Cuộc đối đầu Nga - Estonia: Căng thẳng leo thang ở biển Baltic
(Dân trí) - Biển Baltic đang trở thành điểm nóng địa chính trị trong những tháng gần đây. Trọng tâm của căng thẳng là một loạt các cuộc đối đầu giữa Nga và Estonia.

Các quốc gia tiếp giáp biển Baltic (Đồ họa: Aljazeera).
Theo Modern Diplomacy, biển Baltic từ lâu đã là khu vực nhạy cảm chiến lược do vị trí địa lý đặc biệt, nơi các quốc gia NATO Estonia, Latvia, Lithuania, Phần Lan và Thụy Điển đối mặt trực tiếp với Nga.
Việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO lần lượt vào năm 2023 và 2024 đã biến vùng Biển Baltic thành một khu vực gần như được bao quanh bởi các quốc gia thuộc liên minh quân sự này, thường được gọi là "hồ NATO". Điều này làm gia tăng áp lực đối với Nga, quốc gia vốn đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc từ phương Tây sau khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022.
Trong bối cảnh này, Estonia - quốc gia nhỏ với dân số chỉ hơn 1,3 triệu người, nổi lên như một trong những thành viên tích cực nhất của NATO trong đối phó với các hành động của Nga. Với đường biên giới dài 294km giáp Nga và lịch sử phức tạp với nước láng giềng khổng lồ, Estonia luôn ở trạng thái cảnh giác cao độ. Thành phố Narva, nơi có đông dân số nói tiếng Nga, thường được xem là một điểm nóng tiềm tàng cho các hành động khiêu khích từ phía Moscow.
"Hạm đội bóng đêm" và vai trò trong cuộc đối đầu
Theo Reuters, một trong những nguyên nhân chính làm leo thang căng thẳng Nga - Estonia là "hạm đội bóng đêm" - cụm từ được truyền thông phương Tây sử dụng để mô tả mạng lưới tàu chở dầu của Nga nhằm "lách" lệnh trừng phạt quốc tế.
Theo Estonia, 85% lượng dầu xuất khẩu của Nga và 60% doanh thu dầu mỏ của nước này, được vận chuyển qua hạm đội này tới các thị trường nước ngoài. Các tàu này thường hoạt động dưới các lá cờ tiện lợi (như Gabon hoặc Djibouti), thiếu bảo hiểm hợp lệ và không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn hàng hải quốc tế.
Ngày 14/5, một vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra khi hải quân Estonia cố gắng chặn tàu chở dầu Jaguar, mang cờ Gabon, trong vùng biển quốc tế giữa Estonia và Phần Lan. Tàu này bị nghi ngờ thuộc "hạm đội bóng đêm" và nằm trong danh sách trừng phạt của Anh ngày 9/5. Khi lực lượng Estonia yêu cầu kiểm tra giấy tờ, tàu Jaguar từ chối hợp tác và thả neo gần đảo Gogland thuộc Nga.
Đáp lại, Nga triển khai máy bay chiến đấu Su-35, vi phạm không phận NATO khi không thiết lập liên lạc vô tuyến với kiểm soát không lưu Estonia, cùng với một tàu khu trục để cảnh báo lực lượng Estonia. Cuộc đối đầu này buộc Estonia phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các đồng minh NATO, với các máy bay F-16 của Bồ Đào Nha được điều động từ căn cứ Ämari.
Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna cáo buộc và gọi đây là hành động của Nga nhằm bảo vệ "hạm đội bóng đêm", một thành phần quan trọng trong nền kinh tế thời chiến của Moscow.
Trong khi đó, Nga coi các hành động của Estonia là khiêu khích, với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova lên án các sửa đổi pháp lý của Estonia cho phép sử dụng vũ lực đối với tàu nước ngoài, gọi đó là mối đe dọa đối với an ninh hàng hải ở Biển Baltic.
