1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc đua quyết liệt dưới đáy biển

Khoảng 80%-90% thiết bị khảo sát địa chất có trên thị trường quốc tế không được phép bán cho Trung Quốc

Tàu ngầm Giao Long của Trung Quốc vừa có cú lặn sâu đầu tiên ở Ấn Độ Dương vào đầu năm 2015 trong nỗ lực tìm kiếm kim loại quý. Đây là một phần của dự án thám hiểm Ấn Độ Dương kéo dài 120 ngày với nhiệm vụ thu thập các mẫu khoáng sản có chứa đồng, kẽm và những kim loại quý, như vàng, bạc… Tàu còn lấy mẫu đá, cặn và nước tại những địa điểm được chọn lựa.

Thăm dò, khai thác khoáng sản

Báo Times of India (Ấn Độ) hôm 5-1 nhận định dự án trên cho thấy “cơn đói” tài nguyên của Bắc Kinh. Vào năm ngoái, Giao Long thực hiện chuyến thám hiểm khoa học dài 52 ngày ở Tây Bắc Thái Bình Dương (kết thúc vào tháng 8-2014).

Trung Quốc cho biết các hoạt động lặn nêu trên diễn ra trong khu vực mà nước này được cấp phép thăm dò. Trước đó, Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển tài nguyên biển Trung Quốc (COMRA) ký hợp đồng với Cơ quan Đáy biển quốc tế (một cơ quan liên chính phủ có trụ sở chính ở Jamaica) để nghiên cứu vùng biển rộng 10.000 km2 năm 2011.

 
Tàu ngầm Giao Long được đưa lên khỏi mặt biển ở Ấn Độ Dương hôm 2-1 Ảnh: Tân Hoa Xã

Tàu ngầm Giao Long được đưa lên khỏi mặt biển ở Ấn Độ Dương hôm 2-1 Ảnh: Tân Hoa Xã
 
Trung Quốc gia nhập cuộc chơi này hơi muộn, trong khi các nước phát triển như Đức, Mỹ và cả Nhật Bản đã bắt đầu thăm dò tài nguyên ở đáy biển vào những năm 1980. Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc còn tin rằng nước này chưa có đủ công nghệ, thiết bị cần thiết.

“Khoảng 80%-90% thiết bị khảo sát địa chất có trên thị trường quốc tế không được phép bán cho Trung Quốc. Họ lo ngại chúng ta sẽ sao chép thiết kế hoặc dùng trong quân sự bởi những bộ cảm biến địa chất cực nhạy có thể phát hiện và nhận biết tàu ngầm” - ông Vương Tú Minh, một chuyên gia về sóng siêu âm tại Viện Khoa học Trung Quốc, nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông).

Cuộc chiến chống tàu ngầm

Cuộc đua dưới đáy biển không chỉ sôi động trong lĩnh vực săn khoáng sản quý mà còn lan sang quân sự. Trung Quốc gần đây đã thử nghiệm thành công robot tự hành Hải Yến tại vùng nước sâu 1.500 m ở biển Đông.

Trang tin tiếng Hoa Đa Chiều ở Mỹ cho biết Hải Yến có thể được hải quân Trung Quốc cải tạo thành một loại robot chiến đấu và tuần tra dưới nước để bảo vệ chiến hạm và giàn khoan mà nước này kéo đến biển Đông. Bước đi này có thể khiến cộng đồng quốc tế lo ngại do Bắc Kinh có tranh cãi chủ quyền với nhiều láng giềng, trong đó có Tokyo.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất hợp tác với Úc để nghiên cứu và sản xuất tàu ngầm. Theo nội dung đề xuất được báo Mainichi đăng tải ngày 5-1, Nhật và Úc sẽ bắt tay phát triển loại thép đặc biệt và những vật liệu khác cho tàu ngầm. Tokyo phụ trách việc lắp ráp.

Tờ báo cho biết Úc có phản ứng tích cực với đề xuất và hai bên có thể đạt thỏa thuận vào cuối năm 2015. Bước đi này diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tìm cách mở rộng vai trò quân sự cũng như nới lỏng những hạn chế tự áp đặt lên quân đội sau thế chiến thứ 2.

Trung Quốc cũng có thể là cái tên được Hải quân Mỹ nghĩ đến khi họ lên kế hoạch tăng đáng kể số phao âm dùng để chống tàu ngầm ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương. Theo báo The Oregonian, số phao âm được triển khai dọc bờ biển các bang Oregon, Washington, Alaska và miền Bắc bang California dự kiến tăng từ 20 lên 720 trong thời gian tới. Theo một báo cáo mới đây của Quốc hội Mỹ, Hải quân Trung Quốc dự kiến đóng thêm khoảng 60 tàu ngầm và tàu mặt biển từ nay đến năm 2020.


Theo Phương Võ
Người lao động