1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc sống căng như dây đàn tại nơi “đáng sợ nhất Trái Đất”

(Dân trí) - Người dân sống tại làng Taesung trong khu phi quân sự liên Triều chấp nhận cuộc sống bị hạn chế về nhiều mặt tại một nơi được xem là khu vực “đáng sợ nhất Trái Đất”.

Cuộc sống căng như dây đàn tại nơi “đáng sợ nhất Trái Đất” - 1

Làng Tự do Taesung (Ảnh: Getty)

Trong suốt hàng chục năm, Làng Tự do Taesung với 188 người dân đã được hưởng những đặc quyền mà rất ít nơi ở Hàn Quốc có được. Nam giới trong làng được miễn nghĩa vụ quân sự, mặc dù đây là yêu cầu bắt buộc đối với các thanh niên Hàn Quốc. Ngoài ra, 46 hộ gia đình tại đây cũng được hưởng ưu đãi giảm thuế đặc biệt.

Đây là “phần thưởng” dành cho những người chấp nhận sống tại một khu vực được gọi là “nơi đáng sợ nhất trên Trái Đất”.

Làng Tự do Taesung là nơi duy nhất có dân thường Hàn Quốc sinh sống bên trong Khu Phi quân sự (DMZ) chia tách biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên.

Trong những tuần gần đây, người dân trong làng tiếp tục được hưởng thêm một đặc quyền nữa. KT Corp., một trong những nhà mạng di động lớn của Hàn Quốc, đã lắp đặt mạng viễn thông siêu nhanh thế hệ 5, hay còn gọi là 5G, tại Làng Tự do Taesung. Đây là một trong những hệ thống 5G đầu tiên được lắp đặt tại một thị trấn ở Hàn Quốc.

“Mạng này hỗ trợ tôi còn nhiều hơn các con tôi, những người sống ở ngoài làng”, bà Go Geum-sik, 73 tuổi, cho biết.

Với dịch vụ 5G, bà Go cho biết bà chỉ cần nhấn một nút trên thiết bị cầm tay để ngay lập tức báo tin cho trưởng làng, hoặc trung tâm cộng đồng, nếu bà hoặc chồng bà gặp vấn đề khẩn cấp về sức khỏe.

“Gọi cho 911 cũng vô ích thôi. Vì họ không thể đến tận đây”, bà Go nói.

Trong khi Hàn Quốc đang chạy đua để xây dựng một trong những hệ thống 5G phủ sóng toàn quốc đầu tiên trên thế giới, làng Taesung đã trở thành một địa điểm “hấp dẫn”, nơi Hàn Quốc có thể “khoe” sức mạnh công nghệ không chỉ với nước láng giềng mà còn với cả thế giới.

Căng thẳng biên giới

Cuộc sống căng như dây đàn tại nơi “đáng sợ nhất Trái Đất” - 2

Làng Kijong của Triều Tiên (Ảnh: AP)

Khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953, Khu phi quân sự (DMZ) đã được thành lập để chia tách hai lực lượng quân sự đối đầu nhau.

Hầu hết dân thường đều phải cách ly khỏi vùng đệm DMZ, khu vực chỉ rộng khoảng 4 km nhưng là một trong những vùng biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới. Nơi đây có các bãi mìn, hàng rào dây thép gai, bẫy chống xe tăng và các đơn vị quân sự luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu của cả Hàn Quốc và Triều Tiên. Bất kỳ ai tìm cách vượt qua đường biên giới ở DMZ đều có nguy cơ trúng “mưa đạn”.

Chỉ hai ngôi làng có dân thường sinh sống tại DMZ, gồm làng Taesung ở bên phía Hàn Quốc và làng Hòa bình Kijong ở bên phía Triều Tiên. Mặc dù nằm cách nhau không xa, nhưng người dân ở hai làng không được phép giao lưu với nhau.

Cuộc sống căng như dây đàn tại nơi “đáng sợ nhất Trái Đất” - 3

Bản đồ khu phi quân sự liên Triều (Ảnh: New York Times)

Trong suốt hàng chục năm sau chiến tranh, Taesung và Kijong đã trở thành những “con tốt” trong cuộc chiến tuyên truyền giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Cả hai bên đều đầu tư vào những ngôi làng của mình. Tuy nhiên, Kijong bây giờ gần như vắng người và màu sơn trên các căn hộ trong làng cũng nhạt dần.

Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn đang nỗ lực giữ chân người dân ở lại làng Taesung, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức. Người dân ở Taesung phải chấp nhận từ bỏ nhiều sự tự do và dịch vụ mà những người Hàn Quốc khác đương nhiên được hưởng.

Bất kể khi nào người dân ở Taesung muốn tới cánh đồng lúa gần đường biên giới, nơi cách làng khoảng 400 mét, họ đều phải có các binh lính Hàn Quốc đi theo. Người dân trong làng cũng phải tuân thủ giờ giới nghiêm từ nửa đêm đến khi mặt trời mọc và phải điểm danh mỗi đêm.

Khi muốn mời bạn bè ở bên ngoài Khu phi quân sự tới thăm, dân làng phải nộp đơn đề xuất trước hai tuần. Khi một xe ô tô đi vào Khu phi quân sự, bản đồ định vị trên xe sẽ tự động không hiển thị. Các binh lính sẽ hộ tống tất cả khách vào thăm làng.

