1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dàn khí tài “khủng” Nga có thể dùng đáp trả Mỹ thử tên lửa hậu INF

(Dân trí) - Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho Bộ Quốc phòng và các cơ quan nước này cảnh báo có biện pháp đáp trả vụ phóng tên lửa gần đây của Mỹ, giới chuyên gia đã chỉ ra những vũ khí quân sự Nga có thể dùng để thực hiện động thái nói trên.

Dàn khí tài “khủng” Nga có thể dùng đáp trả Mỹ thử tên lửa hậu INF - 1

Bệ phóng tên lửa Iskander của Nga (Ảnh: RIA)

Theo hãng tin RT, Tổng thống Putin ngày 23/8 đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác của Nga “nghiên cứu mức độ đe dọa gây ra bởi các hành động của Mỹ, và có biện pháp cụ thể để chuẩn bị đáp trả tương xứng”.

Mệnh lệnh của Tổng thống Nga được đưa ra chỉ vài ngày sau khi quân đội Mỹ tiến hành thử nghiệm phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk ở California. Tên lửa bay xa khoảng 500km trước khi đánh trúng mục tiêu giả định. Mỹ đã thực hiện động thái này chỉ vài tuần sau khi họ rút ra khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF.

Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh rằng ông không ủng hộ một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện giữa 2 nền quân sự hàng đầu thế giới ở thời điểm hiện tại.

Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, cựu quân nhân lục quân nhận định rằng Nga có hàng loạt vũ khí hiện đang bị kiềm chế tính năng bởi hiệp định INF. Vì vậy, Nga có thể bắt đầu quá trình cải tiến nhằm nâng cao tầm bay của các vũ khí này vượt khỏi thông số 500-5.500 km trogn INF trước đó.

Theo ông Murakhovsky, hệ thống tên lửa mặt đất Iskander của Nga là một ví dụ về việc bị hạn chế tầm bay xuống mức 480km để không vi phạm INF. “Hiện thời, không còn sự ràng buộc nào cả, không quy định nào có thể ngăn Nga cải thiện tầm bay của các khí tài. Đây là phương án với giá thành thấp nhất nhưng lại hiệu quả nhất”, chuyên gia quân sự nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia Mikhail Khodarenok, cựu quân nhân lực lượng phòng không Nga, nói rằng Moscow có thể hồi phục các hệ thống tên lửa chiến thuật từng bị loại bỏ vì INF.

“Ví dụ, một vài lữ đoàn tên lửa tiền tuyến với tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có thể được triển khai và động thái này sẽ không vượt quá ngân sách quân sự kế hoạch của Nga”, ông Khodarenok nói.

Dàn khí tài “khủng” Nga có thể dùng đáp trả Mỹ thử tên lửa hậu INF - 2

Tên lửa Kalibr-NK (Ảnh: RIA)

Chuyên gia trên cũng tin rằng Nga sẽ sớm thử tên lửa hành trình tương tự như Tomahawk của Mỹ. Một ứng cử viên sáng giá nhất cho bài thử này là Kalibr-NK, tên lửa phóng từ tàu được mệnh danh là cơn ác mộng của phần tử khủng bố tại Syria.

Ông Khodarenok cũng dự đoán rằng: “Trong tương lai gần nhất, Nga sẽ giới thiệu một hệ thống tên lửa hành trình phóng từ mặt đất mới”.

Một ứng viên khác mà Nga cũng có thể cân nhắc chính là hệ thống Club. Hệ thống khí tài này được được “cải trang” thành các container chở hàng có thể đặt trên xe tải, tàu hỏa hoặc tàu thuyền, giúp cho việc di chuyển tên lửa không gây nghi ngờ. Giống như Iskander, Club đã bị hạ tầm tấn công xuống 300 km với đầu đạn 500 kg do các hiệp ước hạn chế vũ khí.

“Không có giới hạn, năng lực của vũ khí trên sẽ tăng lên một cách rõ rệt”, ông Murakhovsky nhận định.

Ngoài ra, Nga có thể kết hợp các vũ khí tối tân với các công nghệ hiệu quả từng dùng trong quá khứ. Ông Murakhovsky chỉ ra rằng Nga đã thiết kế và phát triển tàu lượn siêu thanh Avangard và nó “được tích hợp trên một tên lửa cũ kĩ từ thời Liên Xô có tên UR-100”.

Chuyên gia này cho rằng với cách làm như vậy Nga đã kiềm tỏa ”nỗ lực của Mỹ trong việc phát triển hệ thống đánh chặn như THAAD và Aegis” mặc dù chi phí đầu tư của Nga cho việc phát triển khí tài quân sự so với Mỹ chỉ là 1/1.000.

Tàu ngầm hạt nhân Nga khai hỏa tên lửa Kalibr đánh trúng mục tiêu cách 700km

Đức Hoàng

Theo RT