1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đâu là nguyên nhân khiến tàu sân bay Mỹ bị Trung Quốc cấm cửa?

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 29/4, Trung Quốc đã từ chối cho cụm tàu sân bay do tàu USS John C.Stennis dẫn đầu cập cảng Hong Kong.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban, đề nghị cho nhóm tàu đang làm nhiệm vụ tuần tra Biển Đông này cập cảng Hong Kong đã bị từ chối mặc dù trước đó nhiều tàu Hải quân của Mỹ đã được cập cảng ở Hong Kong. Hiện tại một tàu chiến khác của Mỹ là USS Blue Ridge đang neo đậu cảng tại Hong Kong.

Chính phủ Trung Quốc cũng như đại sứ quán Trung Quốc tại Washington từ chối bình luận về sự việc trên.

Tàu sân bay USS John C.Stennis.
Tàu sân bay USS John C.Stennis.

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP) dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, đề nghị cập cảng của các tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ chỉ được chấp thuận tùy từng trường hợp và tuân thủ các nguyên tắc về chủ quyền và tình huống cụ thể.

Được biết, hồi đầu tháng 3/2016, nhóm tàu gồm tàu sân bay USS John C. Stennis và 2 tàu khu trục, 2 tàu hành trình và một tàu thuộc Hạm đội số 7 của Mỹ đóng tại Nhật Bản đã tham gia tuần tra Biển Đông trong nỗ lực thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, Washington liên tiếp đưa tàu chiến và máy bay tuần tra áp sát các khu vực Trung Quốc cải tạo, bồi lấp trái phép trên Biển Đông và coi đó là hoạt động tuần tra “tự do hàng hải”.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ bị từ chối cập cảng Hong Kong. Năm 2007, tàu sân bay USS Kitty Hawk từng bị từ chối cập cảng vào dịp lễ Tạ ơn, và chỉ được phép cập cảng khoảng 5 tháng sau đó. Năm 2014, tàu chiến USS Halsey cũng bị từ chối và phía Trung Quốc cũng không đưa ra lý do.

Theo nhận định của SCMP, căng thẳng trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa phải là nguyên nhân duy nhất khiến tàu sân bay Mỹ bị cấm cửa, nhiều khả năng quyết định của Bắc Kinh có liên quan đến việc Mỹ phê chuẩn bán tàu hộ tống cho Đài Loan hồi giữa tháng 3/2016 bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cho phép thực hiện thương vụ trị giá 190 triệu USD bán hai tàu hộ tống của hải quân nước này cho Đài Loan. "Việc đề xuất bán loại thiết bị này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một thông báo.

Quyết định được đưa ra vào đúng thời điểm khu vực đang lo ngại về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh còn thông báo tăng chi tiêu quốc phòng trong năm nay thêm hơn 7% so với năm 2015.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan ngày 9/3 cảnh báo nhiều quốc gia trong khu vực đang tăng chi tiêu quốc phòng để củng cố sức mạnh quân sự do căng thẳng trên Biển Đông gia tăng.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 12/2015 thông báo kế hoạch bán lô vũ khí trị giá 1,8 tỷ USD cho Đài Loan. Lô vũ khí gồm hai tàu hộ tống, tên lửa chống tăng, phương tiện tấn công đổ bộ cùng nhiều thiết bị khác.

Kế hoạch được Nhà Trắng đưa ra một năm sau khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cho phép bán số vũ khí này cho Đài Loan. Đây là lô vũ khí lớn đầu tiên Mỹ bán cho Đài Loan trong hơn 4 năm qua.

Đài Loan cho biết thương vụ sẽ kéo dài trong vài năm, giúp hòn đảo duy trì và phát triển một hệ thống phòng thủ đáng tin cậy. Giới phân tích và nguồn tin từ quốc hội nhận định việc trì hoãn phê duyệt chính thức thương vụ là do Mỹ muốn duy trì sự ổn định trong quan hệ với Trung Quốc

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc, có thể dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết, và phản đối mọi hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan.

Theo Tuấn Vũ

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm