Đàm phán Mỹ - Iran: Vẫn ông chẳng, bà chuộc
(Dân trí) - Ngày 28/5 tới, Mỹ và Iran sẽ có một cuộc gặp cấp đại sứ để bàn về vấn đề Iraq. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xét theo bối cảnh tình hình khu vực và quan hệ giữa hai nước hiện nay, cuộc gặp này sẽ khó đi đến một kết quả nào đó cụ thể.
Mỹ cân nhắc việc "bỏ của chạy lấy người"
Trước tổn thất ngày một lớn của binh sĩ Mỹ tại Iraq và sức ép ngày một lớn từ Quốc hội đòi rút quân khỏi Iraq, các chiến lược gia Mỹ một lần nữa lại lên kế hoạch "Iraq hóa chiến tranh", theo đó tăng mạnh quân số các lực lượng an ninh Iraq nhằm chuyển vai trò của quân đội Mỹ từ chiến đấu sang hỗ trợ, ngõ hầu giúp giảm bớt quân số Mỹ tại Iraq.
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Tướng Peter Pace, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho rằng một sự chuyển đổi như vậy nằm trong số những thay đổi có thể được áp dụng sau khi Tư lệnh Mỹ tại Iraq, Tướng David Petraeus có báo cáo về kết quả của các chính sách đang được áp dụng tại Iraq trong tháng 9 này. Trong cuộc họp báo trên, cả ông Pace và Gates đều đề cập tới phát biểu của ông Bush tại Nhà Trắng sáng 24/5, nói rằng ông thích đề xuất của Nhóm Nghiên cứu Iraq (ISG) đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó bao gồm những khuyến nghị thay đổi chính sách tại Iraq để chuyển quân đội Mỹ ở tại nước này từ vai trò chiến đấu trực tiếp sang vai trò huấn luyện và chống khủng bố.
Theo các chuyên gia, những tuyên bố trên có ẩn ý về sự thay đổi lớn, hoặc nó cho thấy khả năng thành công của chính sách hiện hành của Mỹ trong việc bình ổn Baghdad và tạo tiền đề cho một giải pháp chính trị giữa các phe phái đối địch tại Iraq hoặc cho thấy chính sách này thất bại và buộc Tổng thống George W. Bush phải từ bỏ cuộc chiến chống lại các phần tử nổi dậy ở Iraq.
Tướng lục quân về hưu Mỹ, Barry McCaffrey, người vừa có một tuần đi thị sát Iraq để đánh giá tình hình nói rằng dường như chính quyền Mỹ đang tính đến phương án rút quân khỏi Iraq. McCaffrey nói: "Chính quyền của tổng thống Bush đang hướng tới cánh cửa. Mặc dù vẫn hy vọng rằng vào cuối năm nay việc tăng quân ở Baghdad sẽ làm thay đổi cuộc chiến, nhưng nếu thất bại, họ sẽ bắt đầu rút quân".
Trong một diễn biến có liên quan, tờ “Thời báo New York" ngày 25/5 đưa tin Nhà Trắng đang cân nhắc giảm tới một nửa lực lượng chiến đấu của Mỹ tại Iraq vào năm tới, xuống còn khoảng 100.000 quân khi mà cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ bước vào thời điểm sôi động. Nhiệm vụ phải giành lại quyền kiểm soát tại Baghdad và tỉnh Anbar mà Tổng thống George W. Bush đặt ra cho quân đội Mỹ hồi tháng Giêng cũng sẽ được hạ thấp xuống chỉ còn là tập trung vào việc huấn luyện quân đội Iraq và chiến đấu với tổ chức khủng bố Al Qaeda trong khiquân Mỹ rút khỏi các nỗ lực chống nổi dậy tại Baghdad.
Và sự chuẩn bị của Iran
Các quan chức cao cấp Mỹ tiết lộ rằng Iran đang bí mật gia tăng mối quan hệ với các phần tử al-Qaeda và các nhóm dân quân Arab Sunni ở Iraq để chuẩn bị cho cuộc tấn công mùa Hè vào lực lượng liên quân với mục đích tác động Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua việc rút quân đội Mỹ hoàn toàn ra khỏi Iraq.
Các quan chức Mỹ khẳng định họ có bằng chứng chắc chắn rằng Tehran đã thay đổi chiến thuật khi nước này cảm thấy có cơ hội thắng lợi ở Iraq. Theo các quan chức này, nếu trước đây Iran chỉ duy trì quan hệ chặt chẽ với các đảng phái chính trị và các nhóm dân quân Shiite ở Iraq, thì nay họ đã hợp tác với al-Qaeda và các nhóm nổi dậy Sunni. Các quan chức trên cũng cho biết Iran cũng đã thay đổi chính sách của họ tại Afganistan và hiện đang ủng hộ Taliban chống các lực lượng quân đội Mỹ, Anh và NATO.
Chiến lược này bao gồm cả sự phối hợp được tăng cường với các nhóm dân quân Shiite như quân đội Mahdi của giáo sĩ Shiite Moqtada al-Sadr cũng như các nhóm Arab Sunni được Syri ủng hộ và al-Qaeda ở Mesopotamia. Iran cũng mở rộng các cuộc tiếp xúc với các lực lượng bán vũ trang và các nhóm chính trị, kể cả các đảng phái người Cuốc như PUK, một đồng minh của Mỹ. Quan chức Mỹ cho biết chiến lược của Iran có tính tới mọi đảng phái khác nhau. Iran đang sử dụng các phe phái này để gia tăng sự kiểm soát tương lai của họ đồng thời tăng cường tối đa những khó khăn đối với Mỹ và Anh".
Một số chuyên gia cho rằng chỉ thời gian mới trả lời được Iran rốt cuộc có đạt được mục đích của họ hay không, nhưng chắc chắn với những mưu tính trên của Tehran và trong bối cảnh Mỹ đang có dấu hiệu "đánh bài lùi" ở Iraq, Wasington khó có thể trông đợi được một bước đột phá nào đó trong vấn đề Iraq sau cuộc hội đàm vào ngày 28/5 tới nếu không có những nhượng bộ cụ thể với Iran.
Kiến Văn