1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga:

Đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng

Quyết định cách chức đối với Bộ trưởng Kinh tế (Phát triển Kinh tế) của Tổng thống Putin được đưa ra cùng thời điểm ông Alexei Ulyukayev (Alexei Uliukaev) bị Tòa án Basmanny ở Moskva ra lệnh quản thúc tại gia đến ngày 15-1-2017.

Và điều này cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ Nga. Bởi trong thời gian qua, nhiều quan chức cấp cao đã bị bắt, bị xét xử vì tội tham nhũng.

Bộ trưởng bị bắt khi đang nhận hối lộ 2 triệu USD

Theo Ủy ban Điều tra liên bang Nga (SKR), ông Alexei Ulyukayev bị bắt với cáo buộc tống tiền và nhận hối lộ 2 triệu USD (tối 14-11) và sau 5 giờ đồng hồ bị thẩm vấn, Bộ trưởng Kinh tế đã được thả, nhưng đang đối mặt với mức án lên tới 15 năm tù, cùng khoản tiền phạt gấp 100 lần so với số tiền đã nhận.

Ông Alexei Ulyukayev bị buộc tội nhận hối lộ với số lượng lớn (tại văn phòng của Công ty dầu khí Rosneft), sau khi đưa ra đánh giá tích cực để giúp Công ty dầu khí Rosneft mua lại khoảng 50% cổ phần nhà nước của Công ty dầu khí Bashneft.

Vì tuyên bố đang gặp một số vấn đề về sức khỏe như bị xơ vữa động mạch và phải giúp đỡ bố mẹ già đã 84-85 tuổi cùng 2 con nhỏ, nên ông Alexei Ulyukayev được phóng thích. Nhưng phải đeo vòng điện tử đặc biệt và không được sử dụng Internet, gửi e-mail, chỉ được sử dụng điện thoại để thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp. Ngoài ra, ông Alexei Ulyukayev chỉ được tiếp xúc với người thân và luật sư.

SKR cho rằng, ông Alexei Ulyukayev phải bị quản thúc tại gia bởi Bộ trưởng Kinh tế có thể lợi dụng các mối quan hệ để tiêu hủy chứng cứ, cản trở hoạt động điều tra.

Ông Alexei Ulyukayev (giữa) bị lực lượng chức năng dẫn giải hôm 15-11.
Ông Alexei Ulyukayev (giữa) bị lực lượng chức năng dẫn giải hôm 15-11.

Tờ Moskovsky Komsomolets cho biết, vợ Bộ trưởng Kinh tế là bà Yulia Khryapova sở hữu 5 lô đất và 2 ngôi nhà ở Crimea, còn ông Alexei Ulyukayev sở hữu khoảng 10 lô đất ở ngoại ô Moskva.

Chủ tịch Hạ viện Vyacheslav Volodin đánh giá cao vụ bắt giữ ông Alexei Ulyukayev. Theo ông Gleb Pavlovsky, cựu chiến lược gia của ông Putin, điểm bất thường trong vụ này là Tổng thống biết ông Alexei Ulyukayev bị điều tra từ đầu, nhưng không động thủ cho đến ngày 15-11.

Bởi theo giới truyền thông, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã cài thiết bị nghe lén các cuộc điện thoại của ông Alexei Ulyukayev từ lâu. Giới thạo tin cho biết, ông Alexei Ulyukayev đã bị FSB theo dõi hơn 1 năm trước, sau khi họ nhận được nhiều cáo buộc về Bộ trưởng Kinh tế.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, ông Putin đã ký sắc lệnh cách chức Bộ trưởng Kinh tế đối với ông Alexei Ulyukayev vì lý do đã "đánh mất lòng tin". Đồng thời xác nhận với phóng viên rằng, ông Putin biết rõ về cuộc điều tra này.

Tổng thống Putin.
Tổng thống Putin.

Giới truyền thông cho rằng, qua việc bắt giữ và cách chức Bộ trưởng Kinh tế, Tổng thống Putin dường như muốn truyền đi thông điệp, "không ai là không thể động đến" ở Nga. Ông Alexei Ulyukayev là quan chức cấp cao nhất của Nga bị bắt giữ khi đang tại nhiệm kể từ năm 1991 đến nay.

Ngày 15-11, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã chỉ định Thứ trưởng Yevgeny Yelin làm quyền Bộ trưởng Kinh tế, thay thế ông Alexei Ulyukayev. Ông Dmitry Medvedev còn đề nghị tiến hành điều tra thấu đáo mọi vấn đề có liên quan tới vụ bắt giữ ông Alexei Ulyukayev.

Người phát ngôn của SKR, bà Svetlana Petrenko cho biết, ông Alexei Ulyukayev bị bắt quả tang khi đang nhận hối lộ và theo đơn thư tố cáo cho biết, Bộ trưởng Kinh tế đã dùng quyền hạn của mình để gây trở ngại đối với hoạt động kinh doanh của công ty trong tương lai.

