Cựu Thủ tướng Guinea nêu giải pháp cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội
(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Guinea Kabine Komara cho rằng cần có các giải pháp cả trên phương diện quốc tế và trong nước để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nội hiện nay.
Trong cuộc họp báo của Tổ chức Lãnh đạo vì Hòa bình diễn ra tại Đại sứ quán Pháp vào chiều ngày 17/12, cựu Thủ tướng Guinea Kabine Komara đã trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Hà Nội trong thời gian gần đây.
“Ô nhiễm không khí là vấn đề hết sức nghiêm trọng và khi chúng tôi đến đây, chúng tôi bị choáng về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội”, ông Komara cho biết.
Theo cựu Thủ tướng Guinea, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam năm vừa qua đã đưa ra báo cáo để đánh giá về tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, đồng thời phân tích 5 nguồn gốc gây ra tình trạng này.
“Thứ nhất là do tình trạng đốt rơm rạ ở khu vực ngoại vi Hà Nội. Thứ hai là do khí thải từ các nhà máy công nghiệp cả ở trong và ngoại vi Hà Nội. Thứ ba là hoạt động khai thác mỏ ở những tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội. Thứ tư là do tình trạng giao thông. Thứ năm là do việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả. Và thứ sáu, tôi muốn bổ sung thêm là do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng Trái Đất nóng lên, khiến khí hậu trở nên cực đoan hơn”, ông Komara nói.
Theo cựu Thủ tướng Guinea, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí cần có những biện pháp ở cả phương diện quốc tế và trong nước.
Ở phương diện quốc tế, vào năm tới, Việt Nam sẽ là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là chủ tịch của ASEAN. Do vây, Việt Nam cần thúc đẩy chủ đề về môi trường và chống ô nhiễm không khí cả trong hợp tác ASEAN và hợp tác quốc tế.
Cụ thể, Việt Nam cần thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ cam kết về thỏa thuận biến đổi khí hậu, ví dụ hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam với vai trò và trách nhiệm quốc tế cần thúc đẩy việc thực hiện các cam kết quốc tế này.
Ở quy mô trong nước, Việt Nam cần có các giải pháp trung và dài hạn. Ví dụ trong lĩnh vực giao thông, Hà Nội cũng đang có các biện pháp để giảm tải giao thông và điều tiết lưu lượng giao thông sử dụng xe cơ giới tại thành phố này trong vòng 10 - 15 năm tới. Hay trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam cần nghĩ tới việc thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp.
Cựu Thủ tướng Kabine Komara cho biết những nỗ lực của Việt Nam sẽ được thúc đẩy thêm bằng sự hỗ trợ của các nước phát triển.
“Tôi biết rằng Cơ quan Phát triển Pháp là đơn vị rất tích cực trong việc cung cấp các khoản hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường. Trong năm vừa qua, phần lớn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Pháp dành cho Việt Nam thông qua Cơ quan Phát triển Pháp đều tập trung vào lĩnh vực môi trường và cải thiện chất lượng không khí”, ông Komara nói.
Phát biểu tại cuộc họp báo, cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin cho biết ông tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1988 và có dịp trở lại Việt Nam nhiều lần sau đó. Trong suốt hàng chục năm, với tư cách là cá nhân đi du lịch cùng gia đình hay đi công tác với các trọng trách khác nhau, ông Raffarin nói rằng ông ấn tượng bởi sự thay đổi của Việt Nam với mức độ tăng trưởng cao và tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng.
“Tuy nhiên, hiện đại hóa diễn ra cùng quá trình đô thị hóa, mà đô thị hóa sẽ đi cùng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Đây là vấn đề chung của rất nhiều thành phố trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có biện pháp để cùng khắc phục những mặt trái của sự phát triển. Pháp thông qua các tổ chức của mình đã có nhiều sáng kiến để chia sẻ những cách làm tốt, những thực tiễn hay cho Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường”, ông Raffarin nói.
Hội thảo “Môi trường và Hòa bình”
Cựu Thủ tướng Guinea Kabine Komara là một trong 8 thành viên của Tổ chức Lãnh đạo vì Hòa bình vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam trong 2 ngày 16 - 17/12. Phái đoàn do cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin dẫn đầu và có các thành viên khác gồm bà Assia Ben Salah, Đại sứ hành trình của Nhà vua Morocco; bà Elisabeth Decrey, Chủ tịch danh dự Tổ chức Lời kêu gọi Geneva, nghiên cứu viên cộng sự tại Trung tâm Chính sách An ninh, bà Ouided Bouchamaoui, cựu Chủ tịch Liên minh Công nghiệp thương mại và Thủ công Tunisia, người đoạt Giải Nobel Hòa bình năm 2015; bà Yin Myo Su, người sáng lập Quỹ Inle Heritage (Myanmar); ông Kanwal Sibal, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Pháp.
Sáng 16/12, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lãnh đạo vì Hòa bình tổ chức Hội thảo “Môi trường và Hoà bình”. Tại hội thảo, nhiều sáng kiến, giải pháp đã được đưa ra, trong đó nhấn mạnh vào việc giáo dục nhận thức của mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, hội thảo cũng kêu gọi mọi người hành động để đảm bảo sự đa dạng sinh học trong môi trường đối với lưu vực sông Mekong vì sự an toàn và môi trường sống của người dân.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Đại sứ quán Pháp, cựu Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin cho biết thông qua Hội thảo “Môi trường và Hoà bình” tại Hà Nội lần này, Tổ chức Lãnh đạo vì Hòa bình mong muốn nâng cao nhận thức của các nước về mức độ nghiêm trọng liên quan tới sự sống còn của sông Mekong.
“Theo nhiều dự báo của các nhà khoa học, nếu chúng ta không có biện pháp gì để bảo vệ sông Mekong thì trong một thế kỷ nữa dòng sông này có thể biến mất. Chúng tôi đặt trọng tâm vào đa dạng sinh học. Vì nếu chúng ta không hành động, không cứu lấy sự sống của dòng sông Mekong, dòng sông này có thể không còn tồn tại trong tương lai”, ông Raffarin cảnh báo.
Lãnh đạo vì Hoà bình là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 2017 do cựu Tổng thổng Pháp Jean-Pierre Raffarin làm Chủ tịch. Tổ chức gồm 40 thành viên là các cựu lãnh đạo cấp cao, chính khách của một số nước và tổ chức quốc tế như cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, cựu Tổng Giám đốc UNESCO, cựu Thủ tướng một số nước như Italy, Hungary.
Thành Đạt