Vụ việc tàu Jaguar không phải là trường hợp duy nhất làm gia tăng căng thẳng. Vào ngày 18/5, Nga đã bắt giữ tàu chở dầu Green Admire treo cờ Liberia, thuộc sở hữu của Hy Lạp, sau khi tàu này rời cảng Sillamae của Estonia. Nga cho rằng tàu này đi qua vùng biển của mình, dù tuyến đường đã được các bên, bao gồm Estonia, Nga và Phần Lan, thống nhất trước đó. Tàu Green Admire sau đó được thả vào ngày 20/5 và tiếp tục hành trình tới Rotterdam (Hà Lan).
Những sự cố này cho thấy Nga sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt là "hạm đội bóng đêm". Điện Kremlin tuyên bố sẽ bảo vệ các tàu của mình ở Biển Baltic bằng mọi phương tiện có thể, đồng thời cảnh báo các hành động của Estonia có thể dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ Moscow. Ngoài ra, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân như cuộc tập trận "An toàn Hàng hải" của Hạm đội Baltic vào đầu tháng 5, nhằm gửi tín hiệu cứng rắn tới Estonia và các đồng minh NATO rằng họ sẽ không nhượng bộ trước áp lực.
Cuộc đối đầu Nga - Estonia không chỉ giới hạn ở các vụ việc trên mặt nước mà còn liên quan đến các hành động được cho là "chiến tranh lai tạp". Nga bị tình nghi ngờ đứng sau các vụ tác động tới cơ sở hạ tầng dưới biển, bao gồm cáp điện, cáp viễn thông và đường ống dẫn khí, theo Modern Diplomacy. Cuối tháng 12/2024, một cáp điện nối Phần Lan và Estonia bị cắt đứt và một tàu chở dầu nghi thuộc "hạm đội bóng đêm" của Nga, bị lực lượng bảo vệ bờ biển Phần Lan chặn lại. Mặc dù Nga bác bỏ các cáo buộc, Tổng thống Latvia và các chuyên gia an ninh đã gọi đây là một phần của chiến lược "chiến tranh lai tạp" nhằm gây bất ổn cho các quốc gia phương Tây.
Các quốc gia Baltic, với vị trí địa lý dễ bị tổn thương, đặc biệt lo ngại về khả năng Nga can thiệp vào cơ sở hạ tầng quan trọng của họ, từ đó làm gia tăng bất ổn trong khu vực.
Phản ứng của NATO và các quốc gia Baltic
Để đối phó với động thái từ Nga, NATO triển khai "Sứ mệnh Baltic Sentry" từ tháng 1 nhằm tuần tra Biển Baltic, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là các cáp dưới biển. Sứ mệnh này bao gồm các tàu mặt nước và máy bay tuần tra từ các quốc gia như Bỉ, Hà Lan và Ba Lan. Tuy nhiên, sứ mệnh này không có quyền trực tiếp đối phó với "hạm đội bóng đêm" do các hạn chế về pháp lý và ranh giới hàng hải.
Các quốc gia Baltic, đặc biệt là Estonia, Latvia và Litva, đã tích cực kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Estonia, với lực lượng hải quân nhỏ bé chỉ gồm 8 tàu, đang lên kế hoạch mua thêm 12 tàu mới để tăng cường khả năng phòng thủ.
Đáng chú ý, ngày 22/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ bán 800 tên lửa chống tăng FGM-148F Javelin và 72 bộ điều khiển phóng hạng nhẹ (LwCLU) cho Estonia, với tổng trị giá 296 triệu USD. Thương vụ này là một phần trong nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ của Estonia, một quốc gia vùng Baltic nằm ở tuyến đầu chống Nga của NATO. Động thái này không chỉ củng cố quan hệ quân sự Mỹ - Estonia mà còn gửi tín hiệu mạnh mẽ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu.
Trong khi đó, Litva và Ba Lan cũng đang nâng cấp lực lượng hải quân của mình, với Ba Lan dự kiến mua tàu ngầm và Litva mua thêm tàu tấn công. Các động thái này phản ánh sự quyết tâm của các quốc gia Baltic trong việc đối phó với Nga, đồng thời nhấn mạnh vai trò của họ như tuyến đầu của NATO.