Làng Taesung không có phòng tập thể dục, bệnh viện, siêu thị hay nhà hàng. Một ngày sẽ có 4 chuyến xe buýt tới làng.

“Đi lại là vấn đề đau đầu nhất, đặc biệt là với những người không biết lái xe như tôi”, bà Go nói.

Nếu người dân ở Taesung muốn gọi đồ ăn Trung Quốc, trạm kiểm soát quân sự cuối cùng bên ngoài Khu phi quân sự là nơi gần nhất xe giao hàng có thể đến. Đồ ăn sẽ được đặt tại trạm quân sự và người dân sẽ tới đó để mang về.

Cuộc sống thay đổi

Cuộc sống căng như dây đàn tại nơi “đáng sợ nhất Trái Đất” - 4

Một binh sĩ Hàn Quốc đứng gần một ăng ten của hệ thống 5G trên nóc một ngôi nhà. (Ảnh: Getty)

Mạng lưới 5G mới dự kiến sẽ giảm bớt gánh nặng cho dân làng Taesung.

Trước khi 5G xuất hiện, người nông dân phải nhờ binh lính hộ tống họ tới một hồ chứa cách đó hơn 1 km để sử dụng máy bơm nước. Tuy nhiên bây giờ, họ có thể làm chuyện đó ở nhà thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động. Cũng với ứng dụng này, người dân có thể kiểm soát các vòi phun nước trong ruộng đậu của họ.

Trong suốt nhiều năm, những phụ nữ trong làng Taesung muốn học các lớp yoga, nhưng không có người hướng dẫn nào đến dạy. Còn bây giờ, các bài học yoga được chiếu trên các màn hình lớn tại trung tâm cộng đồng.

Tại ngôi trường duy nhất trong làng, trường tiểu học Taesung, các học sinh bây giờ có thể chơi các trò chơi trực tuyến tương tác. Học sinh có thể ném những quả bóng thật vào các mục tiêu ảo trên tường.

Cuộc sống căng như dây đàn tại nơi “đáng sợ nhất Trái Đất” - 5

Học sinh chơi ném bóng nhờ công nghệ 5G hỗ trợ tại trường tiểu học Taesung (Ảnh: Reuters)

Những tiện nghi như vậy là điều quan trọng để trường Taesung có thể tồn tại. Cũng giống như những ngôi làng khác ở vùng nông thôn Hàn Quốc, nhiều thanh niên trẻ tại Taesung đã chuyển đến sinh sống ở các thành phố lớn trong những thập niên gần đây. Ngày nay, chỉ có 7/35 học sinh của trường là người gốc Taesung. Phần còn lại là học sinh từ Munsan, thị trấn gần nhất ngoài Khu phi quân sự, hàng ngày đi xe buýt tới trường Taesung.

Tại trường Taesung, các học sinh được quan tâm chu đáo khi có tới 21 giáo viên và nhân viên nhà trường chịu trách nhiệm chăm lo cho 35 học sinh. Các ưu đãi như vậy khiến trường Taesung trở thành lựa chọn hàng đầu của các bậc phụ huynh tại Munsan.

“Tại đây, chúng cháu được nhận nhiều thứ mà các trường bên ngoài không có. Khi tham gia hoạt động ngoại khóa, chúng cháu không phải trả bất kỳ chi phí nào vì đã có chính phủ lo”, Heo Ye-rin, học sinh lớp 6 hàng ngày đi xe buýt từ Munsan tới Taesung, cho biết.

Một sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu đã tổ chức một lớp dạy tiếng Anh miễn phí hai lần một tuần.

Cuộc sống căng như dây đàn tại nơi “đáng sợ nhất Trái Đất” - 6

Binh sĩ Hàn Quốc đứng bên ngoài lễ tốt nghiệp của học sinh trường Taesung (Ảnh: New York Times)

Các nỗ lực ngoại giao cấp cao đã giúp giảm bớt căng thẳng dọc biên giới Hàn - Triều. Năm ngoái, Khu phi  quân sự là nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4 và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6.

Ngày nay, Taesung cũng giống như mọi ngôi làng khác ở vùng nông thôn Hàn Quốc với những cánh đồng lúa chín vàng. Tuy nhiên, Chun In-bum, tướng quân đội Hàn Quốc nghỉ hưu, nói rằng “đừng để vẻ bên ngoài đánh lừa bạn”. Ông Chun cho biết các binh sĩ Triều Tiên vẫn luôn theo dõi mọi hành động của khách từ bên ngoài.

“Đây không phải là địa điểm bình thường. Đó là nơi hòa bình được bảo vệ bởi những người lính tận tụy”, ông Chun nói.

Dân làng Taesung là những người chứng kiến rõ nhất những thăng trầm trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Từ hàng chục năm trước, dân làng từng đạp phải mìn còn sót lại sau chiến tranh, hay bị binh sĩ Triều Tiên bắt cóc. Khi căng thẳng lên cao, dân làng thường xuyên được sơ tán tới các hầm trú ẩn dưới lòng đất.

Mặc dù quan hệ Hàn - Triều tan băng gần đây, dân làng vẫn phải diễn tập sơ tán hai lần một năm. Các loa tuyên truyền của Triều Tiên cũng giảm bớt hoạt động khi hai nước đồng ý tắt loa tuyên truyền ở biên giới.

Thành Đạt

Theo New York Times