DMagazine

Dấu hiệu xung đột Nga - Ukraine có thể sắp đến hồi kết

(Dân trí) - Không chỉ Nga - Ukraine cho thấy khả năng sẵn sàng nhượng bộ, mà cộng đồng quốc tế cũng đang nỗ lực chạy đua ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng và tháo ngòi xung đột ở châu Âu.

DẤU HIỆU XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE CÓ THỂ SẮP ĐẾN HỒI KẾT 

Không chỉ Nga - Ukraine cho thấy khả năng sẵn sàng nhượng bộ, mà cộng đồng quốc tế cũng đang nỗ lực chạy đua ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng và tháo ngòi xung đột ở châu Âu.

Dấu hiệu xung đột Nga - Ukraine có thể sắp đến hồi kết - 1

Các binh sĩ đi qua một khu vực đổ nát do chiến sự tại Zhytomyr, Ukraine ngày 4/3 (Ảnh: Reuters).

Khi Tổng thống Vladimir Putin thông báo mở màn chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố mục tiêu số 1 của ông là "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, Nga bắt đầu có dấu hiệu "nhẹ giọng" hơn trong các phát biểu về Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 8/3 khẳng định, "mục đích của quân đội Nga không phải chiếm đóng hay lật đổ chính phủ Ukraine". Ngày 11/3, Tổng thống Putin tuyên bố trong cuộc gặp với người đồng cấp Belarus tại Moscow rằng, đàm phán giữa Nga và Ukraine đã đạt được một số "tiến triển tích cực".

Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi của Nga. Điều này khiến các nhà đàm phán tin rằng, Tổng thống Putin đang hướng đến một giải pháp thương lượng để tìm lối thoát cho cuộc xung đột mà chính ông cũng không nghĩ rằng sẽ kéo dài và gây thiệt hại lớn như vậy.

Ngày 10/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa 2 quốc gia kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nguyên thủ quốc gia đóng vai trò như một nhà ngoại giao kết nối 2 bên xung đột, tuyên bố rằng cuộc gặp giữa 2 ngoại trưởng có thể "mở ra cánh cửa cho một lệnh ngừng bắn lâu dài".

Dấu hiệu "hạ nhiệt" căng thẳng

Dấu hiệu xung đột Nga - Ukraine có thể sắp đến hồi kết - 2

Ảnh vệ tinh đoàn xe quân sự Nga gần Kiev, Ukraine (Ảnh: Maxar).

Lập trường của Nga là yêu cầu Ukraine phải duy trì trạng thái trung lập, phi hạt nhân, phi quân sự hóa - phi phát xít hóa đất nước, công nhận Crimea là một phần của Nga, công nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk (LPR) - 2 vùng lãnh thổ ly khai tại Đông Ukraine. Mặc dù vẫn còn những khác biệt chưa thể dung hòa, song cả Nga và Ukraine đều cho thấy sự "giảm tông" rõ rệt trong các tuyên bố công khai. 

"Những điều chỉnh này rất đáng chú ý", Ivan Timofeev, chuyên gia tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, nhận định về sự thay đổi trong lập trường đàm phán của Nga. "Lập trường của họ đã trở nên thực tế hơn", Ivan cho biết.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 8/3 nói rằng ông "không còn hào hứng" với việc gia nhập NATO sau khi nhận thấy liên minh quân sự này "chưa sẵn sàng kết nạp Ukraine". "Liên minh này lo sợ những điều mâu thuẫn, lo sợ đối đầu với Nga", ông Zelensky nói. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Ukraine tạm thời từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, dù Kiev vẫn theo đuổi lập trường này trước đây.

Ukraine từ lâu có mong muốn trở thành thành viên của Liên minh châu Âu và liên minh quân sự NATO, song nỗ lực này vấp phải sự phản đối gay gắt của Nga. Tổng thống Putin từng nói rằng việc Ukraine gia nhập NATO sẽ khiến mối đe dọa an ninh của Nga tăng lên đáng kể. Ông chủ Điện Kremlin thậm chí cho rằng, kịch bản Ukraine trở thành một thành viên của NATO là vấn đề "sống còn" đối với Nga.

Liên quan tới việc công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, Tổng thống Zelensky cũng cho thấy tín hiệu khả quan khi tuyên bố, ông sẵn sàng đàm phán để tìm kiếm giải pháp có thể chấp nhận được liên quan đến 2 vùng ly khai tại Đông Ukraine và bán đảo Crimea.

"Chúng tôi có thể thảo luận điều đó và tìm ra một giải pháp thỏa đáng về cách người dân ở đó tiếp tục sinh sống. Với tôi, điều quan trọng là người dân ở các vùng lãnh thổ đó sẽ sinh sống như thế nào. Câu hỏi này còn khó hơn nhiều so với việc công nhận nền độc lập của họ", ông Zelensky nói.

Trong những ngày đầu chiến dịch, Tổng thống Putin liên tục kêu gọi quân đội Ukraine hạ vũ khí và đàm phán. Nhà lãnh đạo Nga dường như kỳ vọng rằng người Ukraine sẽ dễ dàng chấp nhận đứng về phía Nga. Tuy nhiên, sự phản kháng quyết liệt của Ukraine và sự đoàn kết của phương Tây trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt Nga dường như cho thấy, ông Putin đã tính toán sai.

Theo chuyên gia Timofeev, Điện Kremlin nên chọn một trong 2 phương án: hoặc chấp nhận thỏa hiệp với chính quyền thân phương Tây ở Kiev, hoặc tiếp tục chiến dịch quân sự có nguy cơ gây thương vong lớn cho cả quân đội Nga và dân thường Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hy vọng ông Putin sẽ lựa chọn phương án gây tổn thất "ít nhất".

Nỗ lực ngoại giao

Dấu hiệu xung đột Nga - Ukraine có thể sắp đến hồi kết - 3

Tổng thống Vladimir Putin gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Moscow ngày 11/3 (Ảnh: AFP).

Mỹ đã tránh đối thoại trực tiếp với Điện Kremlin ngay từ khi xung đột bắt đầu nổ ra, sau nỗ lực ngoại giao của Ngoại trưởng Blinken và Tổng thống Biden vài tháng trước chiến dịch. Thay vào đó, một số đồng minh của Mỹ đã tăng cường nỗ lực để ngăn chặn xung đột, đặc biệt là Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước có quan hệ với cả Nga và Ukraine.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã đến Moscow vào cuối tuần trước để hội đàm với Tổng thống Putin. Ông  tiếp tục trao đổi với ông Putin qua điện thoại hôm 8/3 và đây là cuộc trao đổi thứ 5 giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ khi chiến sự bắt đầu.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm cách tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa 2 nước. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã trao đổi với Ngoại trưởng Nga 4 lần và với Ngoại trưởng Ukraine 6 lần kể từ khi xung đột nổ ra.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, đã trang bị cho Ukraine các máy bay không người lái. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Putin. Không giống các nhà lãnh đạo NATO khác, ông Erdogan không áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng là một trong số ít nhà lãnh đạo phương Tây nỗ lực tiến hành "ngoại giao con thoi" để hạ nhiệt xung đột Nga - Ukraine. Ông Macron thường xuyên trao đổi với ông Putin, kêu gọi nhà lãnh đạo Nga đưa ra lệnh ngừng bắn và ngừng chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Một lệnh ngừng bắn sẽ mở đường cung cấp viện trợ cho người dân Ukraine, nhưng sẽ không thể chấm dứt xung đột. Thay vào đó, các nhà phân tích cảnh báo, các bên có thể sử dụng lệnh ngừng bắn để tăng cường lực lượng trước khi leo thang chiến sự.

"Đối với Ukraine, họ có thể sử dụng lệnh ngừng bắn như một lá chắn để bảo vệ dân thường, đồng thời nhận viện trợ từ phương Tây. Tôi lo ngại rằng các bên sẽ lợi dụng lệnh ngừng bắn này để gia tăng các cuộc tấn công tiếp theo", Ozgur Unluhisarcikli, Giám đốc Quỹ German Marshall của Mỹ tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Các quan chức Nga và Ukraine đã tổ chức 3 vòng đàm phán tại Belarus kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu nổ ra. Ông Peskov mô tả cuộc gặp của ngoại trưởng Nga - Ukraine gần đây là "bước tiếp nối quan trọng của quá trình đàm phán".

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 10/3 đã bắt đầu chuyến công du 3 ngày tới Ba Lan và Romania, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh NATO đang nỗ lực hỗ trợ Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, Washington và đồng minh vẫn hành động thận trọng để không bị kéo vào một cuộc xung đột quy mô lớn với Nga. Đây được xem là tiền đề quan trọng để Nga và Ukraine có thể sớm hạ nhiệt căng thẳng và tìm ra lối thoát cho cuộc xung đột hiện nay.

Bất chấp lời kêu gọi của Ukraine, Mỹ vẫn không đưa máy bay chiến đấu và thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 10/3 thừa nhận, lý do Mỹ không chuyển 28 máy bay chiến đấu của Ba Lan cho Ukraine là để tránh sự can dự trực tiếp của Mỹ (hoặc có thể là một đồng minh NATO khác) vào cuộc chiến giữa Ukraine và Nga. Bà Psaki gọi nguy cơ bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ 3 là một vấn đề quan trọng, được các cơ quan tình báo, Bộ Quốc phòng và Tổng thống Mỹ cân nhắc trong mọi thời điểm.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng ngày 7/3 cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ các nhà lãnh đạo thế giới kết nối với Tổng thống Putin, miễn là họ cũng có sự kết nối tương tự với Tổng thống Ukraine. Nhà Trắng cũng để ngỏ khả năng sắp xếp cuộc đối thoại giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin.

Samuel Charap, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là nhà phân tích về Nga tại tổ chức Rand Corporation, nhận định Mỹ hiện ưu tiên gây sức ép về quân sự và tài chính đối với Nga hơn là theo đuổi quan hệ ngoại giao. Theo ông Charap, các kênh liên lạc trực tiếp có giá trị ngay cả khi một thỏa thuận khó có vẻ đạt được, vì chúng có thể tạo nền tảng cho các cuộc đàm phán sau đó, đồng thời tránh tình trạng hiểu lầm và có thể trấn an Tổng thống Putin.

"Các chính sách và lập trường của ông Putin có thể đang thay đổi, và cách duy nhất bạn có thể tìm ra điều đó là đối thoại với ông ấy", chuyên gia Charap nhận định.

Thành Đạt

Theo New York Times, Bloomberg

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine