1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc sống ổ chuột dưới cái bóng của “Gangnam Style”

(Dân trí) - Lầm lũi dưới cái bóng của các tòa nhà cao tầng trên quận Gangnam giàu có nhất Seoul, cụ bà Kim Bok-Ja, 75 tuổi, kéo chiếc xe chở giấy bìa qua thị trấn ổ chuột nằm không ăn nhập gì với một trong những thành phố phát triển nhất châu Á.

 

 
Sự đối nghịch giữa Gurryong và Gangnam.
Sự đối nghịch giữa Gurryong và Gangnam.

Tại một sân tái chế, bà Kim cười gượng gạo khi đếm số tiền còm cõi bà lượm lặt được nhờ thu gom các thùng giấy và bao bì cả một ngày trời. “Đây là tất cả những gì tôi có thể làm để sống, có lẽ là cho đến tận khi tôi chết, bởi tôi sống một mình, không có thu nhập ổn định”, bà nói.

 

Nhà của bà Kim nằm ở Guryong, khu ổ chuột bẩn thỉu và ngày một mở rộng, với những căn lều gỗ dán và vải bạt được những người chiếm đất dựng lên từ năm 1988, khi họ bị đuổi khỏi các khu vực khác để lấy chỗ làm đẹp cho Seoul, vào thời điểm thành phố đang chuẩn bị đăng cai thế vận hội Olympic.

 

Gần 25 năm sau, Guryong (có nghĩa là “Chín con rồng) đã có hơn 2.000 cư dân, sống vật vờ, mất vệ sinh, với mức nghèo khổ của Thế giới thứ ba.

 

Nơi đây là một trời cách biệt với thế giới phù hoa, giàu có của quận Gangnam kế cận. Gangnam là quận thượng lưu với những cửa hàng bán đồ xa xỉ, với những câu lạc bộ đêm đã được nổi tiếng nhờ bài hit “Gangnam Style” của rapper Hàn Quốc Psy.

 

Tài xế taxi cũng gặp khó khăn khi “định vị” Guryong, mặc dù nó chỉ nằm cách Gangnam một tuyến đường cao tốc 6 làn và bao phủ khu vực rộng tới 30hecta.

 

“Làng của chúng tôi là khu ổ chuột lớn nhất Seoul nhưng nó có vẻ như không xuất hiện trên bất kỳ bản đồ nào”, Lee In, phó chủ tịch hội đồng nhân dân Guryong cho hay. Và một phần lớn cư dân ở đây ở trong độ tuổi 70, 80. Họ sống một mình và hầu hết không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của nhà nước.

 

“Nhiều người phải làm những công việc cự nhọc, bẩn thỉu để kiếm sống qua ngày”, Lee cho hay. “Họ không chết đói phần lớn nhà nhờ sự giúp đỡ của những người tình nguyện và các nhóm tôn giáo”.

 

Một trong rất nhiều đặc điểm đáng kính của Guryong là rất nhiều cây thánh giá gỗ được thấy nổi bật trên những mái nhà thấp lè tè của hàng chục nhà thờ nằm khắp khu ổ chuột. Một đặc điểm nổi bật khác nữa là từng mét đất thừa đều được biến thành nơi để những chậu rau do người dân tự trồng để tự cung.

 

“Biểu tượng của sự bất cân bằng”

 

Khu ổ chuột Guryong là những “mái nhà” xây dựng trái phép, nguồn điện, gas hầu như không tồn tại, vì vậy mà những bánh than cuộn khói là nguồn sưởi ấm chính qua mùa đông lạnh giá ở Seoul.

 

Một vụ cháy hồi tháng một lan từ những căn lều gỗ mỏng mảnh trong phút chốc đã “nuốt” trọn nhiều ngôi nhà, trong khi lũ lụt do mưa lớn hồi tháng 7 năm goái đã phá hủy một phần lớn của làng.

 

Một lợi thế duy nhất ở trong những ngôi nhà thô sơ này là người ta có thể dễ dàng dựng lại. “Với những gì bị sụp đổ trong ngày chúng tôi có thể dựng trở lại vào ban đêm”, cư dân 54 tuổi, Kim Mi-Ran cho hay.

 

Có một điều trớ trêu của Guryong bẩn thỉu là nó nằm trên khu đất vàng mà nhiều nhà phát triển thèm muốn. Khu đất do tư nhân sở hữu, song tình trạng lấn chiếm bất hợp pháp ở đây diễn ra lâu tới mức cư dân được chính quyền thành phố ra quyết định cấp giấy phép ở tạm vào năm ngoái.

 

Đầu năm nay, một nhà phát triển tư nhân đã đưa ra kế hoạch xây dựng nhà giá thuê thấp cho cư dân Guryong và tái phát triển khu đất họ đã bỏ trống. Giới chức Seoul kể từ đó đã đề xuất kế hoạch tương tự của họ và hai đề xuất đã khiến cộng đồng bị chia rẽ, với tranh cãi về nảy lửa nên theo đề xuất nào để có lợi.

 

“Chúng tôi không tin các chính trị gia, những người chỉ hứa và không bao giờ biến lời nói của họ thành hành động”, Kim Mi-Ran cho biết.

 

Cưỡng chế di dời là một giải pháp nữa, nhưng giới chức trách đặc biệt nhận thức được hành động cực đoan này. Vụ cưỡng chế những người lấn chiếm trái phép một tòa nhà để tái phát triển ở quận khác của Seoul hồi năm 2009 đã gây ra đụng độ, khiến 5 người dân và 1 cảnh sát thiệt mạng.

 

Park Won-Soon, người được bầu làm thị trưởng Seoul hồi tháng 10 năm ngoái, đã khẳng định rõ rằng bất kỳ giải pháp nào ở Guryong cũng phải phản ánh ý kiến và quyền lợi của người dân nơi đây.

 

Còn với Kim Kyo-Seong, giáo sư của trường phúc lợi xã hội tại đại học Chung-Ang cho rằng, Guryong là hiện thân rõ nhất đối với mặt trái của một Hàn Quốc phát triển kinh tế nhanh chóng.

 

“Đây là biểu tượng mạnh mẽ của sự bất cân bằng trong xã hội chúng ta”, ông Kim cho hay, viện dẫn khoảng cách thu nhập, tình trạng thiếu hỗ trợ đối với người cao tuổi và tình trạng vất vưởng của những người bị “vòng xoáy” công nghiệp của Hàn Quốc bỏ lại.

 

Vũ Quý

Theo AFP