Đâu là "thiên đường mua sắm" châu Á?

Nỗ lực "trang điểm" cho đường phố thêm đẹp với hàng loạt khu mua sắm đang mọc lên như nấm cho thấy cuộc đua trở thành "thiên đường mua sắm" ở châu Á đang ngày càng quyết liệt, từ Bangkok tới Hồng Kông, từ Singapore tới Kuala Lumpur…

Các trung tâm mua sắm ở châu Á đang đầu tư hàng trăm triệu USD vào những kế hoạch đầy tham vọng để khiến du khách phải móc hầu bao càng nhiều càng tốt. Thủ đô Bangkok (Thái Lan) vốn nổi danh với giá hàng hóa rẻ, nhiều ngôi chùa cổ kính và các bãi biển thơ mộng đang nỗ lực củng cố vị thế như một điểm đến mua sắm cao cấp nhằm lôi kéo khách nước ngoài từ các trung tâm mua sắm nổi tiếng hơn như Hồng Kông và Singapore.

 

Tháng 12/2005, Bangkok đã khai trương phố mua sắm Siam Paragon với tổng vốn đầu tư 366 triệu USD. Đây được coi là trung tâm mua sắm lớn nhất Đông Nam Á với diện tích 500.000m2. Thái Lan hy vọng dãy phố này sẽ là điểm đến của du khách toàn cầu như Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ). Tại Siam Paragon, du khách có thể tìm thấy mọi thứ, từ món bánh mì kẹp thịt của Mc Donald cho tới những chiếc du thuyền đồ sộ hay hàng thời trang cao cấp Chanel.

 

 Theo số liệu do hãng cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng khổng lồ Visa International cung cấp, khách du lịch đến châu Á - Thái Bình Dương tiêu hết 5,7 tỉ USD bằng thẻ Visa trong quý 3 năm 2005, trong đó các hóa đơn mua sắm chiếm phần lớn. Một thống kê khác cho thấy riêng tại Thái Lan, du khách nước ngoài chi gần 30% tổng chi phí du lịch của họ, từ 130-180 USD/người cho mua sắm. Con số này thua xa so với số tiền du khách mua sắm tại Singapore (2.500 USD) và Hồng Kông (3.700 USD).

 

Trong khi đó, cuối năm 2006 này, Singapore sẽ tiến hành nâng cấp phố mua sắm nổi tiếng Orchard, với tổng vốn đầu tư gần 1 tỉ USD. Được gọi là Orchard Turn sau khi trùng tu, khu mua sắm này là một phần trong kế hoạch của Chính phủ Singapore nhằm tăng gấp đôi lượng du khách lên 17 triệu lượt người và nâng doanh thu du lịch đạt 18 tỉ USD vào năm 2015. Theo ông Chan Tat Hon, trợ lý giám đốc điều hành của Ủy ban du lịch Singapore, trong năm 2004, du khách nước ngoài đến Singapore chi gần 1,9 tỉ USD cho mua sắm.

 

Một quốc gia Đông Nam Á khác là Malaysia cũng tự tin trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của dân mua sắm. Lễ hội Đại mua sắm (Mega Sale Carnival) diễn ra trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9.2005 đã giúp Malaysia đạt 1,35 tỉ USD doanh thu bán hàng cho du khách trong năm, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2004. Khoảng 30% số du khách tham gia mùa lễ hội này là người nước ngoài, trong đó phần lớn đến từ Trung Đông.

 

Hồng Kông, một "đàn anh" trong du lịch mua sắm cũng không ngừng quảng bá đặc khu hành chính này như một thiên đường mua sắm với lợi thế lớn nhất là thuận tiện và giá rẻ với mạng lưới cửa hàng liên kết rộng khắp. "Về phương diện giá cả, hàng hóa ở Hồng Kông rẻ nhất so với các đối thủ cạnh tranh bởi vì ở đây không áp dụng thuế xa xỉ (loại thuế đánh riêng trên các mặt hàng xa xỉ)" - Gregor Prattley, đồng Giám đốc của Công ty tư vấn Husband Retail có trụ sở đặt tại Hồng Kông cho biết như vậy. Cũng theo ông Prattley, có thể Singapore có "vũ khí" mới là Orchard Turn, Bangkok có Siam Paragon, nhưng Hồng Kông cũng đang có nhiều phố mua sắm hơn với sự hiện diện của các tên tuổi như Chanel, Louis Vuitton, Armani, kể cả Harvey Nichols.

 

Cuộc đua này xem ra chưa có điểm dừng và không khí cạnh tranh ngày càng nóng hơn. Một chuyên gia tư vấn về du lịch của MasterConsult ở Singapore đã nói rằng: "Mục tiêu trở thành "thủ đô mua sắm" của châu Á luôn là một chủ đề nóng bỏng. Đây là một cuộc chạy đua mang tính tích cực và rất đáng xem vì người thắng cuộc duy nhất vẫn là khách du lịch với những lợi ích mà họ có được".

 

Theo Uyên Phi

Thanh niên/Star, AFP