1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đằng sau bài phát biểu nhằm vào Mỹ của ông Putin

(Dân trí) - "Việc Mỹ tăng cường sử dụng vũ lực trên thế giới đang tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, khiến các nước nhỏ hơn phải quay sang tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Mỹ đang làm cho thế giới trở nên nguy hiểm hơn, khi theo đuổi các chính sách bá chủ toàn cầu".

Phát biểu trên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Munich về Chính sách An ninh lần thứ 43 ở Đức đã khiến cả thế giới bất ngờ bởi không ai có thể hình dung được ông Putin lại đưa ra chỉ trích mạnh mẽ và thẳng thắn đến vậy đối với Mỹ và bởi đây là chỉ trích gay gắt nhất của một nguyên thủ Nga, đối với Mỹ kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Nguyên do nào khiến ông Putin làm như vậy, phải chăng Nga cảm thấy đã đủ tự tin, sức mạnh để đối đầu với Mỹ, hay bởi Nga đã quá thất vọng với Phương Tây hay còn một nguyên nhân nào khác.

 

Trong bài phát biểu của mình, ông Putin nói: "Các nước đang chứng kiến việc Mỹ sử dụng vũ lực một cách thái quá trong quan hệ quốc tế. Nền hòa bình thế giới ngày nay còn mong manh hơn so với thời kỳ đối đầu Xô - Mỹ. Mỹ đã vượt ra ngoài biên giới của mình theo rất nhiều nghĩa. Đây là điều nguy hiểm. Không còn ai cảm thấy an toàn bởi chẳng ai còn có thể nương nhờ dưới cái ô của luật pháp quốc tế nữa. Điều này thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mà ở đó các nước đều mong có vũ khí hạt nhân".

 

Về khái niệm dân chủ trong quan niệm "thế giới đơn cực", ông Putin nói: "Thế giới đơn cực là gì? Dù chúng ta có màu mè hóa thuật ngữ này như thế nào đi nữa thì nó vẫn là một trung tâm quyền lực duy nhất, một trung tâm sức mạnh và một bá chủ. Điều này chẳng có gì là giống với dân chủ... Người ta luôn rao giảng cho chúng ta về dân chủ, nhưng chính những người đi rao giảng này lại không muốn hiểu thế nào là dân chủ".

 

Cảm giác bất an

 

Theo các nhà phân tích, chỉ trích trên của ông Putin phản ánh mối lo ngại lâu dài của Nga trước việc NATO ngày càng áp sát biên giới nước này và về kế hoạch triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ tại hai nước Trung Âu là CH Séc và Ba Lan. Ông Putin nói: "Tiến trình mở rộng NATO chẳng thể hiện đại hóa liên minh này hay đảm bảo an ninh cho châu Âu. Ngược lại, đây là yếu tố làm giảm sút nghiêm trọng sự tin tưởng lẫn nhau". Liên minh châu Âu (EU) và NATO không có quyền đơn phương can thiệp vũ lực vào các khu vực khủng hoảng. Đó là quyền của Liên Hợp Quốc, EU và NATO không thể thay thế LHQ".

 

Chỉ trích này cũng được đưa ra trong lúc mà ảnh hưởng của Nga tại khu vực vốn được gọi là "sân sau" của nước này đang ngày một thu hẹp và trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hồi đầu tháng liệt kê Nga vào danh sách các quốc gia mà quân đội Mỹ phải chuẩn bị đối mặt. 

 

Theo các nhà phân tích, việc Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây cho rằng Mỹ là một đối tác khó chơi cho thấy phần nào sự thất vọng của Nga trước Mỹ, bởi mặc dù Nga luôn hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực chống khủng bố và ngăn ngừa phổ biến vũ khí, Mỹ vẫn liên tục gây khó dễ với Nga trên mọi mặt trận khác, từ nhân quyền, kinh tế tới quân sự…

 

Một số nhà phân tích khác lại cho rằng kế hoạch xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu đặc biệt làm Nga tức giận, song Putin cũng có cảm giác không thoải mái trước các chính sách của Mỹ như nhiều người khác trên thế giới. Nhà phân tích các vấn đề quốc phòng và quốc tế Sergei Karaganov nói: "Như những người khác, Putin thất vọng trước việc Mỹ quyết định giữ vai trò cảnh sát quốc tế và thực hiện vai trò này một cách yếu kém".

 

Dấu hiệu của niềm tin mới chăng?

 

Theo các nhà phân tích, mặc dù những lời buộc tội trên không có gì mới, song hội nghị cấp cao này đem lại cho Putin cơ hội để thể hiện mong muốn của Mátxcơva có một chính sách đối ngoại độc lập. Một số nhà phân tích cho rằng, chỉ trích của ông Putin trước các quan chức an ninh cấp cao trên toàn thế giới, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, là dấu hiệu cho thấy sự t tin của Nga trước sự ủng hộ ngày một gia tăng của cộng đồng thế giới đối với nước này. Ông Lukyanov, biên tập viên tạp chí "Nga trong Các vấn đề Toàn cầu", nói: "Tổng thống Putin đã đưa ra bức thông điệp rằng Nga là đất nước hùng mạnh trên tất cả các mặt trận".

 

Việc ông Putin đưa ra chỉ trích trên tại một hội nghị an ninh thường niên rất có uy tín rõ ràng là nhằm thu hút tối đa sự chú ý. Một quan chức cấp cao Châu Âu đề nghị giấu tên nói: "Bức thông điệp mà tôi nhận thấy từ bài phát biểu này là ông Putin muốn nước Nga có vai trò tương tự như Liên Xô trước đây trên thế giới".

 

Các nhà quan sát cho biết dù ông Putin có dụng tâm gì khi đưa ra bài phát biểu trên thì quan hệ giữa Nga-Mỹ trong thời gian tới chắc chắc sẽ thêm phần căng thẳng. Trong phản ứng trước chỉ trích của ông Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố chiến tranh lạnh đã qua và với thế giới một cuộc chiến tranh lạnh đã là quá đủ.

 

Không ai có thể phủ nhận một sự thật rằng cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô cũ và Mỹ đã đi vào lịch sử, nhưng cũng không ai có thể bác bỏ rằng chắc chắc sẽ không có một cuộc chiến mới giữa Mỹ và Nga.

 

Kiến Văn 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm