ không còn chỉ có vai trò hỗ trợ. Chắc chắn bà sẽ nâng cấp vai trò đó”.

 

Nguyên Hạ
Theo Newsweek