1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc đời vị tổng thống nhập cư của nước Pháp

(Dân trí) - Tổng thống mới đắc cử của Pháp Nicolas Sarkozy - một con người mạnh mẽ và quyết liệt, đã phải chịu nhiều chỉ trích trong những tháng gần đây và giờ ông sẽ có 5 năm để chứng minh rằng những lời chỉ trích đó là sai lầm.

Nhiều người cho rằng Nicolas Sarkozy là một trong những nhân vật cá tính nhất chuyển đến điện Elysee kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ông có những ý tưởng có thể tạo ra cả hy vọng và sợ hãi từ cả hai phía của chính trường Pháp. Thậm chí nhiều thành viên của đảng UMP cũng đang hồi hộp không biết nhiệm kì tổng thống sắp tới của ông sẽ mang lại điều gì.

 

Brice Hortefeux, một trong những người bạn và đồng minh chính trị của Sarkozy nói: "Những chính trị gia khác không muốn mạo hiểm, nhưng ông ấy thì có”.

 

Ông Sarkozy là tổng thống Pháp đầu tiên có gốc gác nhập cư và là một sinh viên tốt nghiệp từ hệ thống giáo dục đại học cũ kỹ, trong khi các chính trị gia hàng đầu của Pháp được đào tạo từ những ngôi trường danh tiếng nhất đất nước. Song tân tổng thống Pháp luôn thể hiện mình là người tràn đầy nghị lực, tham vọng, thực dụng và tính toán để đạt được mục đích.

 

Sarkozy có chiều cao tương đương với Napoleon và có một hồ sơ cá nhân giống như vua Louis XIV.

 

Nicolas Paul Stephane Sarkozy de Nagy-Bocsa sinh ngày 28/1/1955 tại Paris, là con trai của một quý tộc người Hungary. Mẹ ông là sinh viên luật, bà cũng là con của một người nhập cư.

 

Sarkozy là con trai thứ hai trong số ba người con trong gia đình. Khi ông mới 5 tuổi, cha ông đã bỏ đi để cưới một người phụ nữ khác và sau đó có thêm hai người con nữa. Bị cha bỏ rơi đã khiến Sarkozy phải sống dựa chủ yếu vào ông ngoại tại Quận 17 của Paris. 

 

Mẹ của Sarkozy đã học xong bằng luật, làm việc cho thị trưởng của Neuilly-sur-Seine. Bà đã gửi những đứa con tới một trường tư Thiên Chúa giáo. Sau này, ông Sarkozy cũng có được bằng luật và trở thành thành viên của Hội đồng thị trấn Neuilly khi mới 22 tuổi.

 

Sarkozy thực sự khởi đầu sự nghiệp chính trị khi trở thành lãnh đạo trẻ của Liên minh Dân chủ vì Nền Cộng hòa, đảng theo chủ nghĩa De Gaulle của ông Jacques Chirac. Vào thời điểm đó ông Chirac còn đang là Thủ tướng Pháp.

 

Tác phong mạnh mẽ và phong cách diễn thuyết của Sarkozy đã được Chirac để ý và ông đã giành được sự hậu thuẫn của nhiều lãnh đạo đảng khác. Sarkozy không hề e ngại khi tỏ ra vượt trội hơn những người lớn tuổi hơn mình khi có cơ hội. Năm 1983, Sarkozy đã tranh cử và chiến thắng trong cuộc bầu thị trưởng Neuilly và trở thành thị trưởng trẻ nhất của Pháp ở tuổi 28.

 

Sarkozy đã thu hút được sự chú ý của cả nước Pháp năm 1993 khi ông đã đàm phán với một gã bắt cóc tự xưng là Human Bomb (Bom người), để giải thoát cho các học sinh bị bắt làm con tin. Kẻ bắt cóc cuối cùng đã bị cảnh sát bắn chết, còn những đứa trẻ được tự do.

 

Tiếp đó, Sarkozy đảm đương chức Bộ trưởng Ngân khố dưới thời Thủ tướng Edouard Balladur và đã theo ủng hộ ông Balladur, chứ không phải ông Chirac, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1995. Khi ông Chirac thắng cử, Sarkozy đã không thể được tiếp tục phục vụ trong chính quyền mới.

 

Mối quan hệ giữa ông Sarkozy và ông Chirac đã diễn ra căng thẳng kể từ đó, nhưng những khả năng chính trị của ông Sarkozy lại quá hoàn hảo và chính Tổng thống Chirac đã đưa ông trở lại chính phủ làm Bộ trưởng Nội vụ năm 2002.

 

Kể từ đó, không ai có thể ngăn cản được Sarkozy xuất hiện trong giới truyền thông và đôi khi còn lấn át cả Tổng thống với những kế hoạch của mình, gồm cả chiến dịch luật lệ và trật tự nổi tiếng.

 

Sau sự điều chỉnh nội các năm 2004, ông Sarkozy làm Bộ trưởng Tài chính. Trong thời gian tại chức, ông nổi lên là một nhân vật cứng rắn, theo chủ nghĩa De Gaulle truyền thống.

 

Với việc tập trung mạnh mẽ vào các cuộc bầu cử tổng thống, Sarkozy đã tranh cử và có được vị trí lãnh đạo của đảng UMP, đảng của ông Chirac. Nhưng thật bất ngờ khi ông Chirac - người có thể vẫn có tham vọng làm Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, đã buộc Sarkozy phải từ chức khỏi chính phủ.

 

Tuy vậy, chỉ vài tháng sau, Tổng thống Chirac đã gọi ông Sarkozy quay trở lại do ông Chirac muốn lấy lại lòng tin vào chính quyền sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp châu Âu tháng 5/2005.

 

Trong nhiệm kỳ thứ hai làm Bộ trưởng Nội vụ, Sarkozy đã kiên quyết hơn bao giờ hết, đe dọa sẽ "xóa sổ" những khu vực có nhiều tội phạm và người nhập cư trái phép. Nhiều người đã coi chiến dịch chống tội phạm này là một nỗ lực được tính toán để giành sự ủng hộ của phe cánh tả Pháp trong cuộc bầu cử tổng thống tương lai.

 

Nhưng chiến thuật này lại có vẻ không hiệu quả khi những thanh niên nhập cư thế hệ thứ hai đã nổi loạn, gây nên cuộc bạo động kéo dài hàng tuần lễ trên khắp nước Pháp. Một lần nữa, Sarkozy lại biến tình huống nguy hiểm trở thành một điểm cộng cho mình, "ra tay" dập tắt bạo lực trong khi một số quan chức chính phủ khác ngồi yên.

 

Thành công trong sự nghiệp, nhưng cuộc sống gia đình của Sarkozy lại không mấy hạnh phúc. Ông ly dị người vợ đầu năm 1996, người đã có cùng ông hai con trai, để lấy bà Cecilla Ciganer-Albeniz, người sau này đã có với ông thêm một người con trai nữa. Bà Cecilla đã từng là người động viên và giúp đỡ ông Sarkozy trong nhiều năm, nhưng cuối cùng lại bỏ đi với một người đàn ông khác vào năm 2005. Sau đó, hai người quay lại với nhau, nhưng bà không hề tham gia vào chiến dịch tranh cử vừa rồi của ông Sarkozy. Người ta còn đoán rằng ông sẽ phải vào điện Elysee một mình.

 

Với những cam kết cải cách, giờ đây ông Sarkozy sẽ phải dùng toàn bộ sức lực để thực hiện những thay đổi đó trong một đất nước không thích nguyên trạng nhưng cũng chưa sẵn sàng thay đổi.

 

Long Nguyễn

Theo IHT