1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc sống của những người khai thác lưu huỳnh từ miệng núi lửa phun trào

(Dân trí) - Làm công việc khuân vác vất vả và hít khí độc hại, những lao động khai thác lưu huỳnh từ miệng núi lửa Indonesia đang trải qua cuộc sống vất vả ngày qua ngày để nuôi sống gia đình và ước mong về tương lai tốt đẹp hơn.


Ông Yatim, một thợ mỏ khai thác lưu huỳnh (Ảnh: CNA)

Ông Yatim, một thợ mỏ khai thác lưu huỳnh (Ảnh: CNA)

Núi lửa Ijen ở East Java, Indonesia là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Với hồ axit màu lục lam, luôn bốc lên làn khói trắng nồng nặc từ lưu huỳnh bốc cháy và những đỉnh núi lởm chởm, nơi đây là điểm luôn thu hút khách du lịch tới chiêm ngưỡng sự kì vĩ của tự nhiên.

Song, bên cạnh khách du lịch, nới đây còn có sự xuất hiện của hàng trăm thợ mỏ đang khai thác bất chấp sức khỏe, mạng sống chỉ để kiếm những đồng ít ỏi. Họ là những công nhân làm nghề khai thác lưu huỳnh tại miệng núi lửa.

Yatim, 44 tuổi là 1 trong số họ. Họ thường bắt đầu công việc vào nửa đêm để tránh cái nắng như thiêu như đốt vào buổi chiều.

Làm việc 7 giờ đồng hồ mỗi ngày, họ phải khai thác những mảnh lưu huỳnh ở thể rắn, màu vàng ở rìa hồ. Ban đầu lưu huỳnh ở thể khí sẽ hóa lỏng và được dẫn bằng hệ thống đường ống khổng lồ chảy tới điểm tập kết trước khi nguội và chuyển sang thể rắn. Các thợ mỏ có nhiệm vụ đập chúng thành mảnh nhỏ và khuân vác về nơi quy định.

Gió và làn khói lưu huỳnh là "kẻ thù" của những thợ mỏ ở đây. Mỗi lần họ phải tiếp xúc với làn không khí độc hại họ đều dừng lại vì choáng váng một lúc.

“Nó khiến tôi bị đau mắt và mũi. Bạn sẽ ho ngay lập tức nếu hít phải. Tệ hơn bạn có thể bị nôn mửa. Nó cũng làm đau ngực nữa”, ông Yatim chia sẻ.

Dù đã dùng mặt nạ nhựa để làm giảm thiểu ảnh hưởng của khói độc nhưng ông Yatim thừa nhận bộ lọc của nó đã mòn đi. Những người thợ ở đây hầu như không đủ tiền để mua mặt nạ phòng độc. Hầu như, những ai có mặt nạ để dùng đều do khách du lịch quyên góp và mang tặng.

Mỗi lượt vận chuyển họ phải mang tới 80kg lưu huỳnh trên 2 vai, nặng nhọc di chuyển trên các đỉnh núi. Công việc vất vả là vậy song những người lao động ở đây chấp nhận công việc vì họ hiểu sẽ khó có công việc nào trả lương cho họ cao hơn.

Công việc không thể từ bỏ

Những người thợ mỏ khuân vác tới 80kg lưu huỳnh mỗi lần di chuyển. (Ảnh: CNA)
Những người thợ mỏ khuân vác tới 80kg lưu huỳnh mỗi lần di chuyển. (Ảnh: CNA)

Yatim kiếm được khoảng 58 USD một tuần phụ thuộc vào khối lượng lưu huỳnh ông mang được xuống trạm cân ở chân núi. Đây là mức lương cao so với mặt bằng chung. Cả gia đình Yatim sống dựa vào thu nhập của ông.

Tại căn nhà giản dị, Yatim khoe bức ảnh con trai lớn đang làm việc với hải quân Indonesia và tranh thủ bế cô con gái 7 tuổi lên đùi trong kỳ nghỉ giữa ca trực. Mục tiêu của ông là gia đình mình sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.

“Tôi hy vọng chúng sẽ thành công và tìm được công việc tốt hơn. Bất kể ước mơ của chúng là gì, những người làm cha mẹ như chúng tôi luôn ủng hộ và cầu nguyện cho chúng”, ông Yaptim cho biết.

Vợ của Yatim vô cùng lo lắng về sức khỏe của chồng. Tuy nhiên, ông lại khá dửng dung, nhất là sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe do công ty thuê ông chi trả nói rằng sức khỏe ông vẫn bình thường.

Tại địa phương, phòng Khám Đa Khoa Cộng Đồng Licin tổ chức những chương trình kiểm tra sức khỏe từ thiện cho các thợ mỏ khoảng hai đến ba lần mỗi năm. Kholid, người đứng đầu phòng khám, cho biết dù những người này hít thở lưu huỳnh mỗi ngày, nhưng điều này không ảnh hưởng rõ rệt đến hệ thống hô hấp.

“Hầu hết họ có vấn đề ở răng. Vì hàm lượng axit trong không khí quá cao nên răng họ bị ăn mòn”, ông Kholid cho biết.

Nhưng rủi ro về thể chất bên ngoài thực sự là điều đáng lo ngại khi họ gặp những chấn thương trong quá trình vác lưu huỳnh từ trên núi xuống. Bản thân Yarim đã từng bị gãy chân nghiêm trọng và 5 tháng nghỉ làm gia đình ông đã phải đối mặt với thiếu thốn nghiêm trọng về mặt kinh tế.

Và cứ thế, mỗi ngày Yarim lại lên đường kiếm kế sinh nhai cho gia đình. Ông chấp nhận công việc nặng nhọc như một phần của cuộc sống. Và núi lửa Ijen vẫn rất đẹp trong mắt ông.

Đức Hoàng

Theo CNA