Theo các nhà điều tra, Rosneft đệ đơn khiếu nại ông Alexei Ulyukayev vì đã đe dọa họ về thỏa thuận mua cổ phần nhà nước tại Bashneft trị giá 5,3 tỉ USD. SKR nhấn mạnh, cho dù ông Alexei Ulyukayev bị bắt và cách chức, nhưng thương vụ Rosneft mua lại Bashneft vẫn hoàn toàn hợp pháp và không bị điều tra.

Và có lẽ lo lắng trước bản án từ 8 đến 15 năm tù giam, nên ông Alexei Ulyukayev đã phủ nhận mọi cáo buộc xung quanh vụ nhận hối lộ 2 triệu USD. Không những phủ nhận, ông Alexei Ulyukayev còn từ chối lấy lời khai, trong khi tuyên bố sẵn sàng hợp tác tối đa với cơ quan điều tra.

Mạnh tay với quan tham

Ngày 16-11, SKR cho biết, cựu Phó Thống đốc thành phố Saint Peterburg Marat Oganesyan đã bị bắt do bị tình nghi biển thủ tiền ngân sách cấp cho dự án xây dựng sân vận động Zenit-Arena trên đảo Krestovskiy.

Sau khi bị bắt tại Moskva, ông Marat Oganesyan bị dẫn giải về Saint Peterburg để phục vụ công tác điều tra. Trong khi đó, cơ quan điều tra tiến hành khám xét nơi ở của ông Marat Oganesyan tại Moskva.

Cơ quan điều tra cho biết, đã xác minh việc biển thủ hơn 50 triệu ruble (khoảng 762.000 USD) từ ngân sách của thành phố Saint Peterburg năm 2014, trong việc ký hợp đồng cung cấp bảng điện tử cho sân vận động Zenit-Arena của ông Marat Oganesyan. Và khi đó, ông Marat Oganesyan phụ trách dự án xây dựng sân vận động, đã giúp công ty TDM trở thành nhà cung cấp bảng điện tử.

Cựu Phó Thống đốc Saint Petersburg Marat Oganesyan.
Cựu Phó Thống đốc Saint Petersburg Marat Oganesyan.

Trước đó, cơ quan điều tra đã xác minh ông Alexander Yanchik, cựu Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban xây dựng Saint Peterburg, đã ký quyết định chuyển tiền ứng trước cho TDM cũng như lãnh đạo TDM Grigory Popov và 2 nhân viên của công ty này.

Ngày 31-10, ông Stanislav Ivanov không những bị khởi tố về tội nhận hối lộ ít nhất 20 triệu ruble, mà còn bị Tổng thống Putin bãi chức Trưởng Công tố tỉnh Leningrad, trở thành đối tượng của một vụ án tham nhũng lớn.

Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, ông Stanislav Ivanov (đứng đầu Viện Công tố tỉnh Leningrad trong giai đoạn 2014-2016) đã bao che, dung túng cho một số doanh nhân trong tỉnh, để nhận số tiền bảo kê từ 500.000 đến 1 triệu ruble/tháng.

Ngoài tiền mặt, ông Stanislav Ivanov còn nhận hối lộ bằng hiện vật - từ xe Toyota Camry tới 2 chuyến du lịch nước ngoài của cả gia đình.

Trong số các doanh nhân đưa hối lộ cho ông Stanislav Ivanov có Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Điều hành Xử lý chất thải Leningrad Aleksey Varichev và ông Semen Kuzmin - đều đã bị bắt hồi cuối tháng 6-2016 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số lượng lớn và hoạt động ngân hàng bất hợp pháp.

Tại phiên xét xử hôm 3-11, do sức khỏe của ông Stanislav Ivanov không tốt nên Tòa án quận Petrograd, Saint Peterburg đã quyết định hoãn và cựu Trưởng Công tố tỉnh Leningrad đang bị quản thúc tại gia.

Ngoài việc ký lệnh bãi chức Trưởng Công tố tỉnh Leningrad đối với ông Stanislav Ivanov, Tổng thống Putin còn miễn nhiệm một số tướng lĩnh của Bộ Nội vụ như Trợ lý Bộ trưởng Nội vụ - Thiếu Tướng Andrei Grankin, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ - Trung tướng Evgeny Martynov.

Trước đó (7-10), ông Putin đã ký quyết định sa thải hơn 10 tướng lĩnh Bộ Nội vụ, trong đó có Thiếu tướng cảnh sát Leonid Vedenov.

Tờ Moscow Times từng đưa tin về quyết định sa thải của Tổng thống Putin đối với 8 tướng của SKR và Bộ Nội vụ, trong đó có Thiếu tướng Dmitry Shershakov, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủ tục thanh tra lĩnh vực chống tham nhũng và Thiếu tướng Vitaly Frolov, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đảm bảo hoạt động.

Hơn 4 tháng trước (19-7), FSB đã bắt giữ một số nhân viên của SKR, trong đó có Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác liên ngành và An ninh tư nhân, ông Mikhail Maksimenko; Cục trưởng Cục An ninh tư nhân Alexander Lamonov và Phó Tổng cục trưởng thứ nhất Tổng cục Điều tra Moskva Denis Nikandrov.

Ông Denis Nikandrov bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ 1 triệu USD. Chủ tịch SKR Alexander Bastrykin tuy ký quyết định khởi tố các thuộc cấp, nhưng để đảm bảo tính khách quan, nên vụ án được chuyển cho FSB điều tra. Theo FSB, các quan chức kể trên đã nhận hối lộ của Zakhary Kalashov, kẻ có biệt danh Shakro Molodoi, một trong những trùm tội phạm khét tiếng nhất ở Nga.

Ông Stanislav Ivanov đã bị khởi tố về tội nhận hối lộ.
Ông Stanislav Ivanov đã bị khởi tố về tội nhận hối lộ.

Quyết tâm của chính phủ

"63% người dân muốn ông Putin tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018 để tiếp tục dẫn dắt đất nước", là kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu độc lập Levada công bố hôm 15-11.

Nhiều người gọi luật sư Aleksei Navalny là "Julian Assange của Nga" bởi ông đã thông qua trang web cá nhân để độc giả có thể liên tục theo dõi (đã thu hút hàng triệu lượt truy cập) diễn biến cuộc chiến chống tham nhũng do mình tạo ra.

Trang web của luật sư Aleksei Navalny tập trung vạch trần những vụ "lại quả", hối lộ và gian lận của các công ty năng lượng lớn thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

Theo kết quả thăm dò của Trung tâm Levada, đa số người Nga không tin vào số liệu kê khai thu nhập và tài sản thực sự của quan chức nhà nước.

Hơn 5 năm trước (thượng tuần tháng 5-2011), ông Dmitry Medvedev đã ký luật gia tăng mức hình phạt do hối lộ. Theo đó, mức phạt đối với người đưa/nhận hối lộ sẽ gấp 100 lần số tiền họ đưa/nhận hối lộ, và mức phạt cao nhất là 500 triệu ruble. Tuy nhiên, ông Dmitry Medvedev cũng nhấn mạnh, án tù vẫn là hình phạt chính đối với người phạm tội tham nhũng.

Tờ Russia Today từng cho biết, nhiều nghị sĩ thuộc đảng Cộng sản Nga đã yêu cầu Quốc hội tiếp tục mở rộng điều tra cựu Bộ trưởng Quốc phòng, cho dù ông Anatoly Serdyukov bị khởi tố và đối mặt với 3 tháng tù giam.

Ông Anatoly Serdyukov từng bị cáo buộc sử dụng binh sĩ để tân trang dinh thự nghỉ dưỡng Zhitnoye (trị giá 503 triệu USD) trên một hòn đảo ở khu vực Astrakhan, và xây một con đường tới đó với chi phí khoảng 1,6 triệu USD, trích từ công quỹ.

Ông Anatoly Serdyukov là Bộ trưởng Quốc phòng dân sự đầu tiên ở Nga, bị Tổng thống Putin bãi nhiệm sau khi Bộ trưởng Quốc phòng (15/2/2007 - 6/11/2012) bị phát hiện có dính líu tới tham nhũng, và người thay thế là ông Sergei Shoigu. Sự nghiệp của ông Anatoly Serdyukov lên như diều gặp gió nhờ kết hôn với con gái của "Vua dầu mỏ" Viktor Zubkov, bạn thân của Tổng thống Putin, từng làm Phó Thủ tướng (2007-2008).

Hơn 2 tháng trước (9-9), Đại tá Dmitry Zakharchenko, quyền Cục trưởng Cục chống tham nhũng thuộc Bộ Nội vụ đã bị bắt vì bị tình nghi nhận hối lộ số tiền lên tới 120 triệu USD. Ông Dmitry Zakharchenko bị tạm giam đến ngày 8-11, nhưng Đại tá luôn phủ nhận mọi cáo buộc chống lại mình. Thẩm phán Vasyuchenko tuyên bố, với những bằng chứng thu được đủ chứng minh ông Dmitry Zakharchenko phạm tội tham nhũng - nhận hối lộ có hệ thống từ các giám đốc điều hành của những tổ chức thương mại. Tòa còn cáo buộc ông Dmitry Zakharchenko gây cản trở quá trình điều tra.

Theo Quốc Dũng-Khắc Tuấn

Cảnh sát toàn cầu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm