Dấu hiệu Triều Tiên từ bỏ phát triển hạt nhân giữa lúc “xuống thang” với Mỹ
(Dân trí) - Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Triều Tiên đã dừng các hoạt động tại cơ sở hạt nhân chính của nước này đúng vào thời điểm Bình Nhưỡng được cho là đề xuất đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc.
Theo 38 North - trang mạng chuyên theo dõi và phân tích tình hình Triều Tiên, các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy khu thử hạt nhân Punggye-ri, cơ sở hạt nhân chính của Bình Nhưỡng, đã “giảm đáng kể” các hoạt động trong hệ thống đường hầm và các hoạt động khác.
“Hình ảnh vệ tinh thương mại chụp khu thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên từ giữa tháng 3/2018 cho thấy có sự giảm thiểu đáng kể hoạt động đào hầm cũng như sự hiện diện của nhân sự có liên quan tại khu vực này, so với thời điểm chỉ 2 tuần trước đó”, 38 North cho biết.
Trong khi đó, 38 North nói rằng các hình ảnh vệ tinh chụp hồi đầu tháng 3 cho thấy có dấu hiệu rõ rệt của việc đào hầm tại cổng phía tây của khu thử hạt nhân Punggye-ri, trong đó có sự xuất hiện của xe chở đất đá và số lượng “đáng kể” những đống đất đá mới được đào lên. Ngoài ra, một nhóm nhân sự cũng được nhìn thấy làm việc ở khu vực trung tâm của khu thử Punggye-ri. Tuy nhiên, ảnh chụp ngày 17/3 không thấy có dấu hiệu nào của các hoạt động cũng như sự xuất hiện của các phương tiện và nhân sự tại Punggye-ri.
Theo 38 North, những bức ảnh vệ tinh cho thấy sự “im ắng” bất thường của Triều Tiên tại khu thử hạt nhân Punggye-ri được chụp đúng vào thời điểm “các cuộc hội đàm cấp cao giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đang tiến triển và Bình Nhưỡng đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump”.
“Đây là diễn biến quan trọng trong bối cảnh các bên đang nỗ lực thiết lập các cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ đây chỉ là diễn biến tạm thời hay tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới”, 38 North nhận định.
Khu thử hạt nhân Punggye-ri nằm ở vùng đông bắc hẻo lánh của Triều Tiên và là nơi Bình Nhưỡng tiến hành tất cả 6 vụ thử hạt nhân của nước này từ năm 2006 đến nay, bao gồm vụ thử bom nhiệt hạch mạnh nhất từ trước đến nay hồi tháng 9 năm ngoái. Giới chuyên gia nước ngoài thường sử dụng vệ tinh để theo dõi những diễn biến về chương trình hạt nhân của Triều Tiên tại khu vực này.
Thành Đạt
Theo Yonhap