Đằng sau những toilet xa hoa ở Moscow
Nằm giữa trung tâm thành phố, ngay góc điện Kremlin, quán Cà phê Freud là hiện thân của một trong những cơn sốt nóng nhất ở Nga thời hậu Xô viết: những nhà vệ sinh được trang trí vô cùng lộng lẫy.
Các nhà hàng ở Moscow đang đua nhau tô vẽ cho nhà vệ sinh của mình, nào là toilet dát vàng, tường bọc da, bồn cầu bằng sứ cao cấp và phòng tiểu nhìn ra không gian thoáng bên ngoài.
Dường như trào lưu này thể hiện sự giàu có của một lớp người giàu muốn ngồi trên những toilet bọc vàng, dù rằng trong thực tế, tính đến năm ngoái, vẫn còn 30% dân số Nga - tức là 40 triệu người - sống trong nghèo khó.
Ở quán Freud, thực khách có thể thưởng thức món mang tên Libido Sexualis (gồm súp cà chua, tỏi và bánh mì nướng) tại một trong 3 phòng ăn Id (bản năng), Ego (bản ngã) và Superego (siêu ngã). Sau đó, họ đi giải quyết nỗi buồn trong các nhà vệ sinh của mỗi phòng ăn thông qua 3 khung cửa kính có nền màu đỏ, trên vẽ hình thể đàn ông, đàn bà cùng những loại cây và hoa quả gợi dục một cách trừu tượng.
Thời Xô viết, các nhà tắm và vệ sinh hầu như chỉ để cho có. Tình trạng thiếu giấy vệ sinh kinh niên và sự bẩn thỉu của các nhà vệ sinh công cộng thường được lôi ra làm đề tài cho những chuyện tiếu lâm.
Ở nước Nga hậu Xô viết, chủ nghĩa biểu tượng có những sắc thái mới. Moving Together (tạm dịch "Đồng Tiến"), một phong trào của thanh niên ủng hộ chính phủ hiện thời, đã vứt thẳng những cuốn tiểu thuyết của Vladimir Sorokin xuống một nhà vệ sinh mô hình mà họ dựng lên bên ngoài nhà hát Bolshoi hồi năm 2002. Phong trào này tố cáo tác giả là kẻ bệnh hoạn bị ám ảnh bởi tranh ảnh khiêu dâm và bỉ ổi, đồng thời phản đối kế hoạch của Bolshoi dựng vở dựa trên kịch bản của ông này.
Những ví dụ về nhà vệ sinh công cộng tồi tàn vẫn hiển hiện trong các toilet di động ở Moscow, chúng được làm bằng nhựa hàng chợ, do các công nhân quản lý và lau chùi bằng tay. Phí vào nhà vệ sinh kiểu này là 10 rúp (khoảng 5.600 đồng) và bên ngoài mỗi toilet đôi khi còn treo biển "không giảm giá".
Andrei Konchalovsky, một đạo diễn điện ảnh Liên Xô từng chạy sang Hollywood, thậm chí còn đùa cợt bằng ý tưởng lập đảng Lau chùi nhà vệ sinh. Ông này từng viết một cuốn sách gần 400 trang về lịch sử các nhà tắm của Nga và vị trí của nó trong lịch sử các loại nhà tắm trên thế giới.
Konchalovsky thấu hiểu sự phức tạp về tâm lý ẩn sau những nhà vệ sinh sang trọng hiện nay trong các nhà hàng và nhà riêng của lớp người giàu Moscow. Trước kia, họ không có được điều đó, họ không được tỏ thái độ ưa chuộng tiền nong và hoang phí, họ không thể mơ đến những nhà vệ sinh trị giá hàng nghìn đôla, ông này phân tích.
Tuy nhiên, dưới con mắt phê phán của Vedomosti, nhật báo chuyên về kinh doanh có tiếng ở Nga, trào lưu nhà vệ sinh sang trọng này chẳng qua biểu hiện một động cơ thực tế hơn nhiều.
"Điều dễ hiểu là vì tiền, người nọ đua với người kia", Aleksei Zimin của báo này viết và nói thêm rằng cái nhà vệ sinh ưa thích của anh ta thuộc một nhà hàng đã đóng cửa. Nó có một bồn tiểu có hình dáng thác nước. "Người ta cạnh tranh nhau về thức ăn, rượu và bếp. Cái này chẳng qua là một cách để thu hút sự chú ý của mọi người mà thôi".
Marina Putilovskaya, người thiết kế một nhà hàng với đặc trưng là kính và mang phong cách phóng túng, lên tiếng bảo vệ sự xa hoa trong các phòng tắm và nhà vệ sinh. "Mỗi khi con người nhìn thấy cái đẹp, họ tích cực làm việc hơn", bà nói
Còn từ góc độ lịch sử, ông Konchalovsky nhận xét rằng việc ngày càng có nhiều người Nga quan tâm đến sự xa xỉ trong toilet là một dấu hiệu tốt của phát triển kinh tế: "Nơi nào mà nhà vệ sinh bẩn thỉu, nơi đó mọi việc chắc không tốt đẹp gì".
Theo Vnexpress/NYT