Ngoài ra, các quốc gia Baltic cũng thúc đẩy EU phối hợp hành động chống lại "hạm đội bóng đêm", thông qua việc áp đặt gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga vào ngày 20/5. Trọng tâm của gói trừng phạt là việc đưa 189 tàu chở dầu của "Hạm đội bóng đêm" vào danh sách đen.
Theo Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, số tàu này bị cáo buộc vận chuyển dầu mỏ Nga vượt mức giá trần do G7 áp đặt, thông qua các công ty bình phong để che giấu quyền sở hữu và hành trình. Các tàu này thường sử dụng các phương thức như tắt hệ thống định vị AIS, đổi cờ hoặc đăng ký dưới danh nghĩa các công ty tại các quốc gia không chịu trừng phạt.

Đã xảy ra các vụ bị nghi là phá hoại cáp điện, cáp viễn thông dưới biển Baltic (Ảnh: Reuters).
Quan điểm từ phía Nga
Từ góc nhìn của Nga, cuộc đối đầu với Estonia là một phần của nỗ lực lớn hơn của phương Tây nhằm kiềm chế Moscow, cả về kinh tế lẫn quân sự. Báo chí Nga nhấn mạnh các lệnh trừng phạt và hành động của NATO không chỉ không hiệu quả trong làm suy yếu Nga, mà còn làm gia tăng căng thẳng ở một khu vực vốn đã nhạy cảm.
Theo TASS, Nga xem các hành động của Estonia tại Biển Baltic là "khiêu khích" và "vi phạm quyền tự do hàng hải". Chính giới Nga nhấn mạnh tàu Jaguar của Nga đã thành công trong việc tiếp tục hành trình tới cảng Primorsk, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của Estonia, mô tả đây như một chiến thắng trước áp lực từ phương Tây.
Ngoài ra, Nga cũng cáo buộc NATO, thông qua các hành động của Estonia, đang cố gắng kiềm chế nền kinh tế Nga bằng cách nhắm vào các tàu chở dầu của họ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định rằng Nga sẽ sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình, bao gồm cả việc triển khai lực lượng quân sự.
Cuộc đối đầu Nga - Estonia đặt ra nhiều thách thức cho an ninh khu vực và quốc tế.
Thứ nhất, việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với "hạm đội bóng đêm" gặp khó khăn do các giới hạn pháp lý trong vùng biển quốc tế. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), quyền kiểm tra và bắt giữ tàu trong vùng biển quốc tế bị hạn chế nghiêm ngặt, khiến Estonia phải đối mặt với rủi ro pháp lý khi hành động.
Thứ hai, chiến lược "chiến tranh lai tạp" của Nga gây ra mối đe dọa với châu Âu, làm suy yếu sự đoàn kết của NATO, theo Modern Diplomacy.
Thứ ba, nguy cơ leo thang quân sự là rất thực tế. Với sự tăng cường sức mạnh quốc phòng và hiện diện ngày càng tăng của NATO ở Biển Baltic cùng sự quyết đoán của Nga, một sự cố nhỏ có thể nhanh chóng dẫn đến xung đột lớn hơn. Như nhà phân tích quốc phòng Elisabeth Gosselin-Malo đã nhận định, cả Nga và Estonia đều đang "đi trên dây" để bảo vệ lợi ích của mình mà không kích động chiến tranh.
Cuộc đối đầu Nga - Estonia ở Biển Baltic là biểu tượng của những căng thẳng sâu sắc giữa Nga và NATO/phương Tây, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết.
Với "hạm đội bóng đêm" của Nga và sự hiện diện ngày càng tăng của NATO, khu vực này đang đứng trước nguy cơ trở thành một điểm nóng thường trực.
Đối với Estonia, việc tiếp tục kiểm tra các tàu vi phạm lệnh trừng phạt là một nỗ lực để bảo vệ lợi ích quốc gia và củng cố vai trò của mình trong NATO. Tuy nhiên, điều này cũng đặt quốc gia này vào thế đối đầu trực tiếp với một nước Nga quyết đoán, sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích của mình.