1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Dàn vũ khí hùng hậu trong lễ duyệt binh của Triều Tiên

(Dân trí) - Mặc dù quy mô của lễ duyệt binh năm nay được đánh giá không hoành tráng bằng những năm trước nhưng quân đội Triều Tiên cũng phô diễn sức mạnh của nhiều loại vũ khí, bao gồm các tên lửa uy lực.

Toàn cảnh lễ duyệt binh của Triều Tiên nhìn từ trên cao (Ảnh: KCTV)
Toàn cảnh lễ duyệt binh của Triều Tiên nhìn từ trên cao (Ảnh: KCTV)

Triều Tiên ngày 8/2 đã tổ chức lễ duyệt binh tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng song không mời phóng viên quốc tế tham dự. Đây là cuộc duyệt binh đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ tháng 4 năm ngoái và quy mô của cuộc duyệt binh năm nay được đánh giá không hoành tráng bằng các năm trước. Tuy vậy, quân đội Triều Tiên vẫn phô diễn sức mạnh của nhiều loại vũ khí, bao gồm các tên lửa đạn đạo được chở bằng xe quân sự.

Koksan

Pháo Koksan của Triều Tiên tham gia lễ duyệt binh ngày 8/2 (Ảnh: NK News)
Pháo Koksan của Triều Tiên tham gia lễ duyệt binh ngày 8/2 (Ảnh: NK News)

Một trong những vũ khí “quen mặt” trong các lễ duyệt binh của Triều Tiên và tiếp tục tham gia lễ duyệt binh năm nay là hệ thống pháo tự hành 170 mm Koksan. Loại pháo tầm xa này nặng hơn bất kỳ pháo cùng loại nào trong kho vũ khí của Mỹ và đóng vai trò chính trong lực lượng pháo binh Triều Tiên có khả năng đe dọa thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

KN-16 và KN-09

Hệ thống KN-16 của Triều Tiên tại lễ duyệt binh (Ảnh: NK News)
Hệ thống KN-16 của Triều Tiên tại lễ duyệt binh (Ảnh: NK News)

Đoạn video về lễ duyệt binh do truyền hình nhà nước Triều Tiên đăng tải cho thấy sự xuất hiện của hệ thống phóng rocket đa nòng KN-16. Hệ thống phóng rocket đa nòng gắn trên xe tải của Triều Tiên có tổng cộng 22 ống phóng rocket 240 mm được chia đều làm hai phần.

Tương tự Koksan, các rocket này có thể dễ dàng tấn công Seoul hoặc các mục tiêu quân sự tầm xa trong trường hợp xảy ra xung đột mà không cần vượt qua khu phi quân sự liên Triều. Tuy vậy, hệ thống KN-16 của Triều Tiên được cho là hoàn toàn không bọc thép và do vậy khó có thể chịu đựng được hỏa lực của pháo binh đối phương.

Ngoài KN-16, lễ duyệt binh của Triều Tiên cũng giới thiệu KN-09 - “người anh” của KN-16. Hệ thống KN-09 cũng được đặt trên một xe tải và 8 ống phóng rocket 300 mm. Những ống phóng này đều to và dài hơn so với ống phóng trên KN-16. Ước tính tầm bắn của KN-9 vào khoảng 178 km.

Tên lửa tầm ngắn

Hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới của Triều Tiên tiến qua lễ đài (Ảnh: NK News)
Hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới của Triều Tiên tiến qua lễ đài (Ảnh: NK News)

Giới phân tích quân sự phát hiện một hệ thống tên lửa hoàn toàn mới của Triều Tiên. Đây dường như là tên lửa đạn đạo tầm ngắn tương tự tên lửa 9K720 Iskander của Nga. Tên lửa mới này có phần chóp nhọn nhưng phần thân ngắn. Tương tự tên lửa Nga, tên lửa Triều Tiên cũng được gắn trên xe tải.

Theo Popular Mechanics, về mặt lý thuyết, tên lửa này có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân, tuy nhiên Triều Tiên bị nghi là chưa đạt được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa.

KN-15

Tên lửa KN-15 có thể gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên (Ảnh: NK News)
Tên lửa KN-15 có thể gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên (Ảnh: NK News)

Trong lễ duyệt binh ngày 8/2, Triều Tiên đã giới thiệu một số tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân của nước này, trong đó có KN-15 hay thường được Bình Nhưỡng gọi là Pukkuksong-2. KN-15 ước tính có tầm hoạt động từ 500-2.500 km, tức là có thể đặt toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản vào tầm ngắm.

KN-15 là phiên bản đặt trên mặt đất của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm KN-11. KN-15 được đặt trên xe bọc thép với phần bánh xích giống xe tăng để đảm bảo tính linh động khi di chuyển qua nhiều khu vực.

Hwasong-12

Tên lửa Hwasong-12 di chuyển thành một cặp tại lễ duyệt binh (Ảnh: NK News)
Tên lửa Hwasong-12 di chuyển thành một cặp tại lễ duyệt binh (Ảnh: NK News)

Một tên lửa tầm xa hơn của Triều Tiên là Hwasong-12 (hay còn gọi là KN-17) cũng được nhìn thấy tiến qua lễ đài tại lễ duyệt binh dưới sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tầm hoạt động ước tính của KN-17 vào khoảng 3.700-4.500 km. Điều này đồng nghĩa với việc KN-17 có thể tấn công các căn cứ hải quân, không quân và thủy quân lục chiến của Mỹ trên vùng lãnh thổ Guam.

Hwasong-14

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 phô diễn sức mạnh tại lễ duyệt binh (Ảnh: NK News)
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 phô diễn sức mạnh tại lễ duyệt binh (Ảnh: NK News)

Hwasong-14, hay còn gọi là KN-20, là tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên xuất hiện trong lễ duyệt binh với khả năng tấn công hầu hết lục địa Mỹ. Triều Tiên đã thử nghiệm Hwasong-14 vào ngày 4/7/2017 và tầm tấn công của tên lửa này ước tính khoảng 10.000 km.

Không giống các tên lửa khác được đặt trên xe mang phóng tự hành, KN-20 được đưa tới lễ duyệt binh tại Quảng trường Kim Nhật Thành bằng xe tải sàn phẳng.

Hwasong-15

Hwasong-15 - tên lửa át chủ bài của Triều Tiên xuất hiện ở cuối lễ duyệt binh (Ảnh: NK News)
Hwasong-15 - tên lửa "át chủ bài" của Triều Tiên xuất hiện ở cuối lễ duyệt binh (Ảnh: NK News)

Triều Tiên đã quyết định giữ “át chủ bài” tới phút chót khi đưa tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15, hay còn gọi là “quái vật” KN-22, diễu binh cuối cùng. Bình Nhưỡng thử nghiệm Hwasong-15 lần đầu tiên vào tháng 11/2017 và tuyên bố tên lửa đạn đạo 2 tầng này có thể tấn công bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ.

KN-22 tiến vào Quảng trường Kim Nhật Thành trên xe mang phóng 18 bánh được cho là giống xe chở gỗ mua từ Trung Quốc. Loại xe này sẽ đưa tên lửa từ các kho được bảo vệ nghiêm ngặt như các hang động dưới lòng đất hay các nhà chứa kiên cố tới vị trí phóng cố định.

Cận cảnh tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên (Ảnh: KCTV)
Cận cảnh tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên (Ảnh: KCTV)

Theo trang mạng 38 North, lễ duyệt binh mới nhất của Triều Tiên không có sự xuất hiện của một số loại tên lửa như KN-08, KN-14, Musudan, Nodong hay các biến thể của tên lửa Scud. Sự vắng mặt của Musudan, tên lửa từng thất bại 7 trong số 8 lần phóng thử, cho thấy Triều Tiên có thể đã tạm dừng sử dụng loại tên lửa này. Trong khi đó, Bình Nhưỡng được cho là gặp khó khăn về kỹ thuật khi vận hành các tên lửa KN-08 hay KN-14 sử dụng động cơ Isyaev 4D10 tương tự trên tên lửa Musudan.

Thành Đạt

Tổng